- Nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ buôn người, không ít phụ nữ ở các bản làng vùng cao đã từ bỏ nương rẫy, dứt bỏ mái ấm gia đình để chạy theo tiếng gọi của đồng tiền ở “miền đất hứa”. Gia đình bỗng chốc tan nát, con cái nheo nhóc, bơ vơ, người chồng bỗng chốc trở thành những “hòn vọng thê” bất đắc dĩ...
Hòn "vọng thê" tuổi... 50
Trên hành trình rong ruổi qua các bản làng vùng cao, đêm đó chúng tôi nghỉ chân tại nhà một người quen ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa (Tương Dương, Nghệ An). Đêm mùa thu ở vùng cao thật dễ chịu, chỉ cần đặt lưng đã chìm ngay vào giấc ngủ. Chợt giữa chừng có tiếng la thảm thiết: “Trời ơi! Sao tôi khổ thế này!”, rồi cả tiếng khóc, kèm theo là tiếng xoong nồi, đồ đạc loảng xoảng phát ra từ nhà bên cạnh. Chủ nhà trấn an: “Không có việc chi đâu, cậu cứ ngủ tiếp đi. Anh hàng xóm vợ con bỏ đi hết, ở nhà một mình, buồn chán nên uống rượu rồi kêu la, phá phách thế thôi. Hôm nào cũng như thế cả, hàng xóm quen rồi...”.
Sáng hôm sau, chúng tôi ngỏ ý nhờ chủ nhà dẫn sang nhà hàng xóm để tìm hiểu, chia sẻ hoàn cảnh thương tâm của người đàn ông cô độc. Ngôi nhà sàn lợp ngói nằm chênh vênh giữa sườn đồi cửa vẫn đóng im ỉm. Chúng tôi phải gõ liên hồi cánh cửa mới được mở ra. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông gầy gò, tiều tụy, mắt vẫn còn ngái ngủ. Giữa sàn nhà chiếu chăn vứt bề bộn. Bối rối, ngại ngần khi có khách lạ viếng thăm bất ngờ, người đàn ông phân bua: “Vợ con bỏ đi hết rồi, sống một mình ta không thích ngủ trên giường, phải ngủ dưới sàn để vùi quên đi tất cả”.
Ông Lâm Văn Xá hàng ngày ra trước hiên nhà ngồi ngóng vợ. |
Trong nhà, 2 chiếc giường gỗ, bàn và tủ đều bám đầy bụi bẩn. Dưới chái bếp, xoong chậu và bát đĩa nằm ngổn ngang mỗi nơi mỗi chiếc. Chờ người đàn ông ấy đánh răng rửa mặt xong, chúng tôi hỏi thăm về hoàn cảnh. Ông nói: “Chuyện buồn lắm, bây giờ không kể được. Anh chờ một tý để tôi ra lấy chai rượu về uống, có men rượu may ra mới kể được”. Lát sau, ông trở về kèm theo chai rượu và gói lạc luộc. Sau mấy lần cạn chén “chúc sức khỏe”, ông kể về gia cảnh của mình, giọng đứt quãng, vẻ mặt sầu não, khóe mắt rưng rưng.
Tên của ông là Lâm Văn Xá (sinh 1963), vợ ông là Kha Thị Tù (sinh năm 1964). Thời trẻ, vợ chồng ông được xem là đôi trai tài gái sắc bởi ông hát hay, làm rẫy giỏi; còn vợ ông xinh đẹp nhất vùng, ăn nói khéo léo, lại siêng năng. Họ sống với nhau có đến 3 mặt con (2 trai, 1 gái), con gái út đã lấy chồng về Quỳ Hợp, còn hai người con trai từ khi mẹ bỏ nhà đi đứa thì phạm tội phải vào tù, đứa thì dính vào ma túy hiện đang ở trai cai nghiện. Ông Xá không bao giờ có thể quên được cái ngày giữa năm 2008, khi ông đi thăm họ hàng ở bản Na Pu (xã Yên Na) trở về được bà con hàng xóm báo tin: “Vợ mi đã bỏ đi Trung Quốc”. Đất dưới chân như đổ sụp, ông khóc nức nở, quên cả ăn, nhờ người đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy bóng dáng của vợ. Từ đó, ông chán nản, phải thường xuyên tìm đến rượu để giải sầu.
