Chị ngồi lặng lẽ một mình trong phòng suy nghĩ về những việc mình đã làm. Có phải vì anh quá vị tha, có phải vì chị được chồng nuông chiều quá mà đã tỏ ra coi thường chồng từ lúc nào chẳng biết?

Anh và chị cưới nhau dễ đến hai mươi năm. Ngày trước, anh lái tàu viễn dương, còn chị làm giáo viên tiểu học. So với mặt bằng chung thì lương của hai vợ chồng chị được xếp vào “top 10” của khu phố. Ngoài việc lo cho hai đứa con đang tuổi học hành, anh chị còn dành dụm tiền mua được một căn hộ chung cư ngoài Hà Nội làm “của để dành” cho con cái khi ra thủ đô học đại học.

Không nói ra nhưng ai cũng biết, để sắm được cơ ngơi như thế, nguồn tài chính chủ yếu dựa vào thu nhập của anh, còn chị, tiền lương chỉ đủ trả tiền điện, nước hàng tháng.

Hơn ba năm trở lại đây, sau một cơn tai biến, anh bị liệt nửa người. Thuốc thang chạy đủ khắp nơi, chừng nửa năm sau thì anh có thể vận động được tay chân, tuy nhiên sức khỏe của anh mất đi khá nhiều. Anh không trở về với nghề lái tàu của mình được nữa, từ đó, anh ở nhà giúp chị lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.

Khi chị đi làm về đã có bữa cơm nóng hổi đợi sẵn do tay anh nấu. Thậm chí, từng đôi tất hay chiếc quần lót của chị thay ra, anh cũng chẳng nề hà chuyện giặt giũ. Mới đầu chị còn tỏ ra ái ngại, khuyên anh nên nghỉ ngơi. Sợ anh ngồi buồn rồi nghĩ ngợi tiêu cực, chị sửa lại gian phòng tầng một mở cửa hàng tạp hóa để anh có việc làm nhẹ nhàng. Có khách đến mua hàng, hỏi dăm ba câu cũng giúp tinh thần anh thêm thoải mái. Trong thâm tâm, anh thầm cám ơn người vợ hiền đã quan tâm và hiểu được tâm lý của chồng.

{keywords}

Ảnh minh họa từ Internet.

Nhưng rồi, việc “hiểu tâm lý của chồng” mà chị dành cho anh chỉ được một thời gian. Sau đó, ỷ lại vào việc đã có chồng ở nhà, chị ít khi đụng tay vào những việc tề gia nội trợ- công việc đáng lẽ chỉ dành cho phụ nữ. Thời gian dạy ở trường dù không đến nỗi bận rộn nhưng đến lúc trời nhá nhem tối, chị mới về đến nhà.

Gần đây, chị còn rủ mấy đồng nghiệp ở trường thành lập câu lạc bộ nhảy khiêu vũ. Lấy lý do tập thể dục để giữ gìn sức khỏe, chị đi tối ngày. Tất tần tật mọi việc ở nhà, từ nấu nướng, giặt giũ, lau chùi nhà cửa, chị đều “dành” phần cho anh. Chiều vợ, thương con, anh cặm cụi như một người giúp việc làm công ăn lương. Rồi chẳng rõ do vô tình hay cố ý mà chị lại giới thiệu với các đồng nghiệp của mình rằng anh là Ôsin của chị.

Chẳng là hôm đó, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, chị rủ mấy cô bạn đến nhà liên hoan. Trong lúc anh đang lúi húi ngoài vườn hái vài cọng rau thơm thì nghe tiếng cười phá lên. Lắng tai, anh nghe rõ tiếng vợ mình: “Từ ngày có Ôsin, tao nhàn hẳn. Có đứa nào thuê thì đăng ký nhé”. Sau lời chào mời của chị, tiếng cười nói lại rộ lên lẫn với nhiều lời bình hài hước.

Đợi vợ và bạn bè tan cuộc vui, anh nhẹ nhàng góp ý với chị, chị không lấy làm quan trọng: “Ôi dào, bọn em đùa cho vui ấy mà. Mà anh đúng là Ôsin của em còn gì nữa”. Anh thấy hơi giận chị, nhưng lại cho rằng tính chị vốn vô tư, nói vậy nhưng không nghĩ vậy nên cũng không để bụng.

Lần khác, chị đi làm về, thấy anh chưa nấu cơm liền kêu toáng lên: “Anh làm gì ở nhà mà tới giờ vẫn chưa có cơm ăn?”. Anh lật đật từ ngoài chạy vào, thanh minh: “Chết chửa, đã 6 giờ rồi cơ à. Có anh bạn đến chơi, hai anh em lâu ngày không gặp nên mải nói chuyện quên cả giờ nấu cơm. Anh định…”. Chẳng cần đợi anh nói hết câu, cũng không cần giữ ý tứ trước mặt khách, chị “đốp” luôn: “Chuyện gì thì chuyện cũng phải có giờ giấc chứ. Có mỗi việc nấu cơm mà cũng không xong”.

Anh tím tái mặt mày, trân trối nhìn chị không nói được câu nào. Còn chị, chắc cũng biết mình lỡ lời nhưng với tính hiếu thắng, chị không mở lời xin lỗi mà quây quẩy xách túi lên tầng hai.

Sáng hôm sau chị dậy sớm thì không thấy anh bên cạnh như mọi khi. Chạy lên chạy xuống khắp ba lượt cầu thang cũng chỉ nghe tiếng mình vọng lại. Lúc đi làm, chị thấy một mảnh giấy anh viết vội nhưng được gấp cẩn thận để trong cốp xe máy của chị. Anh nói rằng lâu rồi không về quê, nhân dịp Tết sắp đến, anh về chơi mấy hôm để thăm anh em, họ hàng. Chị và các con giữ gìn sức khỏe. Anh biết thời điểm nào nên về, chị không phải gọi điện hỏi thăm.

Chị cũng thi gan với anh. Một tuần rồi mười ngày trôi qua, chị không một lần gọi điện cho anh. Sang tuần thứ hai thì chị nóng ruột thực sự, gọi điện nhưng máy của anh không liên lạc được. Hai đứa con đã bắt đầu nhớ bố, chúng đòi Chủ nhật tuần này sẽ bắt xe về quê thăm ông bà và mời bố về luôn. Chị gật đầu giữ lời hứa với con.

Trong thâm tâm chị lúc này đang ngổn ngang bao tâm sự. Không biết sẽ nói với anh những gì khi gặp mặt? Chị ngồi một mình trong phòng với suy nghĩ miên man: có phải vì anh quá dễ dãi, có phải vì chị được chồng nuông chiều quá mà đã vô tình coi thường chồng từ lúc nào chẳng biết?

(Theo Pháp luật Việt Nam)