"Mẹ thấy tướng con bé này thuộc tướng người đa dâm đa loạn, không được đâu con ạ" - Toàn vừa nghe đã thấy thất kinh...
Trâm và Toàn gặp nhau ở Sài Gòn. Cùng là dân tỉnh lẻ nhưng hai người lại ở hai đầu đất nước. Trâm là con gái miệt thứ, Cà Mau còn Toàn ở tận Tuyên Quang, xứ sở của con gái đẹp.
Lần đầu tiên cả hai cùng lơ ngơ giữa sân trường đại học trong ngày khai giảng, Toàn đã bị hớp hồn bởi cái vẻ mộc mạc và giọng nói rặt miền Tây nhẹ nhàng, chân phương, mặc dù kể về nhan sắc thì Trâm không thuộc hàng người đẹp.
Hết năm nhất thì tình bạn giữa hai người họ đã chuyển dần sang tình yêu. Cùng có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, họ phải vừa học vừa làm để kiếm tiền trang trải chi phí học tập, ăn ở, đỡ đần cha mẹ. Làm cùng làm, học cùng học, lúc nào đôi bạn cũng quấn quýt bên nhau, giúp đỡ nhau trong công việc, trong học tập, chia sẻ với nhau những lúc vui buồn, mà nỗi buồn lớn nhất với Trâm và Toàn có lẽ là nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Ảnh minh họa. |
Những lúc nghe Trâm say sưa kể về vùng quê miệt thứ sông nước, xuồng ghe của Trâm, Toàn thấy như có một phần tình yêu của mình ở đấy, anh nhủ lòng nhất định sẽ về thăm. Còn khi nghe Toàn kể chuyện về Chiêm Hóa quê anh, Trâm cứ ngẩn ngơ với những cảnh đẹp núi non trùng điệp, với hình ảnh lũ trẻ cùng đàn trâu lững thững dắt nhau về ven sườn núi, những nếp nhà tranh nhòa trong khói bếp chiều, với điệu hát Then mà khi nghe Trâm cố mãi vẫn không hiểu gì nhưng vẫn thích cái giai điệu du dương réo rắt của nó, không giống như mỗi lần nghe Trâm ca vọng cổ, Toàn cứ trêu “phê y như thuốc ngủ ấy”.
Sau bốn năm đại học, ngoài tấm bằng cử nhân, hành trang họ mang theo vào đời còn có thêm mối tình nồng thắm mà họ dành cho nhau. Anh chị bàn nhau cố gắng dành dụm để chuẩn bị cho một ngày cưới thật tươm tất và một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc sau này. May mắn, họ đều có công việc ổn định trong một ngân hàng lớn. Tằn tiện, tích lũy mãi ba năm sau, anh chị nhận thấy đã đủ điều kiện để quyết định đi đến hôn nhân.
Trong những năm yêu nhau, đã nhiều lần Toàn theo Trâm về quê thăm gia đình chị. Trong con mắt họ hàng nhà Trâm, Toàn là chồng sắp cưới của chị. Nhưng Trâm thì chưa lần nào về Tuyên Quang nên chị và gia đình Toàn biết nhau chủ yếu là qua điện thoại.
Vì khoảng cách địa lý quá xa nên gia đình Toàn cũng thông cảm về chuyện Trâm chưa về ra mắt nhà chồng sắp cưới nhưng mọi người ai cũng háo hức muốn biết mặt cô dâu, nhất là mẹ Toàn. Hơn nữa, cũng không thể sắp đón con gái người ta về làm dâu mà không gặp gỡ nói chuyện “phải trái” với người ta một tiếng. Vì thế, Toàn lấy Sài Gòn làm điểm hẹn để mẹ anh vào xem mặt cô dâu và rước ba má Trâm lên cho đôi bên gặp gỡ.
Có lẽ đấy là cái ngày mà Trâm hồi hộp nhất, hồi hộp hơn cả lúc ngồi trong phòng thi im phăng phắc, hay lúc đi phỏng vấn xin việc trước ông giám đốc cái mặt khó đăm đăm. Để cho mẹ Toàn có thời gian nghỉ ngơi sau một quãng đường xa và cũng để mấy mẹ con trao đổi với nhau trước, hôm sau ba má Trâm mới từ Cà Mau lên.