Đến nay, đã hơn 4 năm trôi qua, ông vẫn chưa hề có chút tin tức nào của vợ. Mẹ bỏ đi biệt tích, bố ngập chìm trong men rượu, hai đứa con trai của ông không ai dạy dỗ nên sớm bị lôi kéo, sa ngã. Còn một mình trong ngôi nhà trống trải, ông Xá chỉ làm một ít nương rẫy. Thời gian còn lại ông làm bạn với rượu, uống vào là nằm lăn ra ngủ không kể ngày đêm, tỉnh dậy lúc nào là ông lại than vắn thở dài rồi oán trách trời đất đã làm cho số phận ông phải khổ.
“Không ngờ, sắp đến tuổi 50, tôi lại mất vợ, mất con, gia đình tan nát” - ông Xá ngậm ngùi. Nhìn khuôn mặt nhàu nát và đau khổ của ông, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời an ủi: “Bác đừng uống rượu nhiều nữa, phải giữ gìn sức khỏe, mai đây vợ bác sẽ trở về thôi”. Như có luồng điện chạy qua, ông Xá giãy nảy: “Không! Nó bạc ác lắm, không xứng đáng nữa, ta không chấp nhận nữa!”. Thế nhưng, khi chúng tôi nói: “Nhìn vào ánh mắt bác, tôi biết bác đang hàng ngày mong vợ trở về”, nét mặt ông giãn ra rồi nở một nụ cười, cho dù nụ cười ấy không lấy gì làm hân hoan, rạng rỡ.
Khi tình vàng hóa bạc
Cặp vợ chồng Lương Văn Vân (sinh 1980 ở bản Cặp Chạng, Yên Tĩnh, Tương Dương) và Lương Thị Hằng (sinh 1983, Châu Thôn, Quế Phong) gặp và yêu nhau khi cùng đi đãi vàng ở đầu nguồn khe Chà Hạ. Họ kết hôn khi anh tròn tuổi 20, chị bước sang tuổi 17. Tình yêu của họ sớm đơm hoa kết trái khi một bé trai kháu khỉnh chào đời và tên gọi được ghép bằng tên của hai vùng quê: Lương Tĩnh Thôn (Yên Tĩnh - quê bố và Châu Thôn - quê mẹ). 2 năm sau, thêm một bé gái xinh đẹp chào đời, được đặt tên là Lương Phi Nhung - tên nữ ca sỹ cả hai vợ chồng mến mộ.
Tình yêu của anh Vân - chị Hằng xuất phát từ bãi vàng nhưng lại kết thúc bằng sự bạc bẽo dù trong thời gian sống chung không bao giờ người ta nghe thấy họ to tiếng với nhau. Cách đây vài tháng, chị Hằng quyết dứt bỏ người chồng đầu gối tay ấp hơn 10 năm và hai đứa con nhỏ để ra đi.
Anh Lương Văn Vân buồn bã kể lại chuyện vợ bỏ nhà ra đi. |
Hôm ấy, anh ra bãi đãi vàng, còn chị lên rẫy làm cỏ. Đến tối mịt không thấy vợ về, anh tất tả lên rẫy gọi khản tiếng cũng không nghe chị trả lời. Những ngày sau, anh nhờ người thân, hàng xóm đi tìm khắp nơi nhưng người vợ vẫn bặt vô âm tín. Lúc này, mọi người khẳng định chắc chắn chị Hằng đã bỏ nhà đi Trung Quốc. Sự việc được xác minh khi anh gọi điện cho một vài phụ nữ cùng bản đang sinh sống ở Trung Quốc và họ cho biết đã gặp vợ anh ở bên đó.
Giờ đây, Tĩnh Thôn đang học lớp 6, Phi Nhung lên lớp 4, anh Vân phải gửi hai cháu cho ông bà nội để hàng ngày tìm kế mưu sinh. “Nó đi, sướng khổ thế nào không rõ, nhưng không biết có khi nào nó nghĩ tới cảnh côi cút, lấm lem của hai đứa nhỏ hay không?”- bà Lương Thị Đét, mẹ anh Vân than thở. Chúng tôi hỏi anh Vân: “Bây giờ chị Hằng trở về, anh có chấp nhận không?”, qua một thoáng suy nghĩ, anh trả lời: “Về lý thì mình không thể chấp nhận. Nhưng các con còn nhỏ, chúng cần sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ nên mình cũng mong nó sớm trở về”.
