Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây chi nhánh Đan Phượng (Agribank Đan Phượng) đã trở thành địa chỉ đưa dòng vốn đến với những hộ gia đình có nhu cầu phát triển sản xuất.

Từ tay trắng, nhờ Agribank làm nên sự nghiệp

Đầu năm 2014 anh Bùi Tuấn Hải (xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội) bắt đầu vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây chi nhánh Đan Phượng (Agribank Đan Phượng) để khởi nghiệp với việc trồng hoa ly. Lúc ấy, Agribank Đan Phượng nói riêng và Agribank nói chung có nhiều chương trình vay vốn ưu đãi cho nông dân.

Anh Bùi Tuấn Hải nhớ lại: Trước đó vào năm 2010 tôi đã bắt đầu trồng hoa ly rồi nhưng chỉ làm 4-5 sào thôi. Sau một vài năm thấy làm ăn được, tôi mỗi năm vay thêm một ít để mở rộng diện tích. Hiện tại quy mô trồng hoa ly của tôi là 8 mẫu.

{keywords}
Anh Bùi Tuấn Hải và Cán bộ Agribank Đan Phượng bên vườn hoa ly

“Nhờ có Agribank, tôi có thêm nguồn vốn để tăng được quy mô đầu tư, tăng thêm thu nhập. Nếu không vay được vốn ở Agribank Đan Phượng thì tôi chỉ làm 5-6 sào thôi vì đầu tư trồng hoa ly tốn khá nhiều tiền. 1 sào đầu tư tiền giống phải 100 triệu/sào. Tôi mà làm 7-8 mẫu như này thì số tiền đầu tư ra rất nhiều. Tiền của nhà làm sao mà đủ được, tôi cũng từ nông dân mà lên thôi”, anh Bùi Tuấn Hải tâm sự.

Với việc trồng hoa ly, năm nào được mùa thì 1 năm anh Hải bỏ ra được 700-800 triệu, sau khi đã trừ đi chi phí thuê đất đai, giống, nhân công… Năm nào kém cũng được một vài trăm triệu. “Năm kia, năm kìa tôi được hơn 1 tỷ. Còn ngày đầu khởi nghiệp chỉ được 200-300 triệu thôi”, anh Hải khoe.

Nói về những ngày vay vốn, anh Bùi Tuấn Hải cho biết: Khi có mô hình trồng hoa ly này, tôi có lên Phòng kinh doanh của Agribank Đan Phượng để bày tỏ nguyện vọng vay vốn. Các cán bộ ngân hàng cũng tạo điều kiện làm thủ tục nhanh chóng để tôi được vay vốn. Số tiền tôi vay đến nay là 1 tỷ đồng. Tôi cũng đang đề xuất vay thêm vì mỗi năm lượng hoa đều mở rộng thêm.

“Nhiều ngân hàng chào mời lắm, nhưng tôi thấy ngân hàng nông nghiệp ưu đãi hơn, lãi suất thấp 6-6,5%. Thủ tục vay vốn cũng rất nhanh chóng”, anh Bùi Tuấn Hải chia sẻ.

Cũng là một khách hàng thân thiết của Agribank Đan Phượng, gia đình ông Nguyễn Văn Quang (xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội) chuyên nghề làm đồ gỗ tâm sự: Khi làm đồ gỗ, chúng tôi cũng thiếu vốn để làm ăn. Khi đó ngân hàng nông nghiệp ở Đan Phượng cũng đã tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn làm ăn. Vốn của ngân hàng giúp chung tôi mở rộng được sản xuất. Tôi vay cách đây 15 năm. Khi đó lượng vay ít thôi, sau đó cũng bổ sung dần. Giờ tôi đang vay 2 tỷ đồng.

“Chúng tôi làm quen với Agribank Đan Phượng rồi, trên huyện cũng tạo điều kiện cho tôi ổn định vốn nên không phải đi ngân hàng nào nữa. Việc vay vốn không gặp khó khăn nào, cán bộ ngân hàng rất tạo điều kiện”, ông Quang nói.

Góp công xây dựng nông thôn mới

Theo ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng, xã Song Phượng là một trong những xã đầu tiên được công nhận là xã nông thôn mới. Trong các tiêu chí đạt nông thôn mới thì tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao được đời sống nhân dân.

 “Trước đây người dân chủ yếu cấy lúa nên không quan tâm lắm vấn đề vốn. Thế nhưng sau khi chuyển đổi thành các vùng sản xuất Vườn - Ao - Chuồng (VAC), vùng chăn nuôi tập trung và các vùng chuyên canh trồng hoa thì phải cần vốn. Khi đó, người dân đều phải nhờ ngân hàng nông nghiệp mới đảm bảo nguồn vốn để sản xuất.

Kết quả là năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của xã chúng tôi mới chỉ là 9 triệu/người thì đến 2017 thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 40 triệu đồng”, ông Nguyễn Huy Hoàn cho biết.

{keywords}
 

Ông Nguyễn Huy Hoàn chia sẻ: “Chúng tôi đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh lớn, như vùng hoa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Chúng tôi được ngân hàng nông nghiệp hỗ trợ, tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động trên địa phương chúng tôi. Ví dụ như anh Bùi Tuấn Hải trồng hoa ly, giải quyết được lao động trong thời gian nông nhàn như 3 tháng Tết. 1 gia đình anh Hải đã giải quyết được 30-40 lao động cho người dân địa phương.

“Trên địa bàn huyện chúng tôi có rất nhiều ngân hàng thương mại. Nhưng người dân vẫn tin tưởng vào ngân hàng nông nghiệp của huyện nên khi cần vay vốn thường tìm đến Agribank Đan Phượng. Thêm nữa, các nguồn tiền nhàn rỗi cũng gửi ngân hàng nông nghiệp. Điều đó thể hiện lòng tin của người dân vào ngân hàng nông nghiệp trên địa bàn”, ông Nguyễn Huy Hoàn đánh giá.

Lãnh đạo Agribank Đan Phượng cho hay: Agribank Đan Phượng có 42 cán bộ và 3 điểm giao dịch. Phạm vi chi nhánh này rất nhỏ, chỉ 15 xã và 1 thị trấn. Đến 31/12/2017 tổng nguồn vốn huy động của Agribank Đan Phượng là hơn 3.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ là 751 tỷ đồng. Bình quân 1 cán bộ có số dư nợ rất cao là 17,4 tỷ đồng/cán bộ.

Agribank Đan Phượng nhiều năm qua duy trì được ổn định kinh doanh và chất lượng tín dụng. Nợ xấu chỉ là hơn 2,7 tỷ đồng, chiếm 0,37% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu nội ngoại bảng chỉ hơn 1%. Nhiều năm qua Đan Phượng luôn là đơn vị đứng đầu trong chi nhánh Hà Tây về kết quả làm ra tài chính.

Lãnh đạo Agribank Đan Phượng khẳng định: Quá trình 30 năm qua, Agribank Đan Phượng chủ yếu cho vay nông nghiệp, nông thôn. Đan Phượng là huyện nông thôn mới đầu tiên của Thành phố Hà Nội và trong đó Agribank Đan Phượng cũng đóng góp một phần quan trọng trong chương trình nông thôn mới của huyện nhà.

H.N