- Bị nhiễm HIV từ chồng khi đang có thai, chị H (quê Bắc Ninh) – một công nhân may, càng thêm đau khổ khi bị công ty tìm mọi cách cho chị nghỉ việc.

Tuyệt vọng tìm việc

Là đối tượng chịu ảnh hưởng kép từ HIV/AIDS, nhiều phụ nữ có H gần như tuyệt vọng khi cùng lúc họ phải gánh chịu hàng trăm hòn tên mũi đạn từ số phận. Càng bất hạnh hơn nữa khi họ không thể tìm được việc làm – dù là công việc lao động bình thường nhất, để mưu sinh.

Biết mình bị nhiễm HIV từ chồng khi đang có thai, chị H (quê Bắc Ninh) – một công nhân may càng thêm đau khổ khi bị công ty tìm mọi cách cho nghỉ việc.

“Bước sang tháng thứ 7, do thường xuyên phải đi bệnh viện để nhận thuốc, em làm đơn xin nghỉ để sinh con sớm hơn 2 tháng với lý do thai không khỏe. Sau khi sinh hơn 1 tháng, chồng em mất, công ty biết chồng em chết vì bệnh gì. Hết thời gian nghỉ đẻ, em tiếp tục đi làm được chục ngày, bên phòng tổ chức gọi em lên yêu cầu em nghỉ ở nhà một tháng, ăn lương cơ bản rồi bảo em đi xét nghiệm HIV, kết quả đưa cho giám đốc. Em không đi làm xét nghiệm và viết ngay giấy đệ dương tính vào đó. Vài hôm sau, cán bộ phòng tổ chức nhắn em lên và khuyên em viết đơn xin thôi việc vì làm việc chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, mọi người sợ lây nhiễm. Nếu em nghỉ việc, lãnh đạo công ty sẽ trợ cấp cho em 10 triệu đồng. Đến nước này thì em không còn cách nào khác là viết đơn xin thôi việc” – chị H ngậm ngùi kể.

Con nhỏ, sức khỏe yếu, chồng mất, nay lại thất nghiệp, người đàn bà bỗng chốc bơ vơ, chẳng biết trông đợi vào đâu.

Nhiều vấn đề liên quan tới phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được chia sẻ trong hội thảo Công tác xã hội với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Chị Nguyễn Thị Hiền - trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh kể, có thành viên trong nhóm, sau khi chồng mất vì HIV đã không thể tìm được kế mưu sinh nào khác vì bị cộng đồng xung quanh ghẻ lạnh: “Vợ chồng chị vốn làm nghề bán hàng thịt ở chợ nhưng từ khi chồng chị qua đời và mọi người biết là nguyên nhân vì HIV thì tự dưng chị cũng mất việc. Trước đấy hàng đang bán chạy nhưng giờ thì chẳng ai mua. Đồng vốn ngày càng bị thâm hụt. Ròng rã cả tháng trời, lợn thịt đem ra chợ bao nhiêu, lại mang về nhà bấy nhiêu, mấy mẹ con chị phải xẻ thịt, chế ruốc, mỡ... ăn dần. Đồng vốn tiêu tan, chị chuyển sang bán hoa quả, rồi cuối cùng là dưa cà muối nhưng cũng chẳng ai mua".

Người phụ nữ ấy vẫn phải kiếm tiền để sống, để nuôi con. Cuối cùng, chị cay đắng chấp nhận làm gái bán hoa...

Lối thoát nào để vươn lên?

Đó là câu hỏi day dứt không của những phụ nữ có H – những người dám đối diện với bệnh tật, sự kỳ thị, khao khát vươn lên nhưng cuối cùng họ vẫn không biết tìm đâu cho mình một lối thoát. Họ chỉ biết tự lực cánh sinh, trông mong vào gia đình, hoặc tìm đến các tổ chức xã hội nhưng vẫn phấp phỏng lo lắng sống trong sợ hãi.

Cuộc đời của chị Phạm Thị Tân – Gia Lâm, Hà Nội gần như rơi vào ngõ cụt sau khi chồng mất, chị dương tính với H. Động lực lớn nhất để chị tiếp tục sống và tìm mọi cách để sống là các con nhỏ dại.

“Không có sức khỏe, nghề nghiệp lại chẳng có gì, đi chợ thì chẳng ai mua hàng của mình, em phải theo người làng lên Đa Hội, Bắc Ninh nhặt than, sắt vụn kiếm 2-3 chục mỗi ngày.

Nhưng đâu phải ngày nào cũng kiếm được ngần ấy tiền. Đi làm như vậy đã cực rồi, nhưng em bị mọi người hắt hủi ghê lắm. Họ chửi, đuổi mình không cho mình vào nhặt than, lại còn bảo “ngồi gần nó là lây AIDS đấy, đừng nói chuyện với nó”... Chẳng biết làm sao được, thôi thì họ đuổi đằng trước, mình chạy đằng sau, khi nào họ đi khỏi thì mình lại vào bãi để nhặt. Nếu không thì biết lấy đâu ra tiền để nuôi thân mình đây, chứ con em thì phải sống dựa hoàn toàn vào ông bà ngoại” – chị Tân tâm sự.

Cùng cảnh ngộ có H, chị Đỗ Thị Hải Yến – tình nguyện viên của Dự án Phật giáo Hà Nội tham gia vào hoạt động chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng đã can đảm công khai danh tính, tham gia vào dự án. Chị mong muốn hành động của mình có thể phần nào giúp những người xung quanh hiểu và thông cảm cho chính mình và người có H, nhưng chị Yến vẫn phải chua xót thừa nhận: “Nếu trước đây cộng đồng kỳ thị người nhiễm HIV ra mặt thì giờ không thế nữa, kín đáo hơn, hay có thể nói là sự kỳ thị tinh vi hơn...”.

Nỗi e sợ của chị chính là, sau khi dự án kết thúc, chị chưa biết sẽ làm gì để có thu nhập. “Cả làng, xã có lẽ đều đã biết tôi là người có H, chắc chắn tôi xin việc sẽ khó, vay vốn làm ăn càng khó hơn”.

Mang những câu chuyện mặn chát nước mắt này đến với Hội thảo Công tác xã hội với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ThS Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Bộ môn CTXH với trẻ em và gia đình – khoa Công tác xã hội – ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ nỗi trăn trở trước vấn đề việc làm của phụ nữ có H: “Vấn đề việc làm là một trong những vấn đề bức thiết nhất với người có H, đặc biệt là với phụ nữ, nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng kép. Ngoài yếu tố kỳ thị thiếu niềm tin của cộng đồng, vẫn chưa có những chính sách ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp tiếp nhận người có H vào làm việc; các cơ quan, tổ chức cũng hầu như chưa có chính sách hỗ trợ cho những người lao động có H. Sau hơn 20 năm phát động công cuộc phòng chống HIV/ AIDS tại Việt Nam, rất nhiều vấn đề đã được đề cập thì vấn đề việc làm cho người có H, nhất là phụ nữ, vẫn còn bị bỏ ngỏ. Để có thể giải quyết được vấn đề này, sát cánh giúp phụ nữ có H vượt lên bệnh tật, rất cần những quyết sách cụ thể tích cực hơn nữa và sự chia sẻ, chung tay của toàn xã hội”.

Quỳnh Anh