Chàng trai người Thụy Sỹ bán hết đồ đạc, xe cộ ở quê nhà để thực hiện chuyến chu du vòng quanh thế giới hiện đang có mặt ở Hà Nội.

David Kretz, sinh năm 1986, người Thụy Sỹ, đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành kiến trúc tại ETH Zurich (Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ). Anh có thể sử dụng 5 ngôn ngữ thành thạo, gồm Đức, Anh, Pháp, tiếng Slovak và tiếng Hungary.

Chàng trai 30 tuổi đặt mục tiêu chinh phục thế giới bằng xe máy trong 2-3 năm. Bắt đầu xuất phát từ Zurich, Thụy Sỹ ngày 27/5/2015, David đã có 15 tháng rong ruổi trên đường, đi qua 21 quốc gia, 35.100km. Hiện anh dừng chân ở Hà Nội.

Mê mẩn con người Việt Nam

David đặt chân đến địa phận Việt Nam từ giữa tháng 6, thăm thú từ Kiên Giang đến TP. HCM, đi dọc miền Trung lên phía Bắc. Chàng trai người Thụy Sỹ dành gần 3 tháng ở Việt Nam, thăm thú nhiều địa danh nơi đây. Anh chia sẻ rằng, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời và đáng sống. Đặc biệt là con người Việt Nam cực kỳ thân thiện và mến khách.

“Tôi thích nhất là Đà Lạt vì khí hậu ở đó rất mát mẻ. Tôi sợ trời nóng khiến mồ hôi đầm đìa cả ngày”, David chia sẻ.

{keywords}


{keywords}

Hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình qua ống kính của David.

Không chỉ khám phá, thăm thú, đến mỗi địa điểm, David còn làm video, chụp ảnh đưa lên facebook, website cá nhân để quảng bá cho các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam. Đó cũng là cách David tìm nhà tài trợ cho chuyến đi của mình.

“Tôi xây dựng một website chia sẻ về hành trình chinh phục thế giới của mình. May mắn đã mỉm cười khi một số nhà tài trợ tìm đến, cung cấp trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết cho tôi trên đường đi”, anh chia sẻ.

Anh có mặt ở Hà Nội từ đầu tháng 8. Đến đây, anh đã cạn tiền, cần phải tìm kinh phí để tiếp tục hành trình. May mắn, David được nhận vào làm tại một công ty chuyên về xe máy, với vị trí quản lý và phát triển các dự án liên quan đến motor. “Tôi sẽ có tiền để tiếp tục cuộc hành trình. Làm việc ở đây còn giúp tôi hiểu biết hơn về xe, được đi thử nhiều loại xe khác nhau”, anh hào hứng chia sẻ.

Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, David nói: “Tôi sẽ tiếp tục hành trình của mình. Điểm đến tiếp theo tôi muốn chinh phục là Alaska. Tôi cũng chưa biết làm cách nào để đến được đó nữa”.

{keywords}

{keywords}

Chàng trai người Thụy Sỹ cực kỳ ấn tượng với sự thân thiện của con người Việt Nam.


Bán gia sản để chu du khắp thế giới

Với quan niệm sống “Thiếu mạo hiểm, thiếu niềm vui”, từ khi còn nhỏ, David đã đam mê với các môn thể thao mạo hiểm. Năm 12 tuổi, anh học trượt tuyết, đến năm 17 tuổi tham gia môn xe đạp đổ đèo. Năm 2003, anh tham gia cuộc thi xe đạp đổ đèo đầu tiên, gặp tai nạn và được cứu sống, anh tiếp tục niềm đam mê với môn thể thao mạo hiểm này. Đến năm 2005, anh ghi được kỷ lục thế giới với độ cao 16m.

David chia sẻ rằng, anh muốn có một chiếc xe phân khối lớn từ lâu nhưng không đủ tiền để mua. Lần đầu tiên anh lái mô tô là năm 2012 khi anh đến Philippines cùng một số người bạn. Họ đã thuê xe máy để thăm thú đất nước này. Trở về Thụy Sỹ, một năm sau David quyết định bán ô tô đi để mua xe máy, đó là chiếc xe anh sở hữu đầu tiên.

{keywords}

“Tất cả những gì tôi có đang ở đây với tôi, ở Việt Nam này”, chàng trai bán tất cả gia sản để chu du khắp thế giới chia sẻ.

