- Người xưa thường nói: “Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Vậy mà chị Dung đã mê đắm tiếng đàn bầu của chàng sinh viên khiếm thị...

Anh Hoàng Văn Lý (SN 1982 quê Phúc Thọ - Hà Nội) sinh ra trong một gia đình nghèo có 2 thế hệ bị khiếm thị bẩm sinh. Cả bố và hai anh em anh Lý đều không may mắn được nhìn thấy ánh mặt trời từ khi lọt lòng.

Hơn 30 năm qua, dẫu luôn phải sống trong bóng tối nhưng anh Lý đã viết câu chuyện đời mình bằng niềm tin, nghị lực và dệt nên mối tình thơ mộng như cổ tích với người con gái cùng cảnh ngộ như anh.

{keywords}
Gia đình anh Lý, chị Dung. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tâm sự với chúng tôi, anh Lý kể: “Tôi bị khiếm thị từ nhỏ, được mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Cả ngày ngồi trong nhà nghe các bạn đi học qua ríu rít trò chuyện, tôi luôn thèm khát được cắp sách đến trường”.

Theo lời anh Lý, năm lên 8 tuổi, nhờ mọi người mách, mẹ anh đưa con đến trường dành cho trẻ em khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu.

Từ đây, cuộc đời anh rẽ sang trang khác, anh được học chữ nổi, tiếp cận với nghệ thuật thông qua đàn bầu, đàn ghi ta. Dù không nhìn thấy gì nhưng bù lại đôi tai anh rất nhạy cùng đôi bàn tay tinh tế. Chỉ trong 1 thời gian ngắn anh đã chơi thành thục cả hai loại đàn.

Lớn hơn chút nữa, anh có thêm niềm đam mê với nghề báo. Sau nhiều khó khăn, anh từng bật khóc khi nhận giấy báo trúng tuyển và trở thành sinh viên khoa Báo chí - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong thời gian làm sinh viên, do gia cảnh khốn khó, anh vừa đi học, vừa đi làm đủ thứ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Mỗi lần ngồi trên giảng đường, anh phải ghi âm về nhà nghe lại vì ghi bằng chữ nổi không kịp. Ngoài ra, anh còn tham gia rất tích cực trong công tác xã hội.

Một lần, trong dịp tổ chức chương trình ca nhạc ở Hội người mù quận Hoàn Kiếm, duyên phận đã đưa anh gặp mối nhân duyên lớn của cuộc đời mình.

{keywords}
Vợ chồng anh Lý hạnh phúc trong ngày cưới năm 2005. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Lý chậm rãi kể: “Hôm tham gia sự kiện, theo kịch bản tôi sẽ đệm đàn bầu cho một cô gái trẻ hát. Cô gái ấy là Phạm Ngọc Dung (SN 1985, Khương Trung, Hà Nội), vợ tôi bây giờ”.

Người xưa thường nói: “Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Vậy mà chị Dung đã mê đắm tiếng đàn bầu của chàng sinh viên khoa báo chí. Tiếng hát trong trẻo của chị hòa quyện với tiếng đàn bầu của anh đã tạo nên một bản tình ca tuyệt đẹp. Năm đó chị Dung tròn 19 tuổi.

“Vợ tôi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Tuy nhiên, sau cơn bạo bệnh năm 10 tuổi, hai mắt vợ tôi hỏng, một mắt không nhìn thấy gì, một mắt nhìn mờ mờ. Được bố mẹ chạy chữa nhưng tình hình không khả quan”, anh Lý chia sẻ về hoàn cảnh của vợ.

Nhớ lại quãng thời gian yêu và 12 năm kết hôn đầy sóng gió đã qua. Anh Lý nói: “Tôi và vợ gặp nhau như sự run rủi của số phận, từ lúc gặp nhau đến khi yêu và kết hôn diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 1 năm.

Ngày đó, chúng tôi kết hôn khi tôi còn đang học năm thứ 2, gia cảnh nhà tôi rơi vào cảnh cùng quẫn vì những khoản nợ sửa chữa căn nhà dột nát ở Phúc Thọ chưa trả xong”.

Anh kể, khi đưa ra quyết định làm đám cưới, gia đình hai bên cũng lo lắng vì vợ chồng đều khiếm thị thì biết làm gì để sống.

Đám cưới anh chị được tổ chức vào tháng 3/2005, sau 1 năm kể từ ngày anh chị gặp gỡ lần đầu trong sự chúc phúc của gia đình 2 bên. “Tôi phải đi vay mượn khắp nơi, mỗi người vài trăm nghìn để tổ chức cưới. Sau đám cưới hai vợ chồng dùng số tiền mừng đi trả nợ và bắt đầu cuộc sống với hai bàn tay trắng”, anh Lý trải lòng.

Để có tiền trang trải cuộc sống và theo học tiếp đại học, hai vợ chồng anh Lý lao vào mưu sinh. Anh Lý ngoài cộng tác cho một số tờ báo anh còn tham gia tổ chức sự kiện, biểu diễn âm nhạc trong một dự án lớn của tổ chức phi chính phủ về các vấn đề xã hội.

Vