Ông Phạm Hùng Mạnh (SN 1960, trú tại Phú Lão, Lạc Thủy, Hòa Bình) chia sẻ, việc đặt tên con toàn binh khí xuất phát từ một lần nghe được trên báo, đài khá tình cờ...
Thậm chí, ngay cả bây giờ, người dân trong thôn Đầm Đa và xã Phú Lão cũng không hiểu vì sao vợ chồng người đàn ông này đặt tên con như vậy.
Họ cũng chỉ biết thắc mắc gia đình có những cái tên khá “độc” không giống ai, còn vợ chồng ông Mạnh khi được hỏi cũng chỉ cười bảo: “Thích thì đặt tên thôi!”.
Ông Phạm Hùng Mạnh. |
Vợ chồng ông Phạm Hùng Mạnh sinh hạ được 3 người con lần lượt đặt tên là: Phạm Thượng Côn (SN1991), Phạm Thùy Thương (SN 1994) và Phạm Thiên Kiếm (SN 2005).
Sau này, ghép liền 3 cái tên lại trở thành tên các loại binh khí thú vị là Côn – Thương – Kiếm.
Mất ăn mất ngủ nghĩ tên đặt cho con
Theo lời ông Mạnh, do mình là con út, cưới muộn trong dòng tộc có nhiều anh chị em, vì thế, sau khi tham gia quân ngũ, ông trở về địa phương lấy vợ.
Tuy nhiên, phải mất vài năm sau vợ chồng ông mới sinh người con đầu lòng. Thời điểm chuẩn bị sinh con, vợ chồng ông phải rất đau đầu để đặt tên con.
Ông Mạnh chia sẻ: “Gia đình tôi đông anh chị em, tuy lấy vợ sớm nhưng sinh con muộn. Đến lúc vợ chuẩn bị sinh, tôi phải mất ăn mất ngủ để nghĩ tên đặt cho con.
Sở dĩ như vậy bởi, tôi cứ định đặt một cái tên đẹp cho con lại trùng với tên của người nhà, họ hàng. Nghĩ được cái tên phù hợp với tuổi của con thì hàng xóm gần nhà cũng đã đặt hết cả rồi.
Tình cờ tôi xem tivi, nghe đài thấy ông Dương Thượng Côn (ý nói Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 1988-1993 – PV) bắt tay ông Thủ tướng của Đức cũng tên “Côn” (Thủ tướng thống nhất Đức Helmut-Kohl - PV) nên nảy ra ý đặt tên con để cho dễ gọi.
Nói chung là đặt tên con như thế nhiều người cũng không đồng tình ủng hộ, nhưng mình thích thì đặt vậy. Đặt tên con thế cũng mong muốn sau này nổi tiếng như mấy ông nguyên thủ quốc gia kia thôi”.
Giấy khen của Thiên Kiếm. |
3 năm sau, vợ chồng ông Mạnh tiếp tục sinh cô con gái thứ hai. Việc đặt cho con gái cái tên cũng là cả một vấn đề.
“Đặt tên đứa đầu là Côn rồi thì đứa sau phải đặt sao cho vần một tí mới dễ nhớ. Đã Côn rồi thì phải là Thương, chứ tên Hoa, Hạnh... nghe không hay, không vần.
Là con gái mà mang tên Thương cũng bình thường và tôi biết một người con gái có họ Phạm tên là Sông Thương khá đẹp.
Đến khi sinh cậu con trai út (đang ở với vợ 2 ông Mạnh, tại xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy - PV) cũng vậy. Cứ theo tên anh chị mà đặt cho liền nên khai sinh là Phạm Thiên Kiếm” – ông Mạnh lý giải.
Việc đặt tên con thể hiện cá tính của bố
Ông Mạnh cho hay, việc đặt tên con mình như vậy phần nào cũng thể hiện cá tính của bố. Đến nay, các con của vợ chồng ông đều ít nhiều có tính cách theo cái tên bố mẹ đặt cho.
“Tôi là người sống có cá tính. Từ thời thanh niên đến bây giờ phải nói thật tôi là người khá nghịch, cách ăn mặc không giống ai.
Mình muốn tên con không đụng “hàng” với ai cũng là lẽ đó. Thực tế, trong họ hàng cũng có người đặt tên con trùng với bậc bề trên mà không biết giờ vẫn giận nhau nên mình tránh cho an tâm” – ông Mạnh nói.
Trước những cái tên khá "độc" của các con gia đình ông Mạnh, nhà trường cũng nhầm tên đệm của cậu con trai út là Phạm Thiện Kiếm (khai sinh Phạm Thiên Kiếm). |
Bà Bùi Thị Vượng (SN 1962, vợ ông Mạnh) cho hay, việc đặt tên cho con đều do chồng đăng ký giấy khai sinh. Cả nhà chỉ có cậu con trai cả thắc mắc về việc bố đặt tên cho mình.
Bà nói: “Lúc đầu, tôi cũng không để ý việc đặt tên cho các con. Sau này, mọi người thắc mắc vì sao đặt tên con toàn đồ binh khí người ta dùng đánh nhau thì tôi mới ngớ người.
Nhưng thôi đã lỡ đặt cho chúng nó rồi thì cũng coi đó là cái tên để gọi như người ta. Có điều, khi mọi người hỏi thăm nhà ông bà có con tên Côn – Thương – Kiếm thì biết, còn tên bố mẹ thì khối người không nhớ”.
(Theo Soha.vn/Trí thức trẻ)