“Bán xe ô tô đi tôi cảm giác như mình trút được một gánh nặng vậy. Tôi thích ô tô nhưng luôn phải lo lắng vì nó, tôi không có bãi đỗ, trời mưa hay tuyết rơi xe tôi đều phải đỗ ngoài đường. Đổi sang xe máy, nỗi lo của tôi biết mất, tôi có thể đi bất cứ đâu mà không cần lo về tiền đổ xăng hay phí bảo dưỡng”, David kể.

Hai tháng hè năm 2014, David đã thực hiện chuyến phượt đường dài bằng mô tô đầu tiên trong 2 tháng, qua 17 quốc gia ở khu vực Đông Âu, 9000 km đường đi.

Sau chuyến đi này, David khát khao được đi xa hơn nữa. Vì vậy, anh lên kế hoạch phượt vòng quanh thế giới ngay khi hoàn thành khóa học thạc sĩ. Anh cần mua một chiếc xe mới bởi chiếc xe cũ đã cọc cạch. Rồi anh bán hết đồ đạc, tài sản của mình, trả phòng và bắt đầu hành trình.

“Cần gì phải thuê nhà trong khi mình chu du trên đường, thế là tôi trả phòng, vứt hết đồ đạc linh tinh, bán giường, gói gém một số đồ cần thiết mang đi gửi ở nhà bạn bè, bố mẹ. Tôi thậm chí còn không đăng ký thường trú ở Thụy Sỹ, thế nên không có thông tin cư trú hay bất kỳ loại thuế nào phải trả. Cuối cùng, tôi rời Thụy Sỹ ngày 27/5/2015”, David kể.

{keywords}

Với kỹ năng nhiều năm tham gia thể thao mạo hiểm, David không hề e sợ bất cứ chướng ngại vật nào trên đường.

Chia sẻ về lý do quyết định phượt đường dài một mình, anh cho biết, bạn bè của anh không ai có đủ thời gian để chu du dài ngày. Ai cũng có công việc riêng của mình nên anh quyết định đi một mình.

“Điều thú vị nhất trong chuyến đi này là tôi có thể dành cả ngày để thăm thú địa điểm nào đó mà tôi chưa từng mường tượng. Ngắm nhìn khung cảnh xung quanh thay đổi theo đường đi, vừa nghe nhạc vừa lái xe, cảm giác thật tuyệt vời”, anh chia sẻ.

David cho rằng, chặng đường dài độc hành chắc chắn đi kèm với nguy hiểm. Nhưng qua 21 đất nước anh vẫn sống, diều đó chứng tỏ nó cũng không quá nguy hiểm. “Chặng đường đi qua Ấn Độ khá là nguy hiểm. Tôi đã vượt qua nên tôi tự tin sẽ chinh phục mọi nẻo đường gian nan khác”, anh quả quyết.

{keywords}

“Tôi đi một mình để thực hiện giấc mơ khám phá thế giới bằng xe máy. Đi một mình cũng có cái hay của nó, tôi tự do về mọi mặt, tôi không phải hỏi ý kiến bất kỳ ai”, David chia sẻ.

Khi được hỏi về sự ủng hộ của cha mẹ về chuyến đi này, anh thành thật chia sẻ: “Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên khi lái xe một mình đi khắp thế giới mà không có một đồng nào cả, xét ở khía cạnh nào đó thì họ đúng. Những người tôi gặp trên đường đi đều rất ngạc nhiên vì những việc tôi đang làm. Và đương nhiên bố mẹ tôi cũng không hề muốn tôi thực hiện chuyến đi này, đặc biệt là mẹ, bà rất lo lắng cho sự an toàn của tôi, bà nhớ tôi rất nhiều. Thậm chí bà còn can tôi không nên đi. Còn cha tôi thì đồng cảm với niềm đam mê của tôi, nhưng ông vẫn rất lo lắng”.

David dự định dành 2-3 năm chu du khắp thế giới. Hiện anh vẫn chưa có dự định gì về công việc trong tương lai. “Trước mắt cứ hoàn thành chuyến đi này đã, rồi sẽ tiếp tục chinh phục các thử thách khác”, anh nói.

Kim Minh 

(Nguồn ảnh: twine.bike)