“Đứng nhìn qua khe cửa, thấy vợ cứ ôm lấy cái cọc màn rồi xỉu dần vì mất sức sau hơn một ngày đau đớn vật vã, mình đã không còn giữ được bình tĩnh mà đạp cửa lao vào ...” - anh Tiến (Hoài Đức - Hà Nội) kể.

Một mình với những cơn đau đến thấu cả trời xanh

“Vì là sinh lần đầu, nên từ lúc bắt đầu xuất hiện cơn đau nhè nhẹ, mình đã bảo chồng gọi điện hỏi bác sĩ. Nhưng bác sĩ nói, lúc nào đau nhiều, cơn đau xuất hiện trung bình khoảng 5 - 7 phút/lần thì hẵng cho vợ nhập viện.

Thế là mình yên chí ở nhà. Nhưng lúc đi ngủ thì cứ thấp thỏm. Mà thực chất là mình không ngủ được vì những cơn đau thỉnh thoảng lại xuất hiện.

Đến 2h sáng thì cơn đau xuất hiện liên tục. Mình đau khủng khiếp, đau dữ dội đến buốt lịm cả sống lưng. Thế là cả nhà lục tục dậy, thuê taxi và chỉ 10 phút sau là mình đã có mặt ở bệnh viện.

Thăm khám xong thì mình được một y tá dẫn vào phòng chờ sinh. Còn chồng mình và mọi người trong gia đình thì phải chờ ở ngoài.

Thời khắc một mình đi theo cô y tá vào phòng, mình cảm thấy hụt hẫng khủng khiếp, nước mắt lúc đó cứ trào ra, lăn dài...

 
  Các bà bầu vật vã với những cơn đau mà không có người thân ở bên cạnh. Ảnh minh họa

...Phòng chờ sinh lúc này khá đông đúc. Một không khí khác hẳn với không gian tĩnh mịch bên ngoài. Trong phòng, người đứng, người ngồi, người lăn lóc trên giường, người thì bò lê dưới đất, người kêu la ầm ĩ, người lại nước mắt đầm đìa...

Còn mình, khi những cơn đau đến thấu cả trời xanh ập đến, mình chỉ còn biết mím môi để khỏi bật ra tiếng khóc.

3 tiếng sau thì mình bị vỡ ối. Nước chảy ra ướt nhẹp. Nhưng mình cứ loay hoay vì chẳng biết phải làm thế nào. Nhìn sang giường bên cạnh cầu cứu thì thấy chị bầu cũng đang kêu khóc vật vã trên giường. Thế là mình đành kêu lớn, vừa kêu vừa cố bò ra chỗ y tá.

Lúc trở lại giường, mình cảm thấy đói kinh khủng, định cố lết ra phía cửa để gọi người nhà nhưng đúng lúc cơn đau lại ập đến nên đành chịu.

Vừa dứt cơn đau, mình cầm vội lấy chai nước để uống lấy sức, nhưng mình không tài nào mở được nắp chai vì cơn đau tiếp theo đã lại kéo đến. Mình đau cuống đau cuồng.

Đến lúc này thì mình không kìm nén được nữa. Mình ngồi thụp xuống đất, tay ôm lấy chân giường rồi bật khóc vì thấy mình bất lực và tủi thân.

Trong khi đó ở bên ngoài, chồng mình vẫn đang đu lấy cánh cửa sắt, cố gọi ai đó để nhờ chuyển cho mình hộp sữa mà chưa được...” - Chị Hoài Anh (Ba Đình - Hà Nội) tâm sự.

“Chỉ ước được đau thay vợ”

Từng chứng kiến cảnh vợ đau đớn khi sinh nở, anh Tiến (Hoài Đức - Hà Nội) cũng đã phải thốt lên rằng: “Lúc ấy, chỉ biết thương vợ mà chảy nước mắt”.


Khuôn viên bệnh viện Phụ sản TƯ bị quá tải, những người đàn ông đưa vợ đi sinh, đi khám phải ngồi trên vỉa hè đường Tràng Thi ngóng vào với mệt mỏi, lo lắng. Ảnh: Infonet

Anh Tiến kể: “Lần đầu tiên, đưa vợ đi sinh, mình chẳng biết làm thế nào. Vợ mình được thăm khám xong thì y tá bảo mình đưa vợ đến phòng chờ sinh. Nhưng vừa đến cửa phòng, thì người ta đã đuổi mình ra ngoài (theo quy định của bệnh viện).

