- Cách đây hơn 55 năm, người chồng cùng 3 đứa con nhỏ của cụ bị trúng đạn pháo khi đang đi làm đồng. Từ đó, chiều chiều, cụ ngồi tựa cửa căn nhà hoang lạnh ấy để đợi những đứa con trở về…

Cô độc một phận người

Người đàn bà cô độc ấy có tên họ đầy đủ theo giấy khai sinh là Nguyễn Thị Hay (87 tuổi) trú tổ 6, thôn 9, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Tôi tìm đến nhà cụ Hay trong buổi chiều đầu đông. Lối vào nhà cụ cây dại giăng mắc, soán cả ra đường đi. Dường như căn nhà đã lâu lắm không có người đến thăm.

Lối vào nhà cụ Hay.

Cụ Hay đang ngồi bất động nhìn ra ngõ vắng. Cụ không biết hay không quan tâm có người lạ đến thăm?

Người bạn già hàng xóm thấy có khách lạ đến thì cất tiếng hỏi. Bấy giờ, cụ Hay mới đứng bật dậy, đưa cặp mắt mờ đục nhìn người khách lạ là tôi rôi ôm chầm lấy: “Con đó hả, đi mấy chục năm ni sao con không về thăm mẹ…?”. Rồi cụ bật khóc.

Tôi đứng lặng yên trong vòng tay của cụ, mặc cho cụ sờ nắn. Hai hàng nước mắt ứa ra, chảy dài trên gương mặt nhăn nheo vì tuổi tác của cụ.

Cứ chiều chiều, cụ Hay lại xách ghế ra cửa ngồi ngóng đợi…

Căn nhà tình thương rộng không quá 20m2 được chính quyền địa phương xây tặng cho cụ hơn chục năm nay, bây giờ đã xuống cấp. Phía trong là bàn thờ để di ảnh của những đứa trẻ mà người hàng xóm bảo đó là những đứa con của cụ Hay đã chết thảm vì đạn pháo những năm chiến tranh.

Bàn thờ và di ảnh của những người con cụ Hay.

Kể từ những ngày tang thương ấy, cụ sống vậy một mình và ngày ngày ngồi đợi những đứa con đi chăn trâu trở về. Cụ ngồi đợi, và khóc. Đến nỗi, đôi mắt của cụ gần như chẳng còn nhìn thấy nữa.

Nỗi buồn chiến tranh

Trong ký ức mờ xa, cụ Hay vẫn còn nhớ như in những tháng ngày mà cụ bảo là hạnh phúc của cô thiếu nữ thôn quê. Lấy chồng rồi sinh con trong khó nghèo giữa những ngày chiến tranh nhưng gia đình nhỏ của cụ vẫn luôn vang những tiếng cười hạnh phúc.

Cho đến một ngày cách đây hơn 55 năm, người chồng cùng 3 đứa con nhỏ của cụ bị trúng đạn pháo khi đang đi làm đồng. Cụ Hay bị suy sụp và kiệt quệ về tinh thần từ đó.

55 năm chồng và những đứa con bỏ cụ mà đi là 55 năm cụ ngồi ngóng ra ngoài đồng xa, những ám ảnh ngày xưa cứ hiện về rõ mồn một.

Mò mẫm lần lại chiếc bàn thờ nơi đặt di ảnh những đứa con, đôi tay cụ Hay lại run rẩy, dòng nước mắt cứ chảy dài…

“Hồi nớ đói khổ lắm, nhà chỉ có khoai sắn. Thằng Hai (con trai đầu của cụ - PV) thèm nhất là được ăn khoai lang chà. Nhưng có đủ cho hắn ăn mô. Đào được củ khoai mô là nấu ăn trừ bữa, có dư dả chi để mà làm khoai lang chà chứ. Tội! Trước ngày chết hắn cũng chưa được ăn một bữa no…”, cụ Hay nghẹn ngào nấc lên.

“Cũng là một người mẹ nên tui thấu hiểu. Có nỗi đau nào trên đời ni lớn hơn nỗi đau mất con. Suốt từ đó đến giờ bà vẫn ở vậy đợi con...", Bà Lê Thị Lâm, người bạn già, hàng xóm kể của cụ Hay nói với tôi mà như an ủi cụ.

Ít năm lại đây, cụ Hay yếu đi rõ rệt. Chân tay lúc nào cũng run lẩy bẩy, trời trở gió lại bị những cơn đau thần kinh tọa, thấp khớp hành hạ, lo cho bản thân đã khó chớ chưa nói đến cơm nước mỗi ngày.

Những lúc khỏe cụ Hay lại lọ mọ dọn dẹp…

Xó bếp đã bị sụp đổ vì những cơn mưa đầu mùa.

Bà Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng tổ 6, thôn 9, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn cho biết: “Hoàn cảnh cụ Hay là neo đơn, khốn khó thực sự. Chính quyền nơi đây luôn quan tâm, giúp đỡ cụ bằng những khoản tiền trợ cấp hằng tháng và thường xuyên cứu trợ. Chừng ấy cụ cũng có thể sống qua ngày nhưng không thể sung túc và đầy đủ như người khác được…”.

Giữa bóng chiều nhập nhoạng, cơn gió đầu đông buốt lạnh từ ngoài đồng thổi vào mỗi lúc mạnh hơn. Cụ Hay vẫn ngồi bất động nhìn ra cánh đồng trước nhà.

Vũ Trung