- “Trong khoảng thời gian ly thân, con trai tôi buồn bã nhiều nên sa vào rượu chè và những cuộc ăn chơi. Nhiều đêm chờ con về, tôi khuyên con suy nghĩ lại nhưng con không nghe. Ít lâu sau, con mắc bệnh và qua đời”, bà Vũ Thị Đỉnh kể.
Video: Cảnh sinh hoạt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3
Cú sốc rẽ ngang cuộc đời
4h30 phút chiều, phòng ăn của Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (Từ Liêm, Hà Nội) nhộn nhịp hơn bởi các cụ già đến nhận phần cơm tối. Cầm trên tay những cặp lồng cơm nóng hổi, họ xiêu vẹo bước về phòng sinh hoạt của mình.
Đặt phần cơm vừa nhận ở nhà bếp xuống giường, bà Vũ Thị Đỉnh (70 tuổi, quê Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) mời chúng tôi vào phòng.
Vừa lau nước mắt bà Đỉnh vừa chắp tay vái chiếc bàn thờ nhỏ ở góc phòng của mình. Bà Đỉnh kể, đây là chiếc bàn thờ mà bà xin Trung tâm để thờ tổ tiên và người con trai quá cố của bà.
Bà Vũ Thị Đỉnh, 70 tuổi, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3. Ảnh: Hạnh Thúy |
Bà Đỉnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân bình thường ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội). Nhờ tài ăn nói khéo léo, bà xin làm nhân viên văn phòng ở nhà hát Văn Chương.
Xinh đẹp, có tài ăn nói nhưng chuyện tình cảm của bà Đỉnh lại khá trắc trở. Năm 28 tuổi, bà Đỉnh mới có tình yêu đích thực với một người đàn ông làm tài xế.
Nhưng niềm vui ấy chẳng tày ngang bởi khi bà và ông yêu nhau được một thời gian và có bầu, bà bàng hoàng phát hiện ông đã có gia đình.
Không muốn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình ông, bà ngậm ngùi giấu ông chuyện mang thai rồi lặng lẽ cắt đứt mọi liên lạc. 9 tháng 10 ngày sau, bà sinh hạ được một người con trai kháu khỉnh.
Thời ấy, dù có hai mẹ con bà sinh sống, nương tựa vào nhau nhưng căn nhà hơn 12m2 do cơ quan cấp cho bà luôn rộn rã tiếng cười đùa.
Năm con trai bà 21 tuổi, anh quen với một cô gái làm nghề cắt tóc, gội đầu. Thấy bạn gái con không có nghề nghiệp ổn định, bà rất lo lắng nhưng nghĩ đến tình cảm và sự thiệt thòi của con, bà không đành lòng ngăn cấm.
Thời gian sau đó, một đám cưới linh được tổ chức. Nhưng khi con dâu bà Đỉnh sinh cháu xong cũng là lúc gia đình con trai bà gặp mâu thuẫn, sóng gió.
Bà Đỉnh cho hay, con trai bà khá đẹp trai nên con dâu hay ghen tuông. Nhiều lần hai vợ chồng nói nặng lời với nhau rồi chửi đánh nhau. Bà Đỉnh thương con trai nên góp ý với con dâu sửa chữa, thay đổi nhưng con dâu không nghe lời.
“Sau đó vợ chồng nó không sống được với nhau nên ly thân. Tôi rất buồn nhưng vẫn phải chấp nhận. Trong khoảng thời gian ly thân, con trai tôi buồn bã nhiều nên sa vào rượu chè và những cuộc ăn chơi. Nhiều đêm chờ con về, tôi khuyên con suy nghĩ lại nhưng con không nghe. Ít lâu sau thì con mắc bệnh và qua đời”, bà Đỉnh xúc động.
Chuỗi bi kịch ấy giáng xuống đầu bà Đỉnh khiến bà suy sụp. Từ việc có con trai, con dâu và cháu nội nay con dâu bà ôm cháu về nhà bố mẹ đẻ sống khiến bà bơ vơ, lủi thủi một mình.
Bà Đỉnh tâm sự, ngày xưa, bố mẹ bà sinh được bà và một người em gái tuy nhiên bà không muốn vì hoàn cảnh của mình mà dựa dẫm em. Vì thế khi chịu tang con xong, bà quyết định bán căn nhà 12m2 để xin vào sống những ngày cuối đời ở Trung tâm Bảo trợ xã hội.
“Hàng tháng tôi nhận được 300 nghìn đồng tiền trợ cấp của nhà nước. Số tiền này tôi gửi vào cho trung tâm, còn bao nhiêu thì trung tâm hỗ trợ”, bà Đỉnh nói.
