Việc ganh ghét, đố kỵ là điều thường gặp ở các công sở, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, trong đó, không thể không kể đến ngành giáo dục.

Trong khi các sinh viên sư phạm ra trường rất khó khăn để tìm được một công việc tốt với mức lương đủ sống và được vào biên chế, thì những người đã có vị trí vững chắc trong ngành cũng luôn luôn phải thật khôn khéo và tỉnh táo để tồn tại trong môi trường khá khắt khe này.

Lương N. là một cô giáo đã có thâm niên trong nghề của một trường THCS. Với chuyên môn giỏi, khả năng lãnh đạo tốt và hết lòng với học trò, cô luôn giữ vững nhiều danh hiệu của sở, ngành trao tặng và làm tốt cương vị của một phó hiệu trưởng. Cô được học sinh yêu mến, kính trọng, là tấm gương sáng cho các giáo viên trẻ noi theo.

Tuy nhiên, với không ít giáo viên kỳ cựu khác trong trường, cô như một cái gai trong mắt và không lấy được nhiều thiện cảm của họ. Họ tìm cách nói xấu, soi mói đời sống riêng tư, đẩy cô vào những tình huống khó xử trong công việc, nhằm làm cô nao núng và giảm uy tín trước hiệu trưởng.

Cô N hầu như không bao giờ phản kháng trực tiếp, chỉ âm thầm lặng lẽ làm tốt công việc của mình vì cô không muốn tự mình biến những lời nói qua nói lại sau lưng của đồng nghiệp thành hiện thực, làm mất đi đạo đức, danh dự của một nhà giáo.

Tuy nhiên, trong một lần luân chuyển giáo viên, một số người sẽ phải rời vị trí của mình lên công tác tại các xã khó khăn, cô N. là người đầu tiên trong danh sách được mọi người nhắm đến. Không muốn chịu thêm nhiều áp lực đã có từ lâu, cô tình nguyện làm đơn xin được chuyển trường, bắt đầu công việc mới với những học sinh nghèo và cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.

Trịnh C. cũng là một giáo viên THPT giỏi trong ngôi trường trọng điểm của một tỉnh. Cũng như cô Lương N., cô C. cũng luôn phải sống với sự ganh tỵ của những giáo viên khác bởi chuyên môn giỏi, bề dày thành tích và khả năng đào tạo được nhiều lớp học sinh thành tài.

Sự đố kỵ, ghen ghét càng nhân lên khi cô phát hiện năng khiếu văn chương của những học sinh chuyên ban tự nhiên và đưa các em đó trở thành học sinh giỏi môn Ngữ văn. Một số giáo viên cùng tổ bộ môn tỏ ra rất khó chịu, ấm ức, mặc dù những cá nhân ấy cũng có không ít thành tích trong đào tạo học sinh giỏi. Sự ghen tỵ thể hiện ra mặt trong cuộc nói chuyện giữa các đồng nghiệp, qua những lời nói bóng gió trước mặt cô C. và trong sự phân công công việc.

Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, không một lần đôi co hay tranh luận, cô chỉ "trả đũa" bằng cách dạy dỗ thêm nhiều học sinh thành tài, lấy học sinh là trung tâm để phấn đấu. Uy tín của cô trong trường ngày được nâng cao mà không cần thanh minh bằng bất cứ lời nói nào.

Tại sao trong môi trường giáo dục cần sự đồng tâm, đồng lòng và tâm đức của các nhà giáo lại có sự ghen tỵ lẫn nhau như vậy? Có thể nói rằng, ngoài sự đố kỵ tồn tại trong lòng của một số người nói riêng, thì căn bệnh thành tích trong ngành vẫn còn âm ỉ chưa thể chữa trị, chế độ đãi ngộ của nhà nước chưa thực sự hợp lý với các giáo viên... là những nguyên nhân chính. Trong một môi trường khá bó hẹp, ai cũng muốn giành được nhiều thành tích hơn người khác, vì càng nhiều thành tích, càng được tăng lương, tăng thưởng nhanh chóng, trở thành địa chỉ tin cậy để các phụ huynh gửi gắm con em học chính, học thêm, để thêm danh tiếng, thu nhập. Khi thấy người khác hơn mình, họ sinh lòng đố kỵ nhằm hạ thấp người ta xuống, nâng cao mình lên.

Hai cô giáo ở trên có hai cách lựa chọn khác nhau, song đều có một điểm chung là không cư xử với đồng nghiệp theo cách họ đã làm với mình. Ở vị trí công việc mới, cô N. thật sự vui vẻ vì sự thân thiện, hòa nhã của đồng nghiệp, sự hồn nhiên của các em học sinh nghèo. Cô tâm sự: "Ngôi trường ở đây không khang trang và đầy đủ trang thiết bị như ở trung tâm, nhưng công việc ít áp lực và sự đố kỵ khiến tôi hoàn toàn thoải mái và yêu thích".

Còn cô giáo C. lại rất lạc quan: "Mình chỉ cần sống đúng với lương tâm của một nhà giáo, thì không cần dìm người khác xuống, mình vẫn được tôn lên". Với quan điểm sống đúng đắn như vậy, năm nào học sinh của cô cũng đỗ đại học với những điểm số cao. Ngày lễ tết hàng năm, các lớp học sinh cũ vẫn về thăm lại cô giáo thể hiện sự biết ơn vô bờ. Có lẽ đây là phần thưởng lớn nhất mà cô được tặng.

Môi trường giáo dục không thực sự dễ dàng như trong các ngành nghề khác, bởi nếu làm việc trong một công ty, xí nghiệp, khi quá áp lực, ta có thể rời bỏ và làm ở một nơi tốt hơn. Còn trong nghề giáo viên, cơ hội không nhiều như vậy, dù khó khăn thế nào vẫn phải cố gắng vượt qua và trụ lại ở đó. Hi vọng trong nghề "lái đò sang sông" đầy tính nhân văn này, mọi người thân thiện với nhau hơn, cùng nhau xây dựng một nền giáo dục toàn diện. Vì nhân cách của mỗi thầy cô là tấm gương để học sinh noi theo và rèn luyện bản thân mình. Sự đố kỵ, dù chỉ là sau lưng, nhưng với trực giác của học sinh bây giờ, các em hoàn toàn có thể cảm nhận được. Không nên để những sự ghen tức nhỏ nhoi làm ảnh hưởng đến ánh mắt của mọi người đến bản thân. Sự thành đạt của học sinh chỉ có thể có được khi tất cả thầy cô đều đồng tâm hiệp lực.

Độc giả Tình Linh