Không biết ở “miền đất hứa”, chị Hằng có lúc nào thương nhớ đến 2 con nhỏ đang thiếu vắng sự chăm sóc của người mẹ? |
Những ngày cuối thu, cái lạnh đã bắt đầu “gõ cửa” từng căn nhà ở vùng núi cao biên giới, trong đó có những căn nhà nằm chênh vênh trên dãy Pu Nhạ Thầu của huyện Kỳ Sơn. Tại đây, có căn nhà nhỏ xập xệ càng nhếch nhác, bề bộn khi hơn một năm nay thiếu vắng bàn tay và hơi ấm của người vợ, người mẹ. Chủ nhân ngôi nhà ấy là anh Moong Văn Hồng (bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), người lâu nay sống trong cảnh “gà trống nuôi con”.
Khuôn mặt đen xạm, gầy gò cùng ánh mắt vô hồn, anh Hồng nhớ lại: “Bữa đó, tôi đi rẫy mấy ngày, trở về thì không thấy vợ (chị Lữ Thị Nguyệt - PV) và con gái đầu (Moong Thị Hằng, sinh 1996 - PV) đâu nữa. Lúc đầu tưởng hai mẹ con đi chơi thăm họ hàng nhưng gọi điện hỏi tìm khắp nơi không ai hay biết. Gần tết Nguyên đán vừa rồi, cháu Hằng có gọi điện về bảo rằng nó đã bị mẹ và một số người khác lừa bán sang Trung Quốc, giờ không thể về nhà được nữa. Từ đó đến nay nó cũng không còn được gặp mẹ nữa”.
Anh Moong Văn Hồng bên các con gái nhỏ. |
Từ ngày vợ bỏ đi, anh Hồng phải nai lưng cuốc rẫy, làm thuê để nuôi 4 đứa con nhỏ. Thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của người mẹ, những đứa trẻ ấy lâm vào cảnh bữa đói, bữa no, học hành bữa được bữa mất. Riêng em Moong Văn Bún (15 tuổi, em kề Hằng) đã phải nghỉ học để theo người lớn vào Quảng Nam làm phu đãi vàng. Anh Hồng cũng đã từng vào đó làm một thời gian nhưng vì công việc nặng nhọc, thu nhập không đáng là bao, lại không đành lòng để 3 đứa con gái nhỏ sống lăn lóc, vất vưởng ở nhà nên anh lại trở về quê với các con.
* * *
Ông Lương Công Tình (70 tuổi ở bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh, Tương Dương) chia
sẻ: “Từ bao đời nay, phụ nữ vùng cao nói chung, phụ nữ Thái nói riêng rất chung
thủy, một lòng yêu chồng và thương con, không có chuyện bỏ nhà ra đi. Không hiểu
vì sao thời gian gần đây, ở các bản làng vùng cao lại có những chuyện “động
trời” như thế. Có lẽ các cấp, các ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn
trong việc nghiêm trị kẻ xấu, ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em để cứu giữ
nền tảng đạo đức”.
Thay cho lời kết của phóng sự này, chúng tôi xin phép được trích mấy câu thơ
trong bài “Nỗi lòng đức lang quân” (Gửi tặng những người chồng có vợ bỏ đi nước
ngoài) của ông Vi Khăm Mun, nhà giáo về hưu ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa (Tương
Dương):
“Em đi - vợ mất, nhà tan
Thân anh “gà trống” nuôi đàn con thơ
Thương con nheo nhóc, bơ phờ
Đứa khóc thét, đứa ngồi chờ chín cơm
Đứa thì dơ bẩn tay chân
Đứa cau đôi mắt, đứa hờn lông bông
Mình anh lưng bế, tay bồng
Đứa ôm cổ, đứa níu hông “Mẹ về?”
Em đi vào cõi “bến mê”
Biến anh thành ngọn “vọng thê” giữa đời...”.
Công Kiên