- “Dù pháp luật Việt Nam chưa có điều luật cụ thể về người đồng tính, nhưng quyền của người đồng tính sẽ vẫn được đảm bảo dự trên những nguyên tắc chung của các công ước quốc tế”, Trưởng đại diện cơ quan LHQ tại Việt Nam bày tỏ.

Khóa tập huấn đầu tiên về các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới từ quan điểm quốc tế diễn ra trong hai ngày (12-14/11) tại Hà Nội do Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện sẽ hướng dẫn cách sử dụng những công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn để thúc đẩy, bảo vệ quyền của LGBT (người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới).

Hội thảo quốc tế đầu tiên thảo luận về sử dụng những công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn để thúc đẩy quyền của LGBT.

Bà Suzette Mitchell, trưởng đại diện cơ quan này cho biết LHQ rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền của các cộng đồng tính dục thiểu số. Đặc biệt thúc đẩy việc chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Tại Việt Nam, những người LGBT vẫn bị phân biệt đối xử trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ trường học, y tế, lao động và ngay cả trong gia đình. Họ được coi là những người “sống ngoài vòng pháp luật” bởi chưa có điều luật nào điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Suzette điều đó không có nghĩa là họ không có quyền. Người đồng tính hoàn toàn có thể dựa vào các công ước quốc tế về quyền con người, không phân biệt đối xử, chống bạo lực gia đình để bảo vệ quyền của mình.

“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn công ước CEDAW (công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ). Công ước này thường được gọi là Tuyên ngôn quyền của người phụ nữ, tạo khuôn khổ toàn diện để thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người của phụ nữ. Có thể dựa vào các đạo luật cấm phân biệt đối xử vì lý do xu hướng tính dục và bản dạng giới và loại bỏ những định kiến đối với người LGBT”, bà Suzette nói.

Các tổ chức quốc tế mong muốn các nhà làm luật Việt Nam sẽ quan tâm đến cộng đồng tính dục thiểu số.

“Việc hiểu biết và tiếp cận các điều ước và luật quốc tế là công cụ quan trọng để tạo ra sự thay đổi. Tôi hi vọng các đồng nghiệp tại Việt Nam sẽ thấy được tầm quan trọng của các công cụ này trong hoạt động của họ để đổi mới chính sách và nâng cao nhận thức của xã hội”, bà Honey Tan, một luật sư kiêm chuyên gia quốc tế về các vấn đề LGBT bày tỏ.

LHQ thông qua nghị quyết bảo vệ người đồng tính

Nghị quyết khẳng định quyền bình đẳng cho những người đồng tính và chuyển đổi giới tính trên thế giới đã được LHQ thông qua vào tháng 6/2011.

Tại cuộc họp Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 3/2012 thảo luận về tình trạng phân biệt đối xử với những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi tất các các quốc gia trên thế giới chấm dứt phân biệt đối xử với những người LGBT.

Đặc biệt ông nhấn mạnh “đã đến lúc” cần chấm dứt ngay tình trạng phân biệt đối xử và nêu rõ: “Đối với những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, tôi muốn nói với các bạn rằng: Các bạn không đơn độc. Cuộc đấu tranh của các bạn nhằm chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử là cuộc đấu tranh chung”.


La Hoàn