- “Tôi vẫn cho rằng tính cách của một con người phần lớn là do học hỏi mà có. Vì vậy nếu đã là học để trở nên keo kiệt thì anh ta vẫn nên có cơ hội học để bớt sự keo kiệt đi. Tất nhiên có một số người keo kiệt đã thành bệnh, nhưng những người sống cùng như vợ con chẳng dám nói gì thì bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng hơn”, chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh bày tỏ.


Dĩ độc trị độc

Hầu hết khi lấy phải ông chồng "kẹo kéo" các chị em đều chọn cách “sống chung với lũ” bởi nó không đáng trở thành lý do để ly hôn. Và mỗi chị em lại chọn một cách riêng để đối phó với tính xấu này của chồng.

Ảnh minh họa.

Có một sự trùng hợp khá đặc biệt là những bà vợ lấy phải chồng keo kiệt lại là người chi tiêu khá thoáng. Thế nên, dù chồng không chịu chi nhưng sinh hoạt của gia đình vẫn được đảm bảo bởi đồng lương của vợ. Như trường hợp của chị K. Vân (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chồng keo kiệt, không đưa lương cho vợ chi tiêu nhưng vì lương của chị cao kham hết mọi khoản nên sinh hoạt gia đình vẫn được đảm bảo.

Vì là người ngại nói chuyện tiền nong, lại ngán ngẩm với cái tính của chồng nên chị cứ lẳng lặng chi tiêu, và ông chồng cứ bo bo giữ tiền của mình. Cho đến khi tâm sự với chị bạn thân, được bày cách “trị” thói keo kiệt của chồng, chồng mới biết đóng một phần lương cho chị.

“Bạn tôi nói đúng, vì anh thấy lương tôi đủ chi tiêu nên không thèm đoái hoài gì. Tôi phải tỏ ra là mình túng thiếu thì anh mới biết đóng góp. Tôi nói với chồng là giá cả leo thang, lương của tôi không đủ trang trải nữa. Hàng tháng tôi đưa anh hóa đơn tiền điện, tiền nước và tiền đóng học phí cho con. Còn tôi sẽ lo tiền ăn và sinh hoạt hằng ngày.

Anh nhìn hóa đơn rồi kêu oai oái bảo sao lắm thế, tôi mới bảo tháng nào tôi cũng chi hết đấy sao chẳng thấy anh kêu. Ăn chung, ở chung, con chung thì phải có trách nhiệm chung. Cuối cùng anh cũng chịu móc hầu bao chi cho những khoản này".

Chị Vân bảo, thỉnh thoảng hết dầu gội, sữa tắm chị lại kêu với chồng hết tiền để chồng mua. Chồng không mua chị cũng kệ, đến khi chồng không chịu được nữa sẽ phải bỏ tiền ra mua.

“Mấy khoản nhỏ nhỏ không đáng là bao nhưng mình phải làm thế để chồng quen với việc tiêu tiền. Nói chung là với chồng keo kiệt thì mình phải chủ động, thẳng thắn, phải chai mặt mới được”, chị Vân nói.

Còn chị N. Giang (Khu đô thị Linh Đàm) sau 2 tuần thực hiện chính sách giao cho chồng đi chợ thì chồng chị bớt kêu ca chuyện chi tiêu hẳn. Chồng chị là người quản lý tiền nong, mỗi ngày đưa cho chị một khoản nhất định để đi chợ, lần nào đi chợ về chị cũng bị chồng hỏi vặn giá cả rồi chê chị tiêu pha không tiết kiệm.

“Sau hai tuần giao cho anh đi chợ thì anh phải gật đầu công nhận là giá cả tăng nhanh thật. Anh chủ động đưa thêm tiền và giao lại cho tôi đi chợ. Từ đó chỉ thỉnh thoảng anh mới căn vặn chuyện giá cả. Giờ đôi khi vẫn chán vì tính toán của chồng nhưng cuộc sống không còn ngột ngạt như trước”, chị Giang chia sẻ.

Lên tiếng để chữa “bệnh” cho chồng

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh: Có thể giúp chồng bớt tính keo kiệt

Không khó để đánh giá cách chi tiêu, cách cư xử, thái độ với tiền bạc của người đàn ông. Nếu để ý kỹ, ta sẽ nhận thấy một người đàn ông keo kiệt rất hay theo dõi, so sánh giá cả của những chi tiêu sinh hoạt lặt vặt, ít khi hưởng ứng các cuộc vui nếu phải trả tiền, thái độ khó chịu khi đi ăn hay đi chơi cùng bạn bè người yêu (vì sợ trả tiền), không bao giờ tặng hoa, quà trong các ngày kỷ niệm lễ lạt…

Chính vì vậy, giai đoạn tìm hiểu yêu đương, người phụ nữ phải hết sức tỉnh táo, để ý để phát hiện ra tính xấu này của chàng. Nếu cảm thấy chấp nhận được thì hãy tiến tới.

Còn với trường hợp lúc yêu được cưng chiều, đến khi cưới xong mới phát hiện ra tính keo kiệt của chồng thì nên góp ý để giúp chồng sửa chữa.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh (Khoa Văn hóa học, ĐH Văn hóa Hà Nội) đưa ra lời khuyên: “Tôi vẫn cho rằng tính cách của một con người phần lớn là do học hỏi mà có. Vì vậy nếu đã là học để trở nên keo kiệt thì anh ta vẫn nên có cơ hội học để bớt sự keo kiệt đi. Tất nhiên có một số người keo kiệt đã thành bệnh, nhưng những người sống cùng như vợ con chẳng dám nói gì thì bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng hơn”.

“Thực ra đã lấy phải ông chồng keo kiệt mà cố gắng thay đổi để có một ông chồng phóng khoáng thì quả thật là không thể. Chỉ làm sao để ông ta bớt tính keo kiệt đi đã là tốt lắm rồi. Sẽ không có một công thức nào để “trị” chung cho thói keo kiệt của các ông chồng mà phải hiểu họ cặn kẽ thì mới có thể hạn chế được. Nhưng theo tôi, cách tốt nhất là người vợ nên độc lập về kinh tế”, bà Thanh nói thêm.

La Hoàn