- Nhiều du khách lỡ sa chân vào các “sới bạc di động” tại lễ hội Lam Kinh (Thanh Hoá) đã bị “lột sạch” tiền bạc, nhiều người nhẵn ví còn cầm cố cả tài sản để thử vận đỏ đen.

TIN BÀI KHÁC:


Lễ hội Lam Kinh năm 2012 được tổ chức trong ba ngày từ 6-8/10 (tức ngày 21, 22 và 23 tháng Tám âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Ngay từ ngày khai mạc (6/10) và những ngày diễn ra lễ hội, hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương đã về dâng hương tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, tham dự lễ hội.

Hàng nghìn du khách về tham dự Lễ hội Lam Kinh 2012.

Lợi dụng tình hình đông người, nhiều đối tượng đã về đây “ẩn dật” tổ chức đánh bạc ngay trong khuôn viên khu di tích lịch sử Lam Kinh để “móc túi” du khách.

Nhiều trò đỏ đen như tôm cua cá, ngao sò ốc hến, xóc đĩa, cờ thế... diễn ra một cách công khai. Nhiều tụ điểm đánh bạc được tổ chức trong các gian hàng đã được thuê trước đó. Có tụ điểm được mở ngay lề con đường chính dẫn vào khu trung tâm di tích.

Có một hình thức đánh bạc rất lạ mới được du nhập về đây, đó là trò 8-3. Trò này tương tự như trò đánh xóc đĩa, nhưng đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần một tấm bạt nhỏ in hình số 8 và số 3, một con xúc xắc và một chiếc chén. Người cầm cái dùng chiếc chén có con xúc xắc lắc lắc, sau đó kêu các con bạc đặt cửa 8 hoặc 3. Nếu con xúc xắc phía trong ngửa số nào thì cửa đó được ăn tiền.



Chỉ trong vòng vài tiếng buổi sáng, nhóm người tổ chức đã thu về cả chục triệu đồng từ du khách có máu đỏ đen. Có ván bạc cả mấy triệu đồng.

Theo quan sát của phóng viên, những người tổ chức trò đỏ đen này có cả mạng lưới cò mồi để hút khách. Cò  thường đóng vai khách vào chơi và đặt tiền từ ít đến nhiều để nhử con mồi. Ban đầu, phần thắng thường nghiêng về khách chơi. Không ít du khách tưởng “ngon ăn” nên bị cuốn theo đến nhẵn ví. Vòng ngoài là nhóm người mặt đằng đằng sát khí đứng làm nhiệm vụ cảnh giới. Khi thấy bất thường hay bóng dáng cảnh sát chúng liền nhanh chóng thu dọn hiện trường. Sau vài phút yên ổn lại quay lại hành nghề.

Vẻ mặt tiếc ngẩn ngơ bước ra từ trong đám bạc, anh Xuân, du khách Hà Nội cho biết, thấy trò dễ chơi, vừa vào được mươi ván đã nhẵn ví. “Hăng tiết vì đang thua lớn, tôi cắm luôn cái điện thoại Nokia mới mua mấy triệu mong gỡ lại tiền nhưng đều bị lột sạch”.

Nhiều trò chơi có thưởng bịp du khách.

Không chỉ có những trò ăn tiền trực tiếp, để có thể móc được “hầu bao” của du khách đi dự lễ hội, nhiều nhóm người đã thuê mặt bằng, dựng lều lán, tổ chức hàng chục điểm “vui chơi có thưởng” như ném bóng bàn vào miệng cốc, phi tiêu, bắn bóng... thực chất đều là trò đánh bạc trá hình.

Ví dụ trò tung vòng, tiền được dán lên các khúc gỗ được cắt khá vuông vắn, giải thưởng ở gần thì 50.000 đồng, ở xa thì 100.000-200.000 đồng. Để lĩnh được giải thưởng, người chơi phải mua 10.000 một chiếc vòng và phải ném lọt vào những khúc gỗ. Nhiều người chơi nhưng ai cũng mất sạch. Nghe lời quảng cáo “đặt 1 ăn gấp 5, cho đến gấp 20 lần…”, nhiều du khách đã xô đẩy chen lấn vào sát phạt.


Xung quanh khu di tích có hàng chục điểm “vui chơi có thưởng” và nhiều sới bạc di động. Hàng trăm thanh niên vây kín xung quanh các “sới bạc” để sát phạt nhau. Lực lượng chức năng có kiểm tra nhắc nhở nhưng rất qua loa.

Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội, dịch vụ trông giữ xe với giá cắt cổ, nạn bán hàng rong, nhiều quán ăn không đảm bảo vệ sinh mọc lên như nấm khiến du khách than phiền ngán ngẩm.

Các quán ăn không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều người lo lắng.

“Những người bán hàng rong xuất hiện khắp nơi, họ đi bộ rao hàng, hay ngồi la liệt khắp các con đường đã khiến tình hình rất lộn xộn. Đồng thời, làm mất đi vẻ trang nghiêm của khu di tích mang tính tâm linh”, ông Lê Văn Nam, du khách từ TP Thanh Hoá than phiền.

Lễ hội Lam Kinh năm 2012 được tổ chức trong ba ngày từ 6 - 8/10 (tức ngày 21, 22 và 23 tháng Tám âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) nhằm kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 584 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 579 năm ngày mất của Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi.

Nhiều hoạt động như lễ dâng hương, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, trang trọng được tổ chức. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên ngành văn hóa Thanh Hóa phục dựng lại và đưa toàn bộ năm trò diễn Xuân Phả nổi tiếng - được ví như một đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam, vào nội dung của Lễ hội Lam Kinh với các điệu múa "Ai Lao", "Ngô Quốc", "Chiêm Thành", "Hoa Lang" và "Lục Hồn Nhung"...

Theo Ban tổ chức, lễ hội Lam Kinh 2012 sẽ góp phần quảng bá, thu hút du khách thập phương về với di tích trọng điểm Lam Kinh, làm sống động “Du lịch di sản” trong chương trình “Năm Du lịch quốc gia” các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ - Huế năm 2012 và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch.

Thanh Lê