Buôn Đôn là một địa danh nổi tiếng với huyền thoại về mảnh đất săn voi và
thuần dưỡng voi - nơi có những dòng sông chảy ngược và đồng bào các dân tộc bản
địa thật thà, chất phác - nơi đã sản sinh ra nhiều dũng sĩ săn voi (Gru) nức
tiếng. Người ta mới được biết chuyện các Gru sau khi qua đời thì được xây mộ,
còn chuyện voi sau khi chết được xây mộ thì chắc chưa nghe bao giờ.
Voi là biểu tượng của Tây Nguyên. Ở đây voi giống như người bạn, người thân,
được tôn sùng mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Nhưng chẳng biết từ bao giờ, có tin
đồn rằng các bộ phận của voi là những thứ “thần dược” chữa được bách bệnh hay
khi đeo lên người sẽ mang lại may mắn đã khiến đàn voi Đắk Lắk sống không được
yên. Vì không muốn voi sau khi chết bị kẻ "xẻ thịt” mua bán như những thứ hàng
hóa tầm thường, vợ chồng ông Nguyễn Trụ và bà Lê Thị Thanh Hà - Giám đốc Khu du
lịch Sinh thái Bản Đôn (buôn N’drếch, xã Ea Huar, Buôn Đôn) đã tự bỏ hàng trăm
triệu đồng để xây mộ cho hai con voi của khu du lịch ngay trong khuôn viên khi
chúng qua đời.
Mộ của voi P'Hanh |
Khu mộ voi (nơi an nghỉ của voi PắcKú và H’Panh) nằm trên một mô đất cao ngay trong khuôn viên khu du lịch. Hai ngôi mộ được đắp bằng xi măng theo thế voi phục nằm cạnh nhau, tọa lạc trên khu đất rộng chừng 30m2 cũng đã được đổ bê tông kiên cố và có mái che. Sau mỗi mộ đều dựng tấm bia đá rất to ghi tóm tắt lý lịch cũng như những “công trạng” nổi bật khi voi còn sống.
Cứ mỗi khi kể chuyện về Pắk Kú - chú voi có cặp ngà đẹp nhất Buôn Đôn, bà Hà lại rơi nước mắt. Cũng chính vì muốn giữ cặp ngà để cho du khách chiêm ngưỡng mà PắcKú bị sát hại dã man. Bà Hà kể: Voi PắcKú được những Gru ở Bản Đôn bắt được vào mùa hè năm 1978. Sau gần 6 tháng thuần dưỡng, chú đã trở thành thành viên của đàn voi nhà Bản Đôn. Với cá tính hiền lành, thân thiện, tham ăn…, PắcKú được người dân trong buôn làng và đám trẻ rất yêu thích - người lớn thì hay cho ăn, trẻ con thì hay nô đùa. Chẳng bao lâu, chú đã trưởng thành như những con voi khác trong buôn, hàng ngày chăm chỉ công việc nương rẫy và xuất sắc trong những lần cùng các Gru lâm chinh. Năm 1988, PắcKú được một người ở huyện ChưSê tỉnh Gia Lai đổi những vật quý mang về. Đầu năm 2009, sau 21 năm xa đàn voi và buôn làng quen thuộc, PắcKú được đón về làm việc tại Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn.
Du khách khi tới với Buôn Đôn nhớ nhiều tới con voi Păk Kú bởi tính thân thiện, thông minh của nó. Bà con trong buôn kể, Păc Kú cũng biết buồn, biết giận, biết vui. Nếu ai tới đây vào dịp làm "lễ chúc phúc cho voi" theo luật tục đồng bào Tây Nguyên, hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh của Păc Kú khi ấy. Đôi mắt nó lim dim nghe thầy cúng đọc lời chúc phúc. Khi được lấy huyết heo bôi lên trán theo phong tục thì dường như Păk Kú "tươi" hẳn nét mặt.
Thế nên cả Buôn Đôn gần như chết lặng khi sáng sớm 16/10/2010 nghe tin voi Păk Kú bị kẻ xấu chém 217 nhát rìu và búa. Theo lời kể, máu voi Păc Kú trong đêm bị lũ "voi tặc" truy sát đã phun xối xả, ướt nhiều vạt cây rừng của buôn N'Drếch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn. Theo vết máu, họ đã tìm thấy Păk Kú nằm cách đó 5km thuộc địa phận xã Ia R’vê. Nó cố chạy về "nhà" nhưng đã ngã gục trong một bụi cây. Nghe người nhà gọi tên, nó gượng dậy nhưng không nổi. Một dòng nước mắt mờ đục chảy đau đớn. Anh quản tượng hú gọi dân làng quanh đó tới hỗ trợ dựng được nó lên, lấy vải bọc các vết thương, Păc Kú lại ngã vật xuống. Để chữa chạy cho voi Păc Kú, gia đình chạy khắp nơi từ Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, Chi cục Thú y Đắk Lắk và cả bác sĩ thú y nước ngoài để cầu cứu.
