Thông tin về chuột cắn người có thể truyền virut gây bệnh suy gan, suy thận cấp khiến người dân đang rất hoang mang.

Thời gian gần đây, các tờ báo phản ánh tình trạng chuột hoành hành trong các khu dân cư ở TP. HCM và Hà Nội ngày càng nhiều. Chúng phá phách và táo tợn hơn trước. Nhiều người dân bị chuột cắn khi ngủ không mắc màn hoặc khi đang đuổi bắt chúng.

Giữa tháng 10, Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị suy thận do bị chuột cắn vào chân. Một số bệnh nhân khác bị chuột cắn cũng nhập viện trong tình trạng giảm tiểu cầu, ho, sốt cao kéo dài. Khi xét nghiệm thì phát hiện họ bị nhiễm virus Hanta. Loại virus này có khả năng gây suy gan, suy thận cấp khiến bệnh nhân tử vong.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân bị sốt do chuột cắn.

Tuy chưa có bệnh nhân nào bị suy thận như trường hợp ở TP.HCM nhưng thông tin chuột cắn người gây bệnh đang khiến người dân rất hoang mang.

Vết chuột cắn trên ngón tay áp út chị Ngọc Anh.

Chị Ngọc Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết chị vừa bị chuột cắn vào tay vì ngủ không mắc màn. Chị đã lấy nước và xà phòng rửa vết thương rồi bôi thuốc sát trùng nhưng vẫn rất lo lắng.

Chị kể: “Sợ chuột vào nhà nên tôi đã bịt kín các lỗ thông gió, vậy mà không hiểu sao vẫn có con lọt vào được. Hôm kia đang nằm ngủ thì thấy nhói một cái ở tay, nhìn ra thì thấy máu chảy bê bết còn con chuột thì chạy mất. Tôi đã rửa vết thương rất kỹ bằng xà phòng và thuốc sát trùng nhưng vẫn rất lo lắng. Không biết có nên đi tiêm phòng không”.

Còn chị Nguyễn Chi (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) thì rùng mình trước thông tin chuột cắn người gây bệnh vì trước đây chị từng nhiều lần bị chuột cắn.

“Cách đây 3 năm, hồi mình còn là sinh viên, ở KTX đầy rẫy chuột. Toàn chuột nhắt thôi nhưng mà táo tợn lắm. Mọi người đang ngồi trong phòng mà chúng cứ chạy rầm rầm nô nhau như chốn không người ấy.

Còn chuyện bị chuột cắn là thường xuyên. Phòng mình có 7 người thì chỉ có 1 người duy nhất không bị cắn vì chăm mắc màn. Cắn tai, cắn tay, cắn chân, có người còn bị lũ chuột gặm hết cả móng chân. Hồi ấy mình cũng bị cắn mấy lần ở ngón tay nhưng chả bao giờ đi tiêm phòng. Giờ nghĩ lại mà rùng cả mình”, chị Chi kể.

Chuột gieo rắc nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho người. Ảnh minh họa

Chị Chi cho biết, giờ ra ngoài thuê trọ, chị phải bịt kín tất cả các lỗ thông hơi để chuột không vào nhà, ngủ là phải mắc màn chứ không dám “lười” nữa.

“Khu nhà mình chuột nhiều lắm, toàn chuột cống to mà hôi rình. Cái lũ ấy chui rúc mọi nơi có mà đầy thứ bệnh. Nghĩ mà rùng cả mình”, chị Chi nói thêm.

Vì lo sợ chuột cắn, nhiều hộ dân đã chấp nhận đóng các cửa thông gió, “bí hơi” một chút nhưng chuột không vào nhà.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị chuột cắn phải người dân cần ngủ mắc màn, chàn màn chặt để không cho chuột chui vào cắn. Nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ đạc ẩm thấp, bừa bãi làm nơi chuột trú ngụ, sinh sản. Không dùng tay không để bắt chuột. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.

Phát hiện chuột cống mang virút gây suy thận

Sáng 19-11, bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh, phụ trách khoa động vật côn trùng y học Viện Pasteur TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy có 3 con chuột cống ở TP.HCM mang virút Hanta.
Virút Hanta có khả năng gây suy gan, suy thận cấp khiến bệnh nhân tử vong. Hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như vắcxin phòng loại virút này.

Theo nghiên cứu của các bác sĩ thuộc Viện Pasteur TP HCM, ngoài virut Hanta gây tình trạng sốt, vàng da, suy gan, suy thận, chuột còn gieo rắc nhiều mầm bệnh nguy hiểm khác cho người như dịch hạch, virut Lassa gây sốt, ký sinh trùng gây bệnh viêm màng não.


La Hoàn