- “Lúc đầu chẳng ai tin nó thành công, cho đến khi du khách nước ngoài dừng lại xem nó tạc tượng, rồi mua những bức tượng Chăm bằng đá sa thạch mang về làm kỷ niệm...".

Khát vọng của chàng trai câm điếc 

Chưa một ngày đến trường, không biết chữ vì câm điếc bẩm sinh nhưng không hiểu bằng cách nào mà cậu bé Phạm Ngọc Xuân từ những ngày đi chăn bò thuê đến khi trưởng thành lại tự tay cầm đục để tạc được những bức tượng Chăm sống động hút hồn du khách. 

Ông Phạm Ngọc Bảy và bà Văn Thị Liệu kể về đứa con trai câm điếc mê tượng Chăm.

“Tui sinh thằng Xuân vào năm 1965. Sinh ra nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác trong làng. Nhưng chỉ mỗi cái bệnh là câm và điếc. Lớn lên nó chỉ biết cười, nhưng không đau ốm bao giờ...”, bà Liệu, mẹ anh Xuân kể.

Ông Bảy, cha của Xuân tiếp lời: "Sau Giải phóng nó được 11 tuổi, nhà đông con cực khổ quá, vợ chồng tui gửi nhờ bà cô nuôi giúp. Hàng ngày nó thả đàn bò của bà cô lên khu tháp Mỹ Sơn, có bữa nó mãi mê với những bức tượng Chăm nơi tháp cổ quên cả đàn bò, khiến cả nhà chạy đi tìm".

"Sau đó nó bỏ nhà đi lang thang nhiều ngày không về. Cả nhà đi tìm khắp nơi không thấy. Cuối cùng lên khu tháp Mỹ Sơn thì thấy nó đang mải mê ngắm những bức tượng Chăm nơi tháp cổ. Lúc đầu vợ chồng tui lo sợ, nghĩ thằng nhỏ bị ma Hời bắt. Đưa về nhà thấy nó vẫn bình thường. Được ít bữa nó lén chạy lên khu tháp ngồi ngắm…", bà Liệu kể về những ngày còn nhỏ của Xuân.

Chàng trai câm điếc Phạm Ngọc Xuân đang tạc tượng Chăm bên vệ đường.

Vợ chồng ông Bảy kể: "Cứ nghĩ nó bị ma Hời ám, vợ chồng tui đi xem thầy tìm cách chữa bệnh cho thằng bé. Nhưng dùng đủ cách vẫn không dứt nó ra được khỏi tháp Chăm.

Mỗi khi từ tháp Chăm Mỹ Sơn về là nó cặm cụi ngồi đục đẽo đá làm tượng rồi tỉ mẩn ngồi vẽ lại những hoa văn trên các khu đền tháp. Thấy không thể dứt được nó ra khỏi Tháp Chăm Mỹ Sơn, vợ chồng tôi làm liều mua mấy con trâu cho nó giữ. Hàng ngày nó đưa mấy con trâu lên khu tháp Chăm Mỹ Sơn vừa giữ trâu vừa vẽ và tạc tượng Chăm mà nó nhìn thấy trong các khu đền tháp", ông Bảy nhớ lại.

Những bức tượng Chăm hút hồn du khách

Kể từ ngày được cha mẹ giao cho mấy con trâu để giữ, hàng ngày, cậu bé Xuân lùa trâu lên khu tháp Chăm Mỹ Sơn chăn thả và mải mê khám phá những khu đền tháp rêu phong ẩn mình dưới tán cây.

Anh Phạm Ngọc Xuân đang giới thiệu sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra.

Hết ngắm, Xuân ngồi vẽ lại trên nền đất, rồi hì hục đi tìm đá để tạc lại những bức tượng Chăm mà mình nhìn ngắm nơi tháp cổ. Khi có đoàn khảo cổ đến khai quật, nghiên cứu, cậu bé Xuân lại lân la làm quen để xem họ làm.

Đến khi cả khu tháp Chăm Mỹ Sơn được khoanh vùng bảo vệ, lập trạm kiểm soát không cho người ngoài vào ra, thì  Xuân hết cơ hội được ngồi nhìn ngắm và vẽ tháp Chăm.


Chàng trai câm điếc tự giới thiệu về mình qua bảng viết sẵn với du khách.

Cũng bắt đầu từ đó Xuân không đi chăn trâu nữa mà kiếm mấy thanh sắt làm đục, hì hụi suốt ngày đêm để tạc tượng từ những miếng đá xanh. Sau nhiều tháng những bức tượng giống hệt ở các khu tháp Chăm Mỹ Sơn thành hình.

Ông Trần Sáu, hàng xóm của Xuân giờ là trưởng thôn Mỹ Sơn nhớ lại: "Thấy thằng Xuân hì hụi với mấy tảng đá tạc tượng ai cũng lắc đầu bởi nó có học hành chi mô, cái chữ không biết, lại không có người hướng dẫn nó bao giờ, thế mà những bức tượng nó tạc giống hệt tượng Chăm ở tháp Mỹ Sơn. Nhiều bức tượng xem kỹ không phân biệt đâu là tượng nó mới tạc, đâu là tượng cổ ở tháp Mỹ Sơn. Thế mới tài".

Hàng loạt bức tượng Chăm Mỹ Sơn được Xuân tạc để trong vườn nhà. Nhiều du khách hay tin tìm đến hỏi mua làm kỷ niệm. Có khách hàng, Xuân mạnh dạn nhờ ba dựng cho căn chòi tranh tre bên đường dẫn vào tháp Chăm Mỹ Sơn, hàng ngày ngồi tạc tượng Chăm bán cho du khách.
 

Anh Xuân đang tạc tượng tại “xưởng” của mình bên vệ đường.

"Xưởng” tạc tượng của anh Xuân dựng bên đường cũng đã được hơn 7 năm nay. Tượng của chàng trai câm điếc làm ra tới đâu khách mua hết tới đó. "Vợ chồng tui không ngờ đến chừ già yếu rồi lại được đứa con câm điếc ni nuôi dưỡng nhờ vào nghề tạc tượng của hắn…”, bà Liệu kể.

Một số nhà điêu khắc nổi tiếng khi đến Quảng Nam biết chuyện đều rất ngạc nhiên. Họ cho rằng chắc chàng trai này được các vị thần ở tháp Chăm Mỹ Sơn “ám” nên mới có thể tạc được những bức tượng Chăm sống động như vậy.

Vũ Trung