Tuy không được tiếp sức bởi bài Tình anh bán chiếu nhưng chợ chiếu Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) còn nổi tiếng hơn cả bài hát “ghe chiếu Cà Mau còn cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy…”.
Nhưng phiên chợ nổi tiếng một thời nay đã lùi vào dĩ vãng…
Làng chiếu Định Yên nằm cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Từ thị xã Sa Đéc theo quốc lộ 80 đi chừng 30 km là đến thị trấn Lấp Vò, đi thêm 3 km nữa sẽ đến làng chiếu - chợ chiếu Định Yên.
Tẳn mẳn từng cọng lát, sợi gai
Ông Nguyễn Vĩnh Khoan, 68 tuổi, nhà ở ấp An Bình, xã Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) kể: Vùng này ngày trước người dân trồng lát để phục vụ cho nghề dệt. Mấy thập niên nay do người dân chuyển đất trồng lúa nên thương lái chở lát từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) sang bán. “Dệt chiếu thủ công ngày trước vất vả lắm, bà con mua lát về lựa từng cọng để dệt. Cứ mỗi khung cửi có hai người, một người cầm bàn dệt dập lát, người kia cầm cây sùi lát vào khung. Ngồi suốt cả ngày dệt giỏi lắm cũng chỉ được bốn, năm chiếc chiếu”.
Theo ông Khoan, lát, chỉ, màu ngày trước còn rẻ nên mỗi đôi chiếu dệt tay bà con bán kiếm đồng lời khá, bởi thế nên nghề dệt chiếu mới duy trì được đến tận bây giờ. Thợ dệt ngày ấy ngồi tẳn mẳn từng cọng lát mệt đuối cả người, rồi còn phải chất xuống xuồng bơi đến chỗ có nhiều ghe mua chiếu đậu để bán.
“Ngày đó, nếu ai mang chiếu đến chợ bán chậm có thể bị ghe chiếu lui bến bỏ
lại vì đã mua đủ chuyến. Do vậy, bất luận giờ nào, hễ dệt xong vài đôi chiếu là
bà con tranh thủ đem đến chợ bán ngay. Có những lúc về đêm, họ cũng mang chiếu
đến bán. Từ đó hình thành nên cái chợ chiếu ban đêm mà người ta quen gọi là chợ
ma, chợ âm phủ” - ông Nguyễn Vĩnh Khoan kể về ngọn nguồn chợ phiên ban đêm ở
Định Yên.
Người dân phơi lát cói, nguyên liệu để dệt chiếu ở làng Định Yên. |
Nghề dệt chiếu Định Yên ngày càng mở rộng khi tay nghề của thợ dệt được nâng cao, chiếu xài bền nên “tiếng lành đồn xa”. Nghệ nhân dệt chiếu đẹp, thêu lẫy được hình rồng, phượng cũng nhiều. Dần dà, lái từ các miệt Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… tìm đến tấp nập. “Lúc tui mới 8-9 tuổi đầu thì làng chiếu đã sôi động dữ lắm rồi. Chỗ nào cũng thấy ghe đi mua chiếu. Cái ngộ ở đây là giờ giấc trao đổi hàng hóa không định trước, ngay cả nửa đêm cũng diễn ra. Có đêm, một phiên giao dịch lên đến cả ngàn người, sung túc không tả nổi. Nhờ vậy mà dân làm chiếu vùng này cất được nhà tường và mua máy dệt” - ông Khoan kể.
Một cái chợ không quầy, không sạp
Ông Phạm Văn Bi (ấp An Khương, Định Yên) nhớ lại: “Ngày đó, ghe thu mua chiếu đậu chét lẹt trong xã Định Yên. Trước mũi ghe là mỗi ánh đèn dầu bánh ú, leo lét trong đêm chờ người đem chiếu tới. Lọ mọ trong đêm vậy mà chốc lát thì có người bơi xuồng từ nhà ra ghe bán. Thương lái lấy đèn dầu soi, đưa tay lật lật xem sơ là đếm chiếu, trả tiền. Cả một đoạn kênh Cái Dầu Nhỏ thắp đèn dầu sáng rực thâu đêm. Thông thường mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm, mua chừng 500-1.000 chiếc là nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp vùng sông nước miền Tây…”.
Ông Bi kể sau đó chợ phiên chiếu Định Yên được dời đến sân chùa An Phước. Mỗi người ôm một, hai đôi chiếu đứng tại sân chùa chờ bán. “Cả rừng người ôm chiếu bán, dật dờ trong đêm như những bóng ma. Chưa nơi đâu có cái kiểu mua bán lạ đời như vậy” - ông Bi tự hào kể.
