Từng là điền chủ có 100 công đất ruộng, có tám người con nhưng hai vợ chồng già phải sống ở lề đường, ông cụ 87 tuổi hằng ngày phải chạy xe đạp lôi kiếm sống. Họ chưa được hưởng những quy định pháp luật dành cho người cao tuổi.

Hơn chục năm qua, trên lề đường một phường ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) có hai vợ chồng già sống trong một căn chòi lụp xụp che bằng đồ phế thải. Hai ông bà có đến tám người con nhưng không người nào nhận nuôi cha mẹ.

Bi kịch thân già

Tháng 9/2012, tôi tìm đến thăm đôi vợ chồng này. Căn chòi lụp xụp nóng hầm hập vẫn nằm trên lề đường. Ông K., 87 tuổi, hằng ngày đạp xe lôi. Vợ ông, bà N. (68 tuổi), bệnh viêm khớp chỉ ngồi một chỗ, bán từng cục nước đá lẻ. Vật giá trị nhất trong căn chòi là chiếc tivi cũ kỹ do một người tốt bụng tặng.

Tôi đến lúc ông bà đang ăn cơm trưa, chỉ có dĩa rau luộc và chén nước tương. Ông K. trầm ngâm kể: “Hồi xưa vợ chồng tui có hơn 100 công đất ruộng ở U Minh Thượng, cuộc sống sung túc dư dả. Khi tui gần 70 tuổi, bà vợ bệnh tật liên miên, mấy đứa con kêu tui và vợ nghỉ ngơi, chia ruộng ra cho con, chúng nó hứa đóng góp tiền bạc, lúa gạo nuôi cha mẹ già đến lúc mãn phần. Tôi nghe cũng đúng nên giao ruộng cho chúng nó”. Chưa đầy hai năm, tám đứa con đồng loạt bán hết hơn 100 công ruộng rồi kéo nhau về Rạch Giá. Ở lại U Minh không còn đất đai canh tác, con cái không tới lui thăm viếng, không đủ tiền mua gạo nấu cơm, vợ chồng ông đùm túm nhau về Rạch Giá. Hai vợ chồng già gọi con đến, nhắc lại lời hứa của các con nhưng tất cả đều phớt lờ.

Bí thế, dù tuổi cao ông K. phải đi vác nước đá thuê cho nhà máy nước đá, còn bà N. buôn bán lặt vặt. Sau sáu năm vác nước đá cây ông K. kiệt sức, mất chỗ làm, còn bà N. bị chứng viêm khớp hành hạ nên cũng nghỉ bán hàng rong. Không còn tiền thuê nhà trọ, hai ông bà ra vỉa hè che căn chòi lụp xụp làm nơi tá túc.

Vợ chồng ông K. trong túp lều rách nát. Ảnh: PLTP

Suốt 15 năm qua, đúng 3 giờ 30 sáng là ông K. thức dậy đạp chiếc xe cũ nát đi ra bến tàu, bến xe, chợ chở thuê… Rạng sáng, ông K. đạp xe qua nhà máy nước đá lấy nước đá cây về căn chòi chặt ra từng cục nhỏ để bà N. bán lẻ. Sau đó ông đạp xe đi bỏ mối nước đá cho những nơi quen biết. Nhìn bà N. loay hoay trên chiếc sàn ván tạp mục nát, ông K. buồn bã nói: “Ai cũng ngại thuê một ông già 87 tuổi với chiếc xe lôi đạp. Nhiều hôm tui đạp xe cả ngày mà không ai thuê chở món gì, hôm đó không có được 20.000-30.000 đồng mua thuốc, cả đêm bả phải cắn răng chịu đau nhức, không ngủ được”.

Chưa có giải pháp giúp ông bà K.

Căn chòi của vợ chồng ông K. sàn lót bằng đủ thứ ván tạp cũ nát, vách che bằng ván ép phế thải, dằn bằng gạch đá, vỏ xe để giông gió khỏi giật tốc nóc. Ông K. cho biết đạp xe đi chở hàng thuê, gặp bất cứ thứ gì chắp vá được cho căn chòi là ông bỏ lên xe mang về. “Chòi chỉ che nắng thôi, những hôm trời mưa đều bị dột khắp nơi, tui với bả phải che một tấm nylon, ôm cái tivi cũ ngồi chịu trận” - ông K. nói.

Người dân khu phố quý trọng vợ chồng ông, tuy nghèo nhưng từ trước đến nay không than vãn trách móc hay ngửa tay xin ai bất cứ thứ gì. Bà con trong khu phố thỉnh thoảng giúp vợ chồng ông K. ít gạo muối, thức ăn. Một cán bộ MTTQ phường, cho biết vận động góp tiền xây nhà tình thương cho hai vợ chồng ông K. không khó nhưng ở TP “tấc đất tấc vàng” này không thể tìm đâu được miếng đất nhỏ để cất căn nhà tình thương cho hai vợ chồng già.

Được biết các con ông K. đều khá giả nhưng chẳng về thăm. Thậm chí khi có người tốt bụng thăm hỏi, tặng quà, cho tiền vợ chồng già… nhưng chỉ được vài hôm mấy đứa cháu tìm tới, năn nỉ ỉ ôi lấy sạch. Ông K. nghẹn ngào nghĩ về tương lai: “Vợ chồng tui thiệt bất hạnh. Tui nói với bả nhiều lần tui còn sức thì còn có thể làm việc kiếm tiền nuôi thân tui, thân bả. Nhưng bả bệnh ngồi một chỗ từ ba năm nay mà tám đứa con không đứa nào ló mặt về thăm viếng, hỏi han, cho được viên thuốc uống thì thiệt là bạc phước cho bả quá. Mai mốt tui có bề gì biết ai lo cho bả”.

Nỗi lo của ông K. rất đáng quan tâm, song đó không phải là điều bế tắc như ông và mọi người vẫn nghĩ. Pháp luật đã quy định trách nhiệm con cái phải nuôi dưỡng và chính quyền có biện pháp chế tài buộc họ phải thực hiện. Nhà nước cũng có chế độ chính sách hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi.

Con cái không phụng dưỡng cha mẹ sẽ bị phạt hành chính

Theo Luật Người cao tuổi (NCT) thì con cái có trách nhiệm phụng dưỡng NCT. Nếu con cái từ chối trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ thì UBND phường nơi người đó cư trú tổ chức họp tổ dân phố và kiểm điểm trước dân (gửi thông báo việc này đến cơ quan công tác của người con nếu họ là cán bộ, công chức). Nếu người con vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi ngược đãi người có công nuôi dưỡng với mức phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng (theo Nghị định 87/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình).

Về chính sách bảo trợ xã hội, người trên 60 tuổi, thuộc hộ nghèo, neo đơn và người từ 80 tuổi trở lên mà không lương hưu, trợ cấp thì được nhận trợ cấp xã hội và được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí tại phường nơi cư trú. Mức trợ cấp do trung ương quy định là 180.000 đồng/người/tháng (riêng TP.HCM là 240.000 đồng/tháng).

Mặt khác, nếu NCT có nguyện vọng vào cơ sở bảo trợ xã hội thì đến phường liên hệ để nơi đây hướng dẫn làm thủ tục gửi vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước để được nhân viên chăm sóc và lo hậu sự cuối đời.

Ông LÊ CHU GIANG, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM


(Theo PLTP)