Du lịch nông nghiệp nông thôn đã trở thành một hướng đi phát triển bền vững cho nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, mô hình này đang có rất nhiều tên gọi nhưng vẫn cần có một chương trình tổng thể quốc gia để bộ mặt nông thôn thay đổi một cách bền vững.

Bài học từ các nước trên thế giới

Cách đây gần nửa thế kỉ, Italia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản từng phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng trầm trọng do hàng trăm ngàn nông dân chuyển sang nghề khác. Để giải quyết vấn đề trên, chính phủ các nước đã triển khai nhiều biện pháp trong đó một hướng đi rất hiệu quả làm tăng nhanh thu nhập cư dân nông nghiệp và đổi mới bộ mặt nông thôn là hướng sự quan tâm của cộng đồng vào phát triển du lịch nông nghiệp.

Ở Italia trong năm năm từ 1985 - 1990 doanh thu từ hoạt động du lịch nông nghiệp này tăng gấp hai lần. Trong 10 năm từ 1990 - 2000 đã tăng lên 50%. Doanh số năm 2004 là 880 triệu euro, trong đó khách trong nước là ¼, còn lại đến từ các quốc gia châu Âu khác. Các gia đình thành phố đi du lịch nông thôn hầu hết thường ở từ 3 6 ngày, mục đích số một là nghỉ ngơi, thứ hai là tham gia các sự kiện và tham quan những di sản văn hóa, thứ ba mới là ăn uống.

Tại Mỹ, mệt mỏi vì sự xô bồ của phố xá, người dân Mỹ ngày càng ưa chuộng những chuyến du lịch đồng quê. Một trang trại đã có đến hơn 1,4 triệu khách/năm, một trang trại khác mỗi năm thu 10 triệu USD lợi nhuận... Thế là nhiều nông dân đã biến trang trại và nhà cửa của mình thành nơi vui chơi giải trí hấp dẫn. Năm 2001 đã có khoảng 62 triệu lượt người đi nghỉ tại các trang trại. Và doanh thu hằng năm do du lịch đồng quê mang lại dao động từ 20 triệu USD ở Vermont đến 200 triệu USD ở New York.

Ở Hawaii, lợi nhuận từ du lịch đồng quê đã tăng 30% trong khoảng thời gian 2000 - 2003, lên tới 34 triệu USD...

Cách nào đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn ở VN?

Tại Việt Nam, du lịch nông thôn đã phát triển với các tên gọi khác nhau như du lịch trang trại, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái,…

Trong những năm qua, các địa phương đã bắt đầu tận dụng thế mạnh nông nghiệp kết hợp văn hóa của địa phương để tổ chức các lễ hội, chương trình du lịch nông nghiệp đặc sắc: Như Quảng Ninh có Hội hoa sở Bình Liêu, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP, Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch, Nghệ An tưng bừng mở hội hoa hướng dương…

{keywords}
Cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: Lê Thăng

Tuy nhiên, khái niệm du lịch nông thôn vẫn chưa được nhắc tới trong các văn bản pháp lí, vẫn chưa mở rộng trên phạm vi quốc gia và trở thành một động lực chính cho việc thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo ý kiến của thành viên Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong các năm tới, chương trình Nông thôn mới quốc gia nên đẩy mạnh phát triển loại hình dịch vụ này để tăng thu nhập cho người dân và đổi mới bộ mặt nông thôn bền vững.

{keywords}
Vụ mùa của trang trại TH true MILK đã trở thành lễ hội của cả một vùng. Ảnh: Lê Thăng

Còn theo TS Ngô Kiều Oanh: “Mô hình du lịch nông thôn rất nên được nghiên cứu tiến hành ở nước ta với việc xây dựng các chính sách vĩ mô và ban hành luật định cụ thể trong việc thực hiện như một sự hỗ trợ tích cực của các tầng lớp dân cư đô thị với sự phát triển bộ mặt nông thôn và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời kích thích phát triển kinh tế trang trại trên nền liên kết sản vật nông nghiệp của các nông hộ.

Cần có bản qui hoạch về các phân khu chức năng dựa trên việc nghiên cứu khoa học rất cơ bản và tổng thể về các nguồn lực, trong đó ưu tiên hàng đầu là tài nguyên sinh thái.

Trong việc qui hoạch tránh làm mất đi lớp phủ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp quí giá hàng triệu năm mới tạo ra được và trên đó mới có được những sản vật quí giá vô cùng cho sức khỏe cộng đồng dân cư và nguồn thu nhập ổn định cho các thị dân nông nghiệp làm ra các sản vật đó. Tránh việc lấy đất của các nông hộ ồ ạt để làm khu đô thị và vui chơi giải trí. Cần xây dựng luật riêng về vấn đề này để thông qua các hoạt động du lịch đồng quê, tạo ra tầng lớp thị dân làm nông nghiệp trong thủ đô mở rộng này”.

Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

D.Minh (tổng hợp)