Ở Nhật Bản, các sự kiện mai mối có tên là "omiai", nơi một người độc thân xem mặt đối tượng tiềm năng để tiến đến hôn nhân. Omiai thường chỉ có hai người độc thân với nhau song đôi khi bố mẹ của họ cũng cùng tham dự.

Theo The Mainichi, trong những năm gần đây, khái niệm "omiai ủy nhiệm" phổ biến hơn cả. Tại những sự kiện xem mặt này, các bậc cha mẹ gặp nhau mà không cần sự có mặt của con cái.

cha me nhat ban thay con xem mat anh 1

Sự kiện mai mối "omiai" thường dẫn đến những cuộc hôn nhân sắp đặt. Ảnh: Shutterstock.

Nỗ lực xem mặt thay con

Vào đầu tháng 4, khoảng 40 người đàn ông và phụ nữ trung niên đã tập trung tại một hội trường ở phường Naka, Yokohama.

Trên tay của mỗi người tham gia là một mảnh giấy khổ A3 được gọi là "bảng mô tả". Trên đó không có tên, nhưng được đánh số. Ngoài những thông tin cơ bản như tuổi, chiều cao, trình độ chuyên môn và sở thích, còn có cột lịch sử hôn nhân và yêu cầu bạn đời.

Tất cả mô tả này không phải về bản thân người tham gia, mà về con cái họ. Các ông bố bà mẹ đến đây với mục đích duy nhất là tìm kiếm chàng rể, nàng dâu vừa ý mình.

Ngay sau khi sự kiện bắt đầu, các bậc phụ huynh đeo thẻ số trên cổ, không ngừng giới thiệu, trao đổi bảng mô tả về con cái của họ với người xung quanh.

"Con trai tôi rất kiên nhẫn, vì vậy tôi chắc chắn rằng nó sẽ trở thành người chồng, người cha tốt", một người đàn ông nói khi khoe ảnh và hồ sơ của con trai mình.

cha me nhat ban thay con xem mat anh 2

Cha mẹ giới thiệu con cái của họ với nhau tại một sự kiện mai mối ủy nhiệm ở phường Naka, Yokohama. Ảnh: Mainichi.

Người phụ nữ mà ông đang nói chuyện tiết lộ lý do tham gia sự kiện: "Tôi thực sự muốn nhìn thấy con gái mình lấy chồng, sinh con".

Sau cuộc trò chuyện, cả hai trao đổi "hồ sơ" với thông tin cơ bản về những đứa con của họ và chuyển sang bàn tiếp theo.

Trong những cuộc trao đổi chớp nhoáng này, các ông bố bà mẹ phải làm nổi bật được thế mạnh của con mình, đặc biệt về tính cách. "Nghiêm túc và ấm áp" hay "trung thực và chăm chỉ" là những "từ khóa" họ thường dùng để mô tả.

Nếu cha mẹ hai bên nói chuyện và cảm thấy thích hợp, họ sẽ trao đổi thông tin về con cái chi tiết hơn, bao gồm tên, ảnh và liên lạc. Sau đó, những đứa con sẽ quyết định về buổi xem mặt chính thức thông qua thảo luận với phụ huynh.

"Con tôi không phải là người chủ động"

Một người đàn ông 62 tuổi tham gia "omiai ủy nhiệm" để tìm bạn đời cho con trai mình, một công chức 33 tuổi sống ở phường Aoba của Yokohama, tâm sự: "Có rất nhiều dịch vụ mai mối trên mạng, nhưng tôi nghi ngờ thông tin họ cung cấp và lo lắng rằng ít có cơ hội thành công".

Ông nói rằng bản thân "cảm thấy an toàn hơn" tại sự kiện này, nơi mình có thể nghe thấy mọi thứ từ quan điểm của các phụ huynh khác.

Một bà mẹ 66 tuổi có con gái 34 tuổi đang sống ở phường Chuo, Tokyo, cho biết "omiai ủy nhiệm" ngày nay thuận tiện hơn mai mối truyền thống vì đa số các phụ huynh không quen biết gì nhau.

"Nếu gặp người quen tôi phải để ý đến thái độ của họ, nhưng tại đây, tôi có thể thẳng thắn nói 'không' nếu thấy đối tượng không đáp ứng được yêu cầu. Tất nhiên phụ huynh chỉ có thể tích cực tham gia, còn quyền quyết định là ở lũ trẻ".

Hiệp hội Phụ huynh ở phường Shimogyo, Kyoto cho ra mắt sự kiện xem mặt thay thế lần đầu vào tháng 10/2005. Kể từ đó, có khoảng 500 "omiai ủy nhiệm" thu hút 40.000 người tham gia trên khắp Nhật Bản.

cha me nhat ban thay con xem mat anh 3

Nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân, không mặn mà với kết hôn, sinh con. Ảnh: Adobe Stock.

Một trong những lý do đằng sau nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ như vậy là mọi người kết hôn muộn hơn hoặc hoàn toàn không muốn lập gia đình.

Theo điều tra dân số quốc gia, tỷ lệ người không kết hôn trước 50 tuổi vào năm 1985 là dưới 5% cho cả nam và nữ. Nhưng vào năm 2015, con số này tăng lên thành 14,06% đối với nữ và 23,37% ở nam giới.

Người đứng đầu Hiệp hội Phụ huynh, Shoji Wakisaka, cho rằng mai mối ủy nhiệm có nhiều lợi thế. Người trẻ thường nhận thức được những phẩm chất tốt của bản thân nhưng không nhận ra tật xấu của mình.

"Nên có thể tránh được những rắc rối sau này khi ngay từ đầu các bậc cha mẹ nói cho nhau biết ý định thực sự của mình, chẳng hạn như 'Con tôi không phải là người chủ động', 'Tôi muốn sống cùng con'. 'Nhà chúng tôi cách xa trung tâm thành phố'".

Tuy nhiên, phụ huynh trao đổi thông tin là một chuyện, còn con cái có sẵn sàng liên hệ, hẹn hò với nhau không lại là chuyện khác. Đôi khi, người trẻ từ chối liên lạc với nhau, và lắm lúc, họ gặp nhau nhưng mọi thứ không như tưởng tượng. Phụ huynh không thể can dự vào những gì xảy ra tiếp theo.

Theo Zing

'Thế hệ chuột túi' ăn bám cha mẹ vì sợ kết hôn

'Thế hệ chuột túi' ăn bám cha mẹ vì sợ kết hôn

Nhiều người Hàn Quốc 30 tuổi vẫn phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tài chính lẫn tình cảm vì thất nghiệp, không hẹn hò, kết hôn.