Toàn rước mẹ từ ga về. Vừa bước vào nhà, thấy Trâm cúi chào, bà xởi lởi “Trâm đấy à?”. Trâm “Dạ” và ngẩng lên. Bất giác bà chau mày một cách bản năng nhưng rồi kịp lấy lại vẻ tự nhiên. Suốt ngày hôm đó, bà tỏ ra đăm chiêu và rất kiệm lời làm Toàn hết sức ngạc nhiên vì mẹ anh vốn hay nói, hay cười.
Thái độ đó của bà cũng khiến Trâm rất lo sợ. Toàn an ủi Trâm “hay mẹ đi đường xa mệt quá”. Tối đó, bà ra hiệu muốn nói chuyện riệng với Toàn. Toàn hiểu ý nói với Trâm “để anh chở mẹ đi một vòng Sài Gòn cho biết, em ở nhà chuẩn bị các thứ cho ngày mai”. Hai mẹ con vào một quán cà phê. Không chờ đợi lâu, mẹ Toàn vào đề ngay:
- Mẹ thấy tướng con bé này thuộc tướng người đa dâm đa loạn, không được đâu con ạ.
Toàn vừa nghe đã thấy thất kinh, không phải vì cái tướng số đa dâm gì đó của Trâm mà mẹ vừa nói, mà anh hốt hoảng chính vì lời phán “không được đâu” của bà. Cố lấy hết bình tĩnh anh nhẹ giọng:
- Chúng con yêu nhau bảy tám năm rồi, cô ấy là người tốt mẹ ạ. Chúng con đã quyết định cưới nhau, đã chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi. Con không thay đổi được đâu mẹ ạ!
- Anh biết một mà không biết mười. Tôi sống từng tuổi này, tôi thấy nhiều hơn anh. Con bé mũi nhỏ, mặt bạnh, lông tay lông chân rậm rịt, hai cái chân mày như hai con sâu róm vắt ngang trán, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt, đi cứ ngoáy mông xoành xoạch, đích thị là người dâm loàn. Anh lấy nó về nó hành xác anh không đến thân tàn ma dại thì thôi. Có khi không đáp ứng được cho nó, nó lại đi tìm giai ấy chứ. Khổ thân con tôi…
Đến lúc này thì Toàn cố nhịn cười:
- Mẹ ơi, dân gian người ta nói thế thôi chứ có gì chắc là đúng đâu mẹ.
- Còn không đúng à! Thế mày thấy con dâu mợ cả mày chưa, cũng mày ngài, mắt phượng, đi lắc hông ấy… rồi cháu bác Mơ kia, người ngợm cứ toàn lông lá lại có cái nốt ruồi nằm ngay dưới con mắt. Một đứa bỏ chồng theo giai, một đứa thay bồ như thay áo… Mẹ thấy không ổn đâu.
Đến nước này thì Toàn đành thú thật với mẹ:
- Con nói cái này, mẹ đừng mắng con. Chúng con đã "quan hệ" nhau rồi, con thấy cô ấy cũng bình thường, không như mẹ nói đâu.
- À, anh giỏi thật, nhưng tôi đã quyết, còn anh muốn làm gì thì tùy…
Nói xong bà te tái bước ra đường.
Bây giờ thì Toàn biết câu chuyện đã không còn là câu chuyện cửa miệng nữa rồi, nó thật sự đẩy anh vào một tình thế không dễ gì giải quyết cho thấu tình đạt lý. Lòng dạ anh đang như mớ bòng bong rối rắm không biết gỡ từ đâu.