Bà Hà cho biết: Trong lúc chữa trị, nhiều lần Pắc Kú vì kiệt sức, không thể đứng vững đã khuỵu chân nằm xuống, vốn đã biết voi không bao giờ nằm lâu, một khi nó nằm mà không dậy được thì voi sẽ chết. Những lần Pắc Kú không đứng dậy được, bà phải gọi điện sang Đại đội huấn luyện C19 – đơn vị kết nghĩa với Khu du lịch, đóng quân ở xã Krông Na nhờ họ đến giúp nâng voi Pắc Kú đứng dậy. Nhưng Pắc Kú vẫn không chống lại được số phận. Sau 2 tháng 20 ngày chống chọi với những vết thương thì Pắc Kú đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/1/2011 ở tuổi 33.
Sau khi chết, Pắc Kú vẫn không được yên, mỗi ngày có hàng chục người lạ kéo về Khu du lịch, nhăm nhe xông vào cắt các bộ phận trên cơ thể nó, nhân viên Khu du lịch phải thay phiên túc trực thâu đêm canh xác voi. Thậm chí, Khu du lịch còn nhờ cả lực lượng công an huyện cũng như các chiến sỹ bộ đội đơn vị kết nghĩa đến bảo vệ xác Pắc Kú liên tục mấy ngày liền. Và chỉ khi Khu du lịch đào xong huyệt, xác Pắc Kú được chôn cất, đổ bê tông kiên cố, cả Khu du lịch lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm, Pắc Kú mới được yên.
Bên cạnh mộ PắcKú là mộ voi H’panh. H’panh là voi cái do AmaKông bắt được năm 1955, được thuần dưỡng rồi bán cho một người dân ở Krông Pak, sau đó được Khu du lịch mua lại năm 2003 để nuôi dưỡng và phục vụ du lịch. Trong một lần H’panh cùng đoàn khảo sát, khám phá tour du lịch trên dãy núi xa, cao của ngọn Yok Đôn, H’panh đã phát hiện một đàn thú dữ và lập tức phát tín hiện cho đoàn khảo sát biết, sau đó đưa đoàn khảo sát về nhà an toàn sau một ngày rưỡi và một đêm lạc trong rừng. H’panh từng tham gia đóng phim Tây Sơn hào kiệt của hãng phim Lý Huỳnh. Trong đó, H’panh là voi chở diễn viên Lý Hùng, người đóng vai vua Quang Trung trên đường tiến quân ra Bắc. Năm 2005, một tai nạn bất ngờ ập đến với H’panh, trong khi được thả ăn trong rừng cách Khu du lịch chừng 3km, H’panh đã ăn phải vỏ cây rừng và trúng độc, rồi sụp xuống hố và bị chết ở tuổi 55.
Từ khi Khu du lịch xây mộ cho voi, nhiều du khách đến đây đều ghé đặt những bông hoa hay thắp nén hương tỏ lòng thương tiếc đối với voi. Những lúc không có khách tham quan, Khu du lịch cử nhân viên dọn dẹp vệ sinh, thắp hương đều đặn. Hiện nay, ở Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, ngoài việc tổ chức các hình thức du lịch truyền thống như tham quan nhà dài, nghe nghệ nhân hát, chơi nhạc cụ truyền thống, cưỡi voi khám phá dòng Sêrêpôk… thì khu mộ voi trở thành một sản phẩm du lịch tham quan mang vẻ riêng biệt, mới mẻ. Nhằm tạo sự hấp dẫn cho hình thức du lịch mới này, bà Hà đã cho viết lại những mẫu chuyện có thật về voi Pắc Kú, H’panh khi còn sống để các hướng dẫn viên giới thiệu với du khách, sưu tầm, tập hợp lại các hình ảnh, những bức thư chia sẻ của độc giả yêu thích H’panh và Pắc Kú, sau đó sẽ lập một khu vực trưng bày các hiện vật liên quan đến Pắc Kú, H’Panh ngay cạnh mộ để du khách có thể chiêm ngưỡng, để họ thêm hiểu, thêm yêu quý loại động vật thân thiết và thông minh này.
Hai nấm mộ voi nằm trong Khu du lịch Buôn Đôn như một dấu ấn về sự ác độc của nạn săn bắt thú rừng hoang dã. Sự vô tình của con người trong khai thác, sự tham lam tới mức tàn độc của những kẻ săn ngà voi còn tiếp diễn, thì chẳng bao lâu nữa du khách đến với Buôn Đôn sẽ chỉ còn xem đàn voi nổi tiếng trong... bảo tàng.
(Theo TT&VH)