Trở về Thổ Chu, trời đã xế chiều. Có gì tuyệt vời hơn là tiếp tục rong xe gắn máy theo con đường xuyên đảo rợp bóng cây, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, hít hà hương lan rừng thoang thoảng trong gió.

Cuối tháng 5/2016 được người bạn rủ rê làm một cuộc hành trình đi quần đảo Thổ Chu - Kiên Giang, tôi thật băn khoăn bởi thời tiết vịnh Thái Lan đang vào mùa gió Tây Nam cấp 5. Nhưng cứ nghĩ tới viễn cảnh được đắm mình trong cảnh thiên nhiên hoang dã vùng biển đảo xa nhất của Tổ quốc tôi đã thấy khó cưỡng, thôi đành tự trấn an: xin phó thác cho trời.

Đặt chân lên cực Tây nam tổ quốc

Chúng tôi rời bãi Vòng - Phú Quốc trên con tàu sắt 09 - vốn là tàu không số năm xưa đã được thay đổi công năng và trang thiết bị máy móc mới. Đoàn gồm 17, người được Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP. HCM, đơn vị đầu tiên tổ chức tour đưa du khách trong nước ra thăm Thổ Chu.

Sau bảy giờ đồng hồ hải trình trong cơn sóng cấp 4, tàu tiến vào bãi Ngự - hòn Thổ Chu (Xã đảo Thổ Châu - Phú Quốc), nơi xưa kia chúa Nguyễn Ánh từng bôn ba ra đây ẩn náu trong hành trình trốn chạy nhà Tây Sơn truy sát.

{keywords}

Một góc xã Thổ Châu. Ảnh Trần Thế Dũng

Từ trên boong tàu nhìn xuống cầu cảng, chúng tôi thật bất ngờ đến cảm động khi thấy người dân, lính đảo đứng chen chúc, háo hức đón người thân và đồng đội theo tàu ra đảo, mặc dù quanh bến vắng lặng không một bóng thuyền chài.

Thật ra, theo lịch trình, hôm đó tàu sẽ trả khách ở bãi Dong - một vịnh nhỏ nằm hướng Đông Bắc và cách xã khoảng 7 km, mà phần đông dân đảo hiện neo thuyền, buôn bán hải sản để tạm thời tránh gió Tây nam.

Nhưng thủy thủ đoàn có phần “chiếu cố” dân đảo vì neo đậu tàu ở cầu cảng bãi Ngự, khách không phải dùng đò trung chuyển như đậu ở bãi Dong.

Ngoài ra, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thời điềm gió mùa Đông Bắc tràn về cũng là lúc dân đảo “chạy bãi” quay về nhà , lúc ấy tàu mới chính thức cập bến bãi Ngự.

Ngây ngất vẻ đẹp hoang sơ

Hôm sau, chúng tôi kỳ vọng là một ngày đẹp trời để theo tàu ra thăm các đảo xung quanh, khám phá rừng nguyên sinh và đắm mình trên bãi biển trong xanh. Nhưng, từ sáng sớm, mây đen kịt vần vũ phủ kín bầu trời Thổ Chu. Rồi mưa như trút nước. Ngoài biển, những đợt sóng lớn liên tục vỗ dữ dội vào cầu cảng, văng tung tóe bọt nước lên cao.

Ai nấy đều tỏ vẻ thất vọng.

{keywords}

Dạo chơi rừng Thổ Chu. Ảnh Nguyễn Thị Mỹ Ngọc

Thế nhưng, sau đợt mưa dông kéo dài ngót nửa tiếng thì trời tạnh hẳn. Đằng đông le lói ánh nắng mặt trời. Trên mặt biển, sóng đang lặng dần và chuyển sang sắc xanh ngăn ngắt. Người hướng dẫn đoàn ví von: “Thời tiết Thổ Chu như cô gái đỏng đảnh, không biết đâu mà lần”.