Chia sẻ của người trong cuộc - Tôi cao 1,70m, chỉ vì cái chiều cao này mà ngày về ra mắt gia đình chồng không được như mong đợi. Chẳng là tôi cao hơn chồng tôi khoảng 2cm, nên khi hai người đi với nhau tôi luôn bị săm soi, dòm ngó. Mẹ chồng tôi nổi tiếng là người “mê tín dị đoan”, nào là so đo tuổi tác, xem mặt, xem tướng. Tôi cũng cảm nhận được vẻ không hài lòng của mẹ anh qua ngày đầu tiên gặp mặt, càng lúc tình hình có vẻ nặng nề hơn. Tuy nhiên, vì chồng tôi là con một, lại khá cương quyết nên gia đình anh cũng đồng ý cưới tôi. Khi về làm dâu, chồng tôi mới “bật mí” cho tôi biết lý do mẹ chồng không hài lòng về tôi. Đó là chân dài. Theo quan niệm của mẹ chồng tôi, gái chân dài thuộc hàng mạnh “chuyện ấy”, bà sợ con trai mình sẽ bị hao mòn vì phục vụ vợ. Bây giờ có với nhau đã hai mặt con, cái khoản ấy của chồng thì tôi không sao bì được, nên tôi nghĩ quan niệm chỉ là quan niệm, còn sự thật lại là chuyện khác. (Trâm Anh – Phú Yên) - Tôi hai lần kết hôn nhưng chồng trước qua đời, giờ sống với người đàn ông thứ hai nhưng lại mỗi người sống mỗi nơi, tự mình tôi phải nuôi hai con nhỏ. Gia đình chồng gán cho tôi tội “sát chồng”, còn bà con, hàng xóm láng giềng cũng xầm xì về tướng số của tôi. Chẳng là tôi có lưỡng quyền hay còn gọi là gò má cao. Người ta nói lưỡng quyền cao không chỉ “sát chồng” mà còn lắm mưu mô thủ đoạn để đạt được mục đích. Với tư tưởng đó, cộng thêm cảnh tôi bị chồng chết, chồng bỏ nên người đời cứ vin vào như một minh chứng sống động cho quan niệm của họ. Thôi kệ, ai nghĩ sao nghĩ, tôi sống cho tôi và hai con tôi thôi. Nhưng tôi nghĩ có lẽ nhờ lưỡng quyền cao nên tôi đủ ý chí để vượt qua định kiến của người đời. (Lệ Thanh - TP.HCM) - Tôi bị mẹ người yêu cũ chê vì đôi mắt lá răm. Bà cho rằng mắt lá răm đa tình, lẳng lơ. Theo cách đánh giá của bản thân thì tôi có đôi mắt đẹp, đuôi mắt tôi cong vút, chính vì vậy nên có nhiều chàng trai để ý. Tuy nhiên, việc mẹ anh ấy nhận xét tôi đa tình là không đúng, người ta để ý tôi là việc người ta, còn tôi yêu ai là việc của tôi. Đa tình và lẳng lơ thuộc về bản chất, không thuộc vào vẻ bề ngoài. Nhiều khi tôi tự hỏi, có rất nhiều người đa tình, lẳng lơ nhưng họ hoàn toàn không có những biểu hiện đặc trưng bên ngoài nào; ngược lại cũng có nhiều người mắt lá răm như tôi nhưng gia đình họ vẫn hạnh phúc… Quan niệm nhìn ngoại hình để đánh giá cả nhân cách của phụ nữ là không công bằng. Tôi nghĩ những người mẹ nên có cái nhìn bao dung hơn với người bạn gái của con trai họ. Nếu quan niệm này cứ đeo đẳng thì tôi chắc rằng sẽ có nhiều người con gái như tôi phải chịu bất hạnh trong tình yêu. Mỗi người sinh ra đã có sẵn một hình hài, không vì những quan niệm về bề ngoài mà gán ghép cho cả tâm tính mỗi người. Điều quan trọng là yêu những gì mình có, sống thật với tình yêu của mình. Những cặp đôi đang yêu nhau nhưng vấp phải cản trở từ gia đình về ngoại hình cũng đừng vội ra quyết định chống đối gia đình hay nói lời chia tay, các bạn nên dành thời gian để chứng minh tình yêu của mình. (Thục Quyên- Kiên Giang) |