Tình bạn lúc tuổi già
Từ khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, bà Đỉnh gạt mọi nỗi đau để sống. Bà kể, mỗi ngày bà cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn.
Bà Đỉnh cũng chia sẻ, sống ở đây tuy không thể bằng ở nhà nhưng bà tìm được niềm vui sót lại của tuổi già.
Hai năm trước, trong một lần đi tập dụng cụ ở sân tập trung tâm, bà Đỉnh gặp ông T., một người đàn ông góa vợ.
Sau những buổi tập, ông bà thường bắc ghế ngồi nói chuyện, hàn huyên với nhau. Những ngày sau, họ bỗng trở nên thân quen, gần gũi nhau như hai người tri kỷ.
“Chúng tôi vào đây đều do hoàn cảnh éo le, bi đát nên chỉ muốn có người bầu bạn, tâm sự cho khuây khỏa. Từ khi có ông làm bạn, tôi sống lạc quan, vui vẻ hơn”, bà Đỉnh nói.
Góc phòng bà Đỉnh ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. |
Kể về món quà kỷ niệm tình bạn của ông bà, bà Đỉnh nói: “Chúng tôi đều đã già, sống được ngày nào hay ngày đó vì thế chúng tôi chỉ bầu bạn chứ rất ít khi tặng quà cho nhau.
Tôi nhớ có lần ông hẹn tôi ra ghế ngồi rồi lấy ra một cuốn sách, ông bảo đó là cuốn sách ông đã viết lúc còn trẻ. Tôi cầm quyển sách quý ấy về phòng và cất kỹ ở dưới gối. Khi buồn vui, tôi đều mang sách ra đọc”.
Bà Đỉnh bộc bạch, cuộc đời bà gặp nhiều sóng gió nhưng cuối đời cũng được bù đắp phần nào. Bởi ở đây bà được các nhân viên trung tâm quan tâm, hỗ trợ rất nhiệt tình.
"Tôi có đứa cháu nội rất hiếu thảo. Thi thoảng cháu được ông bà thông gia đưa lên đây thăm tôi. Mỗi lần gặp cháu, tôi vui lắm nhưng tôi bảo cháu sau này lớn, biết tự đi xe thì hãy lên thăm bà. Cháu còn nhỏ, lên đây nhiều lại làm khổ ông bà ngoại”, bà Đỉnh kể.
Được biết, tính tình bà Đỉnh vui vẻ hòa nhã nên được mọi người trong trung tâm yêu quý. Bà cũng thường xuyên tham gia giúp đỡ cán bộ trung tâm nhặt rau, tăng gia sản xuất.
Bà bảo, sống hơn nửa đời người, trải qua những hỉ nộ ái ố của cuộc đời nên bà càng trân trọng cuộc sống của mình nhiều hơn.
"Tôi nghĩ ai vào đây cũng có hoàn cảnh bi đát và đáng thương nên cần quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn", bà Đỉnh bộc bạch.
Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 là nơi tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng những người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP. Hà Nội. Hiện tại, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 190 người. Trong đó người cao tuổi là 95 người, trẻ em là 95 cháu. |
500 triệu và lời đề nghị bất ngờ của người đàn bà trên xe sang
Trong lúc tôi đang phân vân thì một người phụ nữ trung tuổi đến tìm tôi. Bà ta nói, bà ta là mẹ của cô gái đang yêu chồng tôi. Sau đó, bà ta đưa cho tôi 500 triệu ...
Món quà từ người đàn bà lam lũ khiến nam bác sĩ xúc động
Người phụ nữ cho biết, trước đây lo chuyện con nằm viện ốm đau nên bà không kịp cảm ơn bác sĩ. Vừa nói bà vừa đặt lên bàn bác sĩ Nha 1 nải chuối tiêu nhỏ rồi vội vã ra về...
Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem
Nhà gái yêu cầu làm một con đường từ nhà trai đến nhà gái và phải trải chiếu trên tuyến đường ngày rước dâu. Ông Mậu Anh đã trải luôn lụa đỏ thay cho chiếu khiến người đời kinh ngạc.
Cô giáo hơn 15 năm sống cảnh bị xích nơi góc vườn
Trong ngôi chòi lá ọp ẹp, chị Lê Thị Huyên, từng là giáo viên của huyện miền núi Lang Chánh, đang phải sống trong cảnh bị xích, nuôi nhốt khiến nhiều người xót xa.
Hạnh Thúy - Vũ Lụa