Chúng tôi lên tàu 09, rời bãi Ngự trực chỉ Hòn Nhạn vốn là đảo khô bời toàn đá tảng lớn nhỏ chồng chất lên nhau và nằm vị xa nhất trong quân đảo về hướng Tây nam. Không phải ngẫu nhiên mà nó được chọn là điểm chuẩn A1 trên đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Vào tháng 5 âm lịch, mùa mưa tới, loài nhạn ở mọi nơi thường bay về tìm hốc đá kín gió để sinh sản.

Sau những đợt mưa liên tục trước hôm chúng tôi ra đảo, cánh rừng nguyên sinh toàn cây bàng Vuông và phong ba cổ thụ trên hòn Cao như khoác lên mình một màu xanh mượt mà, tinh khiết. Sức hấp dẫn từ cây rừng đầy hoang dã đã khiến chúng tôi thật khó quay lưng, để rồi mặc cho sóng biển va đập, mặc cho phiến đá trơn trượt, mặc cho con Hàu sắc nhọn cứa vào da thịt,... chúng tôi vẫn đổ bộ lên đảo.

Thật không uổng công, trong không gian mát lạnh, yên vắng, tranh tối tranh sáng dưới tán lá rừng xum xuê, chỉ có tiếng bầy sóc chuyền cành, chúng tôi đặt từng bước chân trên thảm lá mục ẩm ướt phủ đầy trái bàng Vuông rụng, thỉnh thoảng rừng lại mở ra những góc nhìn ra biển mênh mang sắc màu ngọc thủy bảo, khiến chúng tôi ngây ngất lạ thường.

Rời hòn Cao, chúng tôi lên ghe chài tiến tới bãi hòn Từ. Nắng đã lên cao, hắt ánh sáng chói chang lên bãi cát càng tôn lên vẻ trắng tinh, mịn màng dưới hàng dừa đong đưa theo gió như vũ điệu giữa trời. Nhìn ra biển, nước trong leo lẻo, đẹp tới mức khách chỉ biết trầm trồ rồi rủ nhau ùa xuống biển, chẳng thiết bữa ăn trưa đã được anh nuôi tàu 09 chuẩn bị từ sớm.

Hòn Từ còn sở hữu những ghềnh đá đá tuyệt tác bằng đá qua hàng triệu năm sóng gió miệt mài khắc tạc, bào mòn thành vô số đá dĩa xếp lớp và các hang hốc trông rất kỳ lạ.

Trở về Thổ Chu, trời đã xế chiều. Có gì tuyệt vời hơn là tiếp tục rong xe gắn máy theo con đường xuyên đảo rợp bóng cây, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, hít hà hương lan rừng thoang thoảng trong gió. Để rồi từ đây, lại vòng qua con đường ven biển ngắm nhìn hòn Xanh, hòn Từ ngoài khơi sóng vỗ trắng xóa và hoàng hôn đang xuống dần.

{keywords}

Náo nức chờ tàu cập bến. Ảnh Trần Thị Hạnh

{keywords}

Toàn cảnh xã Thổ Châu hướng ra biển. Ảnh Nguyễn Thị Mỹ Hiền

{keywords}

Khám phá hòn Nhạn. Ảnh Dương Thanh Minh

{keywords}

Ghe chài đưa khách lên hòn Cao. Ảnh Trần Thế Dũng

{keywords}

Khám phá hòn Cao. Ảnh Nguyễn Thúy Xuân

{keywords}

Nghỉ ngơi, thư giản trên hòn Cao. Ảnh Trần Thế Dũng

{keywords}

Bãi biển hòn Từ. Ảnh Trần Thế Dũng

{keywords}

Du khách dạo chơi rừng Thổ Chu. Ảnh Thái Thị Thương Thương

{keywords}

Người dân phơi khô cá cơm. Ảnh Trần Thế Dũng

{keywords}

Ra khơi. Ảnh Nguyễn Thị Mỹ Hiền

{keywords}

Rặng san hô Thổ Chu. Ảnh Trần Thế Dũng

Trần Lý Mẫn Huy