Thế là vợ một mình khệ nệ xách túi đồ đi vào giường. Mình nhìn theo vợ mà chảy nước mắt. Bởi vì, vợ mình yếu, bình thường đã rất sợ đau. Thế mà khi đi sinh cô ấy lại bị đau lâu. Cô ấy cứ vật vã, lúc lăn lóc trên giường, lúc lại bò lê dưới đất, nước mắt thì ướt nhoèn cả mặt mà chẳng có ai ở bên cạnh để lau hộ.

Mình thì ở bên ngoài, nhìn thấy vợ mà ruột gan rối bời. Muốn mang cho vợ hộp sữa, muốn nắm lấy tay vợ để động viên, muốn chìa tay ra cho vợ cắn để mình đau thay cho vợ dù chỉ một chút thôi mà cũng không được...

Thế rồi, vợ mình đau suốt hơn một ngày thì cô ấy kiệt sức. Đứng ở bên ngoài, mình thấy vợ cứ ôm lấy cái cọc màn rồi xỉu dần, trong khi bác sĩ thì vẫn đang bận rộn với nhiều bà bầu khác. Thế là mình không giữ được bình tĩnh nữa. Mình cuống cuồng kêu lớn rồi đạp cửa lao vào gọi bác sĩ.

Ngay sau lúc đó, vợ mình được chỉ định mổ sinh, và may mắn là cuối cùng thì cũng đã “mẹ tròn con vuông”.

“Con mình bây giờ đã 3 tuổi, nhưng nghĩ lại, mình vẫn còn thấy sợ” - anh Tiến xúc động nói.

Thời khắc quan trọng, ai cũng muốn có người thân bên cạnh

Chị Thu Thủy (Chuyên gia tư vấn tâm lý - cán bộ giảng dạy về kỹ năng sống tại Hà Nội) cho biết, người phụ nữ khi sắp sinh thường rất cần có người thân bên cạnh. Và xét về mặt tâm lý thì đó là nhu cầu tự nhiên của con người.

Hơn nữa, trong giai đoạn bà bầu chuẩn bị sinh thì việc có người thân ở bên cạnh là việc hết sức quan trọng. Họ sẽ giúp người phụ nữ chuẩn bị những đồ cho em bé trước thời điểm em bé chào đời.

Ngoài ra, sự có mặt của gia đình còn có vai trò quyết định trong các giờ phút quan trọng như: quyết định mổ, hoặc quyết định sớm của gia đình khi bác sĩ phát hiện ra tai biến.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Thu Thủy, sự có mặt của gia đình ở bên cạnh bà bầu đôi khi cũng là một yếu tố làm cản trở quá trình xử lý của các bác sĩ.

“Họ cứ thấy người thân của mình kêu đau là lập tức tìm bác sĩ mà không phân biệt được vấn đề nào là bình thường, vấn đề nào là bất thường.

Và như thế, họ sẽ làm cho phòng đẻ bị rối, bị nhốn nháo và khiến mọi thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của các bác sĩ . Thậm chí còn làm cản trở quá trình xử lý của các bác sĩ.

Hơn nữa, ở những bệnh viện đang quá tải, với diện tích nhỏ hẹp như vậy mà lại thêm người thân của bà bầu thì không khí đâu, oxy đâu cho bà bầu thở” - chuyên gia Thu Thủy phân tích.

“Cho nên, đối với người phụ nữ, khi đã trải qua sinh nở rồi thì sẽ thấy rằng, khi đau đẻ, người ta cần có những chỉ dẫn về y khoa từ phía các bác sĩ nhiều hơn là về vấn đề tinh thần. Ví dụ, nếu đẻ thường, thì kỹ năng rặn đẻ như thế nào? lấy hơi ra sao? thăm khám con như thế nào?” - chuyên gia Thu Thủy nói thêm.


Minh Minh (ghi)

Mỗi lần người phụ nữ vượt cạn như một lần vượt qua cửa tử, phải trải qua những cơn đau quằn quại, đối mặt với những tai biến có thể đến bất ngờ, rồi còn vô vàn những tình huống "chỉ có lúc đi đẻ". Xin hãy chia sẻ câu chuyện của bạn trong tiện ích phản hồi dưới đây hoặc qua email: doisong@vietnamnet.vn