Mùa hoa hướng dương rực nắng, mùa hoa sở trắng tinh khôi và mùa hoa tam giác mạch thắm sắc hồng phơn phớt… đã thu hút cả triệu khách du lịch đi khám phá các vùng đất mới của Việt Nam vài năm trở lại đây.
Mùa hoa hướng dương ở Nghệ An
Những ngày cuối tháng 12/2016, đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua miền Tây Nghệ An chứng kiến sự tắc nghẽn chưa từng có khi hàng chục nghìn người đổ xô về dự hội hoa hướng dương.
Lần đầu tiên vụ mùa của một trang trại (TH true MILK - PV) trở thành lễ hội của cả một vùng. Trong một mùa du lịch biển tăm tối của miền Trung khi Nghệ An trong tháng du lịch cao điểm nhất sụt giảm tới 250 tỷ đồng doanh thu, sắc vàng hướng dương sáng rọi giữa mùa đông đem lại niềm hi vọng mới cho những người quản lý, mở ra hướng đi khác cho ngành du lịch Nghệ An: thu hút du lịch từ nông nghiệp sinh thái bền vững.
Chớp cơ hội hàng triệu du khách góp mặt trong lễ hội hướng, các địa phương vùng Phủ Quỳ đã giới thiệu sản vật quê hương mình, bước đầu tạo dựng, liên kết các vùng nhà vườn, trang trại, làng nghề... để có thể quảng bá các thương hiệu này đến du khách.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An đánh giá: Hiệu ứng lan tỏa từ hoa hướng dương đã thúc đẩy một số dịch vụ phát triển như: Dịch vụ ăn uống, giải khát, trông giữ xe, cho thuê thang chụp ảnh,… Bên cạnh đó, cảnh đẹp cánh đồng hoa hướng dương được các kênh truyền thông, nhất là trang mạng xã hội giới thiệu, đưa tin đã có tác dụng rất lớn đến việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nghệ An nói chung, miền Tây nói riêng cũng như trong nước và quốc tế.
Mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang
Tam giác mạch là đặc sản riêng của vùng đất cực Bắc tổ quốc. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt. Hàng năm, cứ khi se se lạnh, những đợt gió mùa đầu tiên bắt đầu thổi về, loài hoa nhỏ bé này lại đồng loạt nở ngập tràn trên các thửa ruộng nơi cao nguyên đá, tô điểm cho những phiến đá tai mèo một sắc hồng phơn phớt ấm áp.
Mùa hoa tam giác mạch đẹp mê mải những ngày tháng 9, tháng 10 ở Hà Giang đem đến cho tỉnh này một lượng du khách không hề nhỏ trong những năm qua.
Tận dụng thế mạnh du lịch đến từ vụ mùa nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã liên tiếp tổ chức lễ hội hoa vừa để thu hút khách du lịch vừa để quảng bá cho con người, vùng đất và đặc sản nơi đây.
Lễ hội hoa tam giác mạch đã trở thành một sự kiện lớn, tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc của tỉnh Hà Giang gắn với giá trị cảnh quan từ hoa tam giác mạch, tạo ra điểm nhấn trong giới thiệu, quảng bá và thu hút khách du lịch lên với Hà Giang. Với sản phẩm hoa tam giác mạch cùng sự đoàn kết toàn dân và hợp tác quốc tế du lịch Hà Giang đã có những bước khởi sắc, 9 tháng đầu năm 2016 khách đến Hà Giang đạt trên 600.000 lượt, doanh thu trên 500 tỷ đổng.
Mùa hoa Sở ở Bình Liêu
Trong ngày khai hội hoa Sở ở Bình Liêu đầu tháng 12/2016, hàng nghìn người đổ về tụ hội ngắm hoa.
Cây Sở là loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hạt quả sở có thể ép thành dầu chất lượng cao để chế biến thực phẩm với nhiều tác dụng hữu ích. Những bông hoa sở hoa trắng muốt, nõn nà nở bung thắm sắc núi rừng lại đem đến cho vùng đất Bình Liêu một sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách đến khám phá mảnh đất này.
|
Sự thành công của Lễ hội hoa Sở Bình Liêu trong liên tiếp 2 năm 2015-2016 mở ra một hướng đi mới tăng thu nhập bền vững cho người dân nơi đây: phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Lễ hội hoa Sở góp sức mang đến cho Bình Liêu 16.000 lượt khách du lịch năm 2015 và gần 54.000 lượt khách năm 2016, đóng góp hàng tỷ đồng doanh thu từ du khách vào ngân sách huyện.
Chính bởi vậy, UBND huyện Bình Liêu đã đưa việc tổ chức Lễ hội hoa Sở 2016 vào trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Từ ba vụ mùa hút cả triệu khách du lịch ở Việt Nam cho thấy rõ con đường tăng thu nhập cho nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn toàn diện bằng phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp sinh thái bền vững. Vấn đề là cần xác định thế mạnh nông nghiệp của từng địa phương và có những bước đi thích hợp để khai thác thế mạnh này.
D.Minh (Tổng hợp)