- Chiếc bánh trung thu bị bỏ quên suốt 1 thập kỷ khi được phát hiện vẫn còn nguyên vẹn, màu sắc đẹp mắt, thậm chí lúc cắt ra bánh còn có mùi thơm.
Dư luận Trung Quốc đang xôn xao với thông tin phát hiện hộp bánh trung thu sản xuất từ năm 2005 vẫn còn "như mới". Theo Sina, hộp bánh mà ông Fang, ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, tìm thấy gồm 6 chiếc, đặt trong lớp vỏ màu vàng và đỏ đẹp, sang trọng.
Nhìn bên ngoài, hộp bánh không có gì khác lạ, nhưng gia chủ vô cùng sửng sốt khi phát hiện ngày sản xuất được đề trong hộp là "3/9/2005". Trong khi hạn sử dụng của bánh là 30 ngày.
Hộp bánh sang trọng. Ảnh: Sina |
Cắt thử một lát ra ăn, ông Fang cũng không thấy vị của bánh có gì lạ. Ngạc nhiên hơn, chiếc bánh vẫn có mùi thơm. Thông tin này đã gây lo lắng cho nhiều người yêu mến món quà này nhất là khi ngày trung thu đang cận kề.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết trường hợp này có thể do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là bánh được "tẩm" quá nhiều chất bảo quản. Do dùng chất bảo quản, bánh mới có khả năng "tồn tại" suốt 10 năm qua.
Những chiếc bánh nguyên vẹn, đẹp mắt. Ảnh: Sina |
Ngoài ra có một nguyên nhân nữa có thể đây là chiếc bánh trung thu phục vụ mục đích nghiên cứu chứ không phải bánh trung thu thị trường (dùng để mua bán). Nghĩa là các nhà khoa học nghiên cứu một phương pháp nào đó nhằm giữ bánh được lâu nhất có thể ví dụ như dùng chất ức chế vi sinh vật, bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tốt...làm bánh không bị hư hỏng.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay, các loại bánh trung thu trên thị trường ở Việt Nam lẫn Trung Quốc đều dùng chất bảo quản. Bởi bánh được sản xuất từ rằm tháng 7 và có thời hạn sử dụng sau rằm tháng 8, phải dùng chất bảo quản mới có thể giữ được bánh thơm, ngon không bị hỏng trong thời gian lâu như vậy. Mặc dù có thể bao bì được tiệt trùng, bánh được đóng gói sạch sẽ trong môi trường chân không...vẫn không thể hạn chế được sự tấn công của vi sinh vật làm hỏng, thiu bánh.
Nhà sản xuất có thể sử dụng một số chất bảo quản nằm trong danh mục phụ gia được cho phép để kéo dài "tuổi thọ" của bánh như Natri sorbat, Kali sorbat, Natri benzoat, Kali benzoat... Tuy nhiên, liều lượng phải tuân thủ đúng quy định.
Ngoài ra, hiện nay, có thông tin một số người hám lợi, lúc làm bánh đã dùng kháng sinh để bảo quản bánh bởi kháng sinh bảo quản thực phẩm rất tốt. Nhưng nếu cho nhiều chiếc bánh sẽ có mùi khiến người tiêu dùng có thể phát hiện.
Ông Thịnh nói: "Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp nào ở Việt Nam dùng kháng sinh để bảo quản bánh trung thu".
Về tác hại của việc lạm dụng chất bảo quản, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: "Nhà sản xuất tuân thủ đúng danh mục cho phép, liều lượng...được quy định để sản xuất thì chiếc bánh trung thu sẽ không gây vấn đề gì.
Ngược lại, nếu cho quá nhiều thì sẽ gây tác hại đến sức khỏe bởi "cái gì quá đều không tốt" đặc biệt đây lại là các chất dùng để bảo quản thực phẩm".
Ngọc Trang