Phải nộp những khoản tiền thu vô tội vạ trong khi nhà trọ cũ kỹ, chật chội…là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với những người đi thuê trọ. Bên cạnh đó, họ có thể bị đuổi ra ra đường bất cứ lúc nào nếu lỡ làm “mếch lòng” chủ nhà.

Bị đuổi giữa đêm vì 1 con gà

Nguyễn Hồng (tạm trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) kể, năm 2010, nữ sinh viên trường ĐH Quốc Gia HN này với 1 bạn nữa thuê trọ 1 phòng trên đường Trần Bình, Cầu Giấy với giá 800 nghìn.

“Phòng trọ chật, giá khá đắt chủ trọ lại thường xuyên tăng tiền, thu nhiều khoản vô lý nhưng chưa kịp chuyển đi thì chính bọn em lại bị chủ trọ đuổi đi vì lý do trời ơi đất hỡi”.

Theo lời Hồng, chủ nhà ở đây là người “vắt cổ chày ra nước”. Ông ta thường xin nước rác ở các phòng trọ để bán lại cho những nhà nuôi lợn lấy tiền. Chưa hết, chủ nhà này còn có sáng kiến nuôi 1 con gà trống tận dụng cơm thừa của mấy phòng trọ.

Một dãy phòng trọ cũ kỹ ở Hà Nội (Ảnh minh họa)

“Tuy nhiên, con gà này là nỗi phiền toái của cả xóm trọ. Chị tưởng tượng mà xem, gà không nhốt nên nó chạy ra chạy vào phòng trọ của bọn em suốt. Em mua mớ rau về để ở cửa phòng chưa kịp nhặt cũng bị nó rỉa cho nham nhở. Nó thường xuyên nhảy vào bới thùng rác, có hôm nó còn ị lên thành bể nước của cả xóm trọ…”.

Nhiều lần phản ánh với chủ nhà nhưng vì tiếc của chủ nhà cô vẫn kiên quyết để nuôi. Cả xóm của Hồng rất ghét con gà này, lần nào thấy con gà mọi người xua đuổi thẳng thừng. Mấy bạn nam trong xóm còn dùng dép ném con gà chạy tán loạn trong sân khiến chủ nhà rất ấm ức.

“Thế rồi 1 hôm con gà biến mất, chả hiểu nó đi đâu hay bị ai bắt. Ông chủ nhà tiếc ra mặt. Ông nghi bọn em đã làm thịt con gà của ông nên ông còn đổ cả thùng rác ra tìm lông gà để làm bằng chứng”. Không tìm được bằng chứng để kết tội người thuê chủ nhà đã đuổi cả xóm trọ của Hồng với 1 lý do rất hợp lý: “Tháng sau nhà bác sửa sang xây lại dãy phòng trọ này”.

“Chúng em phải cuống cuồng đi tìm phòng. Mặc dù chả ai muốn ở lại nhưng do ông ấy đuổi gấp quá nên việc tìm phòng trọ để chuyển rất vất vả vì ai cũng phải đi học, đi làm cả ngày. Có bạn không tìm được phòng còn phải chuyển đi giữa đêm vì ông ta dọa sẽ vứt hết đồ đạc ra ngoài nếu không chuyển”, Hồng bức xúc.

Một tuần sau khi chuyển đi, Hồng quay lại xóm trọ thì vẫn thấy dãy trọ y nguyên, chẳng có dấu hiệu nào của việc đập xây lại. Thậm chí ông chủ còn trưng biển cho người mới đến thuê. “Chắc ấm ức vì vụ mất con gà nên ông ấy mới “hành” bọn em như thế”, nữ sinh này khẳng định.

Những nỗi khổ không biết kêu ai

Chuyện người đi thuê trọ ấm ức vì chủ nhà tìm mọi cách tận thu từ những khoản tiền nhà, điện, nước…là chuyện không hiếm ở các dãy trọ Hà Nội. Thanh Huyền (HV Báo chí & Tuyên truyền) cho biết: “Lúc đầu chủ nhà “quảng cáo” tiền nước 60 nghìn/người, là nước máy nhưng lúc đến ở mình mới biết đó là nước giếng khoan. Dùng nước này giặt một thời gian các áo trắng của bọn mình đều đổi màu. Thỉnh thoảng còn thấy váng nước trên mặt bể”. Vì vậy, ngoài khoản tiền nước đóng cho chủ nhà hàng tháng, Huyền còn phải bỏ tiền ra mua bình nước tinh khiết để dùng nấu ăn. Chủ nhà Huyền còn thu 10 nghìn/người với lý do: “Tiền điện để bơm nước vào bể”.

