- Gần đến ngày 20/11, nhiều phụ huynh lại đau đầu về việc chọn quà tặng thầy, cô giáo của con. Thậm chí, có phụ huynh còn cẩn thận tìm hiểu sở thích, ngắm dáng của từng cô để có được những món quà tặng hợp ý giáo viên.

TIN BÀI KHÁC

Lại… “hoa phong bì”


Gần đến ngày 20/11 tại các văn phòng, công sở, nhiều chị em lại nóng lên với câu chuyện mua quà tặng thầy cô giáo của con.

Chỉ cần lướt qua một vài diễn đàn mạng, cũng có thể dễ dàng thấy những topic nóng này luôn được cập nhật hằng ngày khi ngày của thầy cô đang tới gần. Năm nay kinh tế khó khăn nên câu chuyện “mua quà gì? ở đâu?” càng được các phụ huynh cân nhắc kỹ càng hơn.

Trên webtretho, 1 phụ huynh chia sẻ: “20/11 này mình muốn tặng cho cô giáo của con 1 món quà. Nếu đưa phong bì thì... ngại quá. Nhưng tặng quà thì mình không biết phải tặng gì”.

Một phụ huynh khác thì chia sẻ: “Để đưa phong bì đỡ ngại, mình thường mua quà rồi kẹp phong bì vào phía trong. Năm ngoái, mình mua vải may áo dài, mỹ phẩm, nước hoa cho 3 cô giáo kèm phong bì 200 nghìn mỗi cô. Năm nay mình chưa biết mua gì, có chị gợi ý mua túi xách nhưng không biết mình mua có hợp ý cô giáo không”.

Hoa tươi món quà không thể thiếu trong ngày nhà giáo Việt Nam (Ảnh: VietNamNet)

Cùng nỗi lo chọn quà cho cô giáo của con, chị Phương (Thái Thịnh, Đống Đa, HN) tâm sự: “Năm ngoái con mình học mẫu giáo, mình đi 4 cô 4 phong bì (mỗi phong bì là 200 nghìn) và 1 bó hoa. Mình cũng nghe mấy chị cùng cơ quan kể, mấy chị mua đồ chip tặng các cô, nhưng mình ít đưa đón con nên cũng không để ý được để xem cô mặc size gì để chọn”.

“Lớp con gái em có 3 cô chính, ngoài ra, có thêm 2 cô thực tập. Ngày 20/10 vừa rồi em đi cả 5 cô mỗi cô 1 chai sữa tắm. 20/11 đang đau đầu đây, chưa nghĩ ra mua món gì tặng cô. Em đang định mua mỗi cô 1 đôi quần Triumph và 1 phong bì 100 nghìn”, một phụ huynh khác cũng đau đầu vì chọn quà ngày 20/11.

Tuy vậy, chị Linh (Long Biên, Hà Nội) lại chia sẻ: “Ngày 20/11 năm ngoái, mình mua một set dầu gội và xả của hãng “xịn” để tặng cô của con. Sau đó, tình cờ mình biết được là cô cũng được tặng rất nhiều dầu gội nhưng không dùng hết mà mang đi bán lại cho tiệm gội đầu. Từ đó các dịp lễ, tết mình chỉ tặng phong bì”.

“Hoa phong bì” cũng là lựa chọn của nhiều phụ huynh năm nay để tri ân thầy cô giáo của con.

Cùng suy nghĩ trên, chị Hà, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: “Nếu như phụ huynh nào cũng tặng dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm… thì cô để đâu cho hết. Bây giờ không thể nói là thực dụng nhưng cũng phải thực tế một chút. Cứ chuẩn bị phong bì, các cô cần gì thì mua, vừa để các cô có thêm thu nhập nữa. Gần nhà mình có mấy giáo viên, cứ sau 20/11 là lại phải mang quà ra gửi bán. Không phải người ta không quý mà người ta không có nhu cầu, để thì cũng phí”.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn với thực tế đi phong bì từ khi con học mẫu giáo sẽ tạo tâm lý, suy nghĩ không tốt cho chính con cái của họ. Bên cạnh đó, quà tặng ngày 20/11 cũng là nỗi đau đầu về kinh tế đối với nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên với tâm lý sợ cô giáo “đì” con và “cả lớp đi cô hết” nên nhiều phụ huynh cũng phải cắn răng chuẩn bị quà để con được bằng bạn bằng bè.