Điểm độc đáo của cái chợ chiếu này là chợ không cần có quầy, sạp kinh doanh mà vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Với hầu hết các chợ, kể cả siêu thị, thường người bán thì ngồi một chỗ bên sạp hàng của mình, còn người mua thì đi lại quầy này, hàng kia lựa hàng, ngã giá. Nhưng ở chợ chiếu Định Yên thì lại khác. Ở đây người bán thì ôm hàng đi lại chào mời, còn người mua thì chỉ việc ngồi một chỗ chờ người bán mang hàng tới ngã giá.
Cảnh chợ phiên chiếu Định Yên tấp nập về đêm, còn gọi là chợ ma, chợ âm phủ bây giờ không còn nữa. (Ảnh tư liệu xã Định Yên) |
Cắt đầu chiếu, một công đoạn của dệt chiếu thủ công. |
Ông Nguyễn Vĩnh Khoan kể: Vào khoảng năm 1980 đến năm 2000, việc mua bán chiếu được quy tụ về chùa An Phước, giờ giấc cứ xoay vòng từ ngày cho đến đêm. Chợ phiên mỗi đêm thường bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng, mua bán kéo dài đến tận 8 giờ sáng mới tan. Kẻ ngã giá, người vác chiếu lên xuống ghe chộn rộn dữ lắm. Người bán chiếu xong cầm tiền te te đi ngay ra chợ mua đồ tiêu dùng. Cảnh trao đổi hàng hóa ngoài chợ, trên đường, dưới kênh tấp nập như một thương cảng lớn.
“Hầu như đi đâu ở miền Tây cũng gặp ghe bán chiếu Định Yên. Có lẽ cố nhạc sĩ Viễn Châu sáng tác bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” cũng lấy cảm hứng từ những hình ảnh ghe chiếu Định Yên này chăng? Tui không dám chắc, chỉ biết rằng mỗi lần nghe đệ nhất danh ca Út Trà Ôn cất giọng mùi mẫn “Ghe chiếu Cà Mau còn cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy… ra chào…” là tui liên tưởng ngay đến cái chợ chiếu Định Yên độc đáo của quê nhà” - ông Khoan cười.
* * *
Cái chợ phiên nổi danh ấy giờ đây đã không còn nữa, bởi bây giờ người mua chiếu đã đến tận nhà người làm chiếu để thu mua mà không cần nhóm chợ. Đang ngồi dệt chiếu bằng tay, bà Phan Thị Thu Hồng (ấp An Khương, Định Yên) kể khoảng chục năm qua, khi nhiều người có máy dệt thì phương thức mua bán chiếu cũng thay đổi. “Thương lái không cần đến chợ mua chiếu như ngày trước mà họ đặt hàng hẳn cho thợ dệt, khi nào dệt xong thì alô họ chạy ghe đến tận nhà lấy chiếu. Do vậy, cảnh họp chợ phiên nhộn nhịp ngày đêm như trước dần lùi vào dĩ vãng” - bà Hồng nói trong tiếc nuối.
Xây chợ chiếu để bán… hàng nông sản! Làng chiếu nổi tiếng Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) giờ không còn cảnh mua bán tấp nập trong đêm. Máy dệt đã thay sức người làm ra hàng chục chiếc mỗi ngày. Thương lái đến tận nhà mua chiếu nên chẳng cần nhóm chợ. Thế nhưng chính quyền ở đây vẫn cho xây cái chợ chiếu to đùng, chẳng biết dùng để làm gì.
Ông Phạm Văn Bi, người dân ở đây, nói: “Chợ xây lên mà không phục vụ nhu cầu người mua kẻ bán nên có ép người ta vào cũng không vào. Chợ đó chắc bỏ hoang hay cho bán hàng hóa khác chứ dân làng chiếu đâu cần”. Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp thì nhận định: “Thực tế cho thấy có những cái chợ dù chính quyền không mở nhưng người dân có nhu cầu thì nó vẫn tự hình thành. Điều đó cho thấy ở đâu có nhu cầu thì ở đó dù là nơi xó xỉnh mà dân chọn thì chợ vẫn phát triển. Ngược lại, chợ có đẹp, có nguy nga bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn “chết yểu”. Có rất nhiều cái chợ được xây lên rồi bỏ hoang, phải chăng người ta muốn kiếm huê hồng, phết phẩy gì trong đấy?”. Trở lại câu chuyện ngôi chợ chiếu Định Yên mới, ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp), nói chợ này sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 12/2012, với kinh phí đầu tư khoảng 6 tỉ đồng. “Do diện tích chợ khá rộng nên có thể sắp xếp bán các mặt hàng nông sản” - ông Nguyên nói. |
(Thep PL TPHCM)