Huyền kể thêm, cô cũng từng dở khóc dở cười khi thuê phòng của 1 bà chủ ở Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chủ nhà này yêu cầu đóng tiền gửi xe máy là 60 nghìn/xe. Tuy nhiên, khi đến ở huyền mới giật mình khi chủ nhà thông báo với giá 50 nghìn thì chỉ được để xe ở sân. Nếu người thuê muốn được để xe ở trong nhà an toàn hơn thì phải nộp thêm 100 nghìn. “Em thấy để xe ở sân chỉ có một cái cửa sắt lỏng lẻo bảo vệ nên rất lo lắng nên đành bấm bụng nộp thêm tiền để được gửi xe trong nhà. Nhưng bà ấy lại bảo xe em to chiếm nhiều diện tích hơn xe khác nên phải nộp thêm tiền…”.

Rất nhiều nhà trọ đã tận dụng thu thêm tiền để xe của người ở, trung bình khoảng 100 – 150 nghìn/ xe. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chủ nhà trọ cũng khẳng định, chỗ để xe chứ không phải trông giữ xe. Nếu xui xẻo mất xe thì sinh viên vẫn phải ráng chịu!

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội như Phùng Khoang, Mễ Trì, Cầu Giấy... đều thu tiền điện, nước với giá kinh doanh, cao hơn gấp 3-4 lần so với quy định của Nhà nước. Tiền điện dao động khoảng 3.000-3.500 đồng/số, thậm chí Lê (SV ĐH Xây dựng) đang ở trọ tại Giải Phóng, Hà Nội cũng phải thuê phòng trọ với giá điện cắt cổ 4.000/số.

“Giá điện ở đây đắt nhưng em chỉ dùng nấu cơm, 1 laptop, 1 cái quạt và bóng điện thắp sáng trong khi phòng trọ này gần trường học tiết kiệm được xăng xe, thời gian đi lại nên em vẫn chấp nhận”, Lê giải thích.

Hồ Hải (ở trọ tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) cũng bức xúc khi ở với 1 bà chủ nhà “vắt cổ chày ra nước”. Chủ nhà bán tạp hóa kiêm bán rau, thịt…nên thường xuyên mời chào người ở trọ mua hàng. Tuy nhiên, chủ nhà luôn bán đắt hơn so với giá cả bên ngoài nên nhiều sinh viên không mấy mặn mà với hàng của bà chủ nhà.

Những lần thấy sinh viên đi học, người ở trọ đi làm về trên tay xách rau, thịt mua ở các hàng ngoài chợ là bà chủ nhà lại có những cái nhìn đầy khó chịu. “Nhiều hôm đi chợ em còn phải cho đồ vào túi đen rồi bỏ trong giỏ xe đi về để bà ấy đỡ bức xúc”.

Thêm vào đó, sinh viên muốn kết nối Internet tại phòng thì bà cũng không chấp nhận cho kéo được dây vào dãy trọ của mình mà cần thì phải dùng chung đường dây nhà bà với giá 100 nghìn đồng/tháng. “Nhưng chủ nhà dùng gói cưới 240 nghìn/tháng mà cho bắt cả xóm trọ gồm 15 phòng dùng, bên cạnh đó bà còn cho thêm mấy nhà hàng xóm dùng chung nên mạng rất chậm. Em đã phải chuyển sang dùng 3G”, Hải bức xúc.

Có kinh nghiệm nhiều năm đi thuê trọ, Văn Hải (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc Gia HN) chia sẻ: “Đi thuê phòng nên nhờ người quen, bạn bè giới thiệu sẽ dễ tìm được phòng trọ ưng ý. Trước khi thuê phòng, nên làm hợp đồng cẩn thận với chủ nhà để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý. Nếu điều kiện xóm trọ không tốt, bạn nên chủ động chuyển nhà bởi khi đã mất một khoản tiền hàng tháng thì đổi lại mình cũng phải có được không gian thoải mái để sống, học tập”.

Lê Hiếu