- Triển lãm "Bài ca bên bờ nước" ngoài tranh còn có thơ - nhạc - hoạ, một triển lãm lạ lùng chưa từng thấy ở Việt Nam.

"Bài ca bên bờ nước" - triển lãm của vợ chồng hoạ sĩ Thái Tĩnh, Hoàng Anh là triển lãm đầu tiên ở Việt Nam có sự kết hợp giữa thơ - nhạc - hoạ. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Thái Tĩnh.

Thưa hoạ sĩ, cái tên của triển lãm nghe rất lạ - "Bài ca bên bờ nước", lý do vì sao ông lại chọn cái tên này, thông điệp ông muốn gửi gắm qua triển lãm là gì?

"Bài ca bên bờ nước" gồm những bức tranh đẹp như là một bản tụng ca về màu sắc của cuộc sống, về thiên nhiên, về vẻ đẹp của tâm hồn con người. Những bài ca này cần khoảng lặng, sự tĩnh tại để có thể cảm nhận được. Vì thế nên tôi đặt tên triển lãm là "Bài ca bên bờ nước". Bên ngoài dòng chảy, bên ngoài sự xáo động, một góc thảnh thơi để đôi khi ta dừng lại và chiêm nghiệm thế giới bên trong của chính ta, như một tấm gương phản chiếu thế giới bên ngoài vậy.

Thông điệp mà tôi muốn nêu ra chính là sự hồn nhiên trong sáng tạo, khi việc vẽ cũng như chơi, như hơi thở, như gió thoảng nước trôi, không mục đích, không kỳ vọng, chỉ là điệu vũ của năng lượng, rộn ràng và tuôn chảy.

Ảnh: Một vài tác phẩm trưng bày ở triển lãm

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Ông thường vẽ vào khi nào? Ông có chủ đề gì để định hướng cho mình khi vẽ hay là cứ có cảm xúc đến là vẽ?

Tôi không biết gọi tên cho tác phẩm của tôi thuộc thể loại nào, tôi thường thích gì vẽ nấy, gặp gì vẽ nấy, không câu nệ hình thức hay nội dung. Riêng đối với tôi, hội họa là con đường tìm hiểu bản thân và đi đến sự bình an bên trong của tâm hồn, mỗi tác phẩm đều cho tôi hiểu thêm một chút về con người mình, qua đó tôi hiểu thêm về cuộc sống. Tôi thường vẽ trong những lúc thư thái, để mặc cho cảm xúc cuốn đi, đôi khi vẽ xong tôi chẳng biết mình vẽ gì nữa. Mỗi bức tranh của tôi là một dấu ấn ghi lại cảm xúc đó. Màu sắc đôi khi giống như cái kẹo vậy, nó dẫn chúng ta lạc vào các trạng thái của cảm xúc, đánh thức những điều trong vô thức của chúng ta và cho đến lúc chúng ta hiểu một điều gì đó về chúng thì bức tranh được hoàn thành. Với tôi quá trình sáng tạo là vậy.

Phong cách hội họa của tôi giống như cuộc sống của tôi vậy, tôi luôn hướng đến sự thảnh thơi, nhẹ nhàng giản dị, nên tranh tôi cũng mang hơi thở đó.

Ông có thể kể một câu chuyện nào đó thú vị trong khi ông sáng tạo được không? Và bức tranh nào với ông là tâm đắc nhất trong lần triễn lãm này?

Tôi thường hay vẽ tranh ngoài vườn. Nhà tôi có một anh làm vườn. Một hôm tôi đang vẽ thì anh đi ngang, anh dừng lại ngó ngó xem tôi vẽ một lúc rồi nói: "Chú phải để cho khô màu rồi vẽ tiếp, anh thấy chú vẽ lần này không đẹp bằng lần trước". Tôi liền hỏi: Theo anh phải vẽ thế nào? Thế là anh nói luôn một mạch, chỗ này nên thế này chỗ kia nên thế nọ....lúc đó tôi cũng đang nghịch màu tìm ý nên liều theo anh một chuyến, thế là bức tranh của tôi không những không hoàn thành mà còn hỏng bét. Đúng là dân gian có câu "đẽo cày giữa đường" thật chí lý.

Với tôi mỗi bức tranh đều mang một dấu ấn của bản thân nên nó đều thú vị, nên để bảo bức nào là tâm đắc thì có lẽ để dành cho người thưởng lãm nhận xét.

Ngoài tranh, đây còn là chương trình Thơ-Nhạc-Họa phối hợp, ông có thể chia sẻ về ý tưởng này?

Câu chuyện Hát thơ là sự kết hợp sáng tạo giữa hai vợ chồng tôi. Bạn đời của tôi, nhà thơ Đinh Hoàng Anh cũng là người tìm kiến sự bình an nội tâm như tôi, nhưng lại thông qua ngôn từ. Tôi thích những bài thơ của cô ấy vì nét dịu dàng và nhạc tính của nó. Tôi cũng có chút khả năng thanh nhạc, nên khi thấy bài thơ nào gây cảm hứng sâu sắc, tôi thường hát bài thơ ấy lên, với giai điệu ngẫu hứng đến với tôi. Thường là tôi cảm giác mình nghe được giai điệu của bài thơ ấy, ẩn chứa trong từ ngữ, hình ảnh.

Tôi đã hát khá nhiều bài thơ của Hoàng Anh trong nhiều năm qua, nhưng đến gần đây mới hoàn thành việc phối khí và thu âm CD Hát thơ đầu tiên có tên "Tiếng rao". Ngoài ra Hoàng Anh cũng tự viết khá nhiều ca khúc, cả lời và nhạc, trong đó lời mỗi ca khúc của cô ấy cũng là một bài thơ. Và chúng tôi quyết định in chung tập ca khúc Hát thơ đầu tiên có tên "Một thoáng mơ xưa", để đánh dấu sự đồng hành của chúng tôi trên con đường sáng tạo nghệ thuật. 

Triển lãm tranh "Bài ca bên bờ nước" của họa sĩ Thái Tĩnh, khai mạc vào lúc 18-21h ngày 10/09/2016 tại tầng 3, 241 Xuân Thuỷ.

Họa sĩ Thái Tĩnh tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Huế, sống và làm việc ở Hà Nội, đã từng tham gia 3 triển lãm cá nhân (2 trong số đó có kết hợp với thơ của Đinh Hoàng Anh) và 1 triển lãm nhóm (kết hợp với hai họa sĩ khác, một nhà quay phim và thơ của Đinh Hoàng Anh). Nhà thơ Đinh Hoàng Anh, vợ của Thái Tĩnh là tiến sĩ Toán học tốt nghiệp ở Belarus (Liên xô cũ), chị đã xuất bản 8 tập thơ, 2 tập truyện ngắn. Thái Tĩnh và Đinh Hoàng Anh thường xuyên kết hợp cùng nhau trong các hoạt động nghệ thuật như triển lãm thơ-họa, hát thơ...

T.Lê