Cô giáo làng và bó hoa vườn


Tuy nhiên, không phải thầy, cô giáo nào cũng có tâm lý “tranh thủ” ngày 20/11 để tăng thêm thu nhập. Một giáo viên đã từng chia sẻ: “Có một đồng nghiệp của tôi đã từng “chết trân” khi ngày 20/11 có một phụ huynh đưa con đến thăm cô giáo, ngay trước mặt trẻ, phụ huynh rút phong bì ra… Đôi khi chính phụ huynh đã làm mất đi giá trị tinh thần của ngày 20/11 mà chúng tôi mong chờ”.

Anh Hải, Hoài Đức, Hà Nội cũng chia sẻ: “Năm ngoái, vợ tôi cũng chuẩn bị quà tặng cô ngày 20/11 kèm theo một phong bì. Nhưng sáng hôm sau, tôi đưa con đến lớp cô đã gặp riêng tôi. Đầu tiên là cô giáo cảm ơn phụ huynh đã quan tâm, sau đó cô bảo, quà cô xin nhận nhưng phong bì thì cô gửi lại. Dù thế nào cô cũng không nhận làm tôi vừa ái ngại vừa nể trọng cô giáo vô cùng”.

Trong khi nhiều phụ huynh đang phải tính đến bài toán kinh tế trong dịp 20/11 thì không ít người lại hồi tưởng về những kỉ niệm đẹp ở tuổi học trò của mình.

Anh Lê, kỹ sư xây dựng trú tại Hà Đông, Hà Nội, nhấn mạnh: “Bây giờ quà cáp cho thầy cô là phong bì là hàng hiệu, đồ độc… chứ ngày xưa chúng tôi làm gì có”. Anh chia sẻ: “Hồi đó, tôi học ở 1 trường tiểu học ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tới ngày nhà giáo, cả lớp góp tiền mua được cái phích nước và gói xà phòng, mì chính mang đến nhà cô giáo. Hôm đó trúng vào mùa gặt, nhà cô giáo đi gặt lúa nên cả lớp lao xuống ruộng gặt giúp. Mẹ chồng cô còn nấu cho nồi cơm gạo mới cô trò xúm xít ăn lấy ăn để. Nghèo mà ngày đó vui quá chừng”.

Anh cũng chia sẻ thêm, ngoài món quà góp tiền chung với cả lớp, anh cũng muốn tặng riêng cô giáo 1 bó hoa. Chẳng phải vài trăm nghìn như bây giờ, hoa của anh ngày xưa là những bông hồng, những bông hoa cuối mùa thu xin được trong vườn của người hàng xóm, thêm vài nhành cúc bên đường, bó lại rồi hớn hở mang đến nhà cô.

Gần 30 năm đứng lớp nhưng mỗi năm gần đến ngày 20/11, cô Trần Hương (giáo viên tiểu học ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn cảm thấy hồi hộp. Theo cô Hương, quà ngày 20/11 của một cô giáo trường làng như cô là những bộ ấm chén, bình hoa, phích nước…cho đến tấm thiệp với những dòng chữ nắn nót của học trò.

“Hàng năm cứ vào ngày này, các em lại đạp xe đến nhà tôi. Câu trước chúc mừng cô giáo, câu sau đã thấy 5, 6 cậu nhóc nghịch ngợm vắt vẻo trên cây ổi nhà cô rồi”. Cô Hương còn cho biết, có năm học sinh đến nhà cô rồi trèo lên cây vặt quả. Nhành cây gãy làm 1 cậu ngã xuống đất bất tỉnh khiến cho mọi người được phen hoảng hốt.

“Cứ đến ngày này, chồng tôi lại chặt bớt vài nhánh cây. Chẳng ai tiếc mấy thứ quả trong vườn chỉ sợ các em hiếu động trèo cây bị ngã lại chẳng biết ăn nói với phụ huynh thế nào”, cô Hương chia sẻ thêm.

“Có năm, đến ngày 20/11, trời nắng chang chang, gia đình cô vừa ăn cơm xong thì thấy học trò đến. Tôi lại ra vườn nhổ rau cải vào nấu mì tôm cho cả lớp ăn. Ăn xong cả đám còn kéo nhau ra oanh tạc vườn của nhà cô giáo, đến tận chiều cô giục mãi trò mới chịu về nhà”.

Nguyễn Nga