Dù tật nguyền nhưng sáng nào chàng thanh niên ấy cũng đi lại quanh khu đô thị Nam Cường (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) để tìm khách đánh giầy.

Khi chúng tôi đến, đồng hồ đã chỉ 11h trưa, nắng đã lên cao và gay gắt. Cứ nghĩ giờ này sẽ khó mà gặp em - chàng trai tật nguyền từng làm dậy sóng cư dân mạng. Thế nhưng anh Nguyên, xe ôm ở khu đô thị này bảo, em vừa đi qua đây để vào quán cafe tìm khách, nếu không có khách, em sẽ trở lại.

Quả thực, đúng như lời anh Nguyên nói, chỉ 2 phút sau chàng trai đánh giầy xuất hiện. Em bảo, em cứ phải đi lang thang để tìm khách chứ ngồi một chỗ thì khó mà có khách cho em.

{keywords}
Hình ảnh thường gặp của Tấn ở khu đô thị Nam Cường, đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội

Bằng cái giọng nói vô cùng khó nghe bởi việc phát âm gặp khó khăn, em giới thiệu em tên Tấn (SN 1993) đôi tay em bị khèo, miệng méo và một bên chân đã teo. Hiện tại, em đang sống một mình trong căn nhà trọ ở gần cầu vượt Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.

“Vì thương em tật nguyền nên chủ nhà chỉ lấy của em 200 nghìn/tháng. Tuy nhiên, em phải lo mọi thứ, lại muốn tiết kiệm tiền để lo cho tương lai sau này nên em phải lao động. Mỗi sáng, em đều đi xe buýt từ nhà trọ đến khu đô thị Nam Cường để đánh giầy. Mỗi đôi giầy em chỉ lấy 10 nghìn” – Tấn nói.

{keywords}
Để đến được khu đô thị, mỗi ngày Tấn đều di chuyển bằng vé xe buýt miễn phí

Theo lời Tấn kể, ngày cao điểm nhất em đánh được hơn chục đôi, nhưng cũng có ngày Tấn chỉ đánh được 1 đôi, thậm chí không có đôi nào.

“Những ngày không có khách như thế, em đều lựa chọn giải pháp nhịn ăn sáng, nhịn ăn trưa và chỉ bữa tối trở về phòng, em mới nấu cơm và mua một ít cà để ăn”.

Tấn bảo, Tấn không muốn xin ai vì ai cũng vậy, ai cũng phải lao động vất vả mới kiếm được đồng tiền. Do đó, trong suy nghĩ của mình, em không bao giờ muốn mình là gánh nặng hay một kẻ vô dụng.

Tấn kể: “Ngày trước, em không biết gì, em cứ đi bằng hai tay và sống phụ thuộc gia đình, đến khi biết đi, em bắt đầu đi nhặt rác, nhặt sắt vụn và những chai lọ nhựa mà người ta vứt đi để mang bán kiếm tiền.

Nhưng làm công việc ấy một thời gian thì em không làm nữa, vì làm công việc đó vừa phải di chuyển nhiều vừa mang vác nặng, đôi tay em cầm nắm mọi thứ đều khó khăn nên khá vất vả. Sau cùng, em nghĩ ra công việc đánh giầy”. Nghĩ là làm, Tấn cầm những đồng tiền tiết kiệm được đi mua đồ nghề rồi tự học nghề.

“Bây giờ, em đã đánh thành thạo và kiếm sống bằng nghề đánh giầy ở khu đô thị này được 6, 7 tháng” – Tấn nói.

Theo lời Tấn, khách của Tấn phần lớn là khách quen. Vì Tấn đi lại khó khăn, phát âm cũng khó khăn nên không giỏi mời chào khách như những người đánh giầy khác trong khu vực này.

{keywords}
Với mỗi đôi giầy, Tấn luôn nâng niu và tỉ mỉ

Đang trò chuyện thì có khách đến đánh giầy, em lại cười tươi và hớn hở. Đôi bàn tay bị khoèo ôm trọn chiếc giầy, nâng niu và tỉ mỉ.

Vừa đánh, em vừa kể về ước mơ của mình. Em bảo, em chỉ thích đi học. Ngày trước, em cũng đã xin đi một vài trung tâm dành cho người tàn tật nhưng vì phát âm của em kém, em nói không ai hiểu, lại thêm vấn đề kinh tế nên em đành bỏ.

“Từ ngày đi đánh giầy ở đây, có vài người tốt đã dạy em viết chữ, đánh vần. Nhưng rồi họ cũng bận nên không có thời gian cho em vì thế em mới chỉ biết viết tên em và một ít chữ khác.

Em chỉ ước được đi học được biết con chữ, xa hơn là được học máy tính, được làm ở một công ty nào đó” – Tấn say sưa nói.

Tuy nhiên, khi hỏi về gia đình thì Tấn im lặng. Em cúi mặt xuống và mân mê đôi dép lê. 1 lúc sau, em mới ngẩng mặt lên và trở lời bằng cái giọng lí nhí.

Tấn bảo, mẹ em làm nghề phụ hồ. Em có 1 người anh trai và một người em gái. Gia đình em cũng ở Đông Anh nhưng vì không muốn là gánh nặng cho gia đình nên em thuê phòng ở một mình, tự kiếm ăn và tự lo cho cuộc sống của mình.

Nói xong, Tấn xua tay, ra hiệu không nói về gia đình nữa. Em chỉ dặn đi dặn lại việc xin cho em được đi học cái chữ. “Em thích học chữ lắm” – Tấn nói. Sau đó, có khách bên quán cafe gọi, Tấn lại xin phép rồi bước đi.

{keywords}
Tấn luôn đi lại trong khu đô thị để tìm khách. Hoặc chỉ cần khách gọi là em lại vội vàng bước đi

Anh Nguyên, xe ôm ở khu đô thị này, cho biết thêm. dù rất thân thiết nhưng cũng ít khi Tấn nói về gia đình. Tuy nhiên ở đây ai cũng quý Tấn bởi ý chí phấn đấu vươn lên. Tấn luôn lao động để kiếm tiền chứ không bao giờ xin ai.

“Khách đánh giầy xong, nếu đưa quá tờ 10 nghìn, Tấn sẽ trả lại, chỉ trừ trường hợp khách cho thì Tấn mới dám nhận.

Không những thế, Tấn còn là một cậu bé thông minh, ham học hỏi. Ai bảo dạy Tấn học là Tấn thích lắm. Nhưng phần lớn mọi người cũng không có thời gian nên cũng chỉ dạy cho Tấn được chút ít”, anh Nguyên nói thêm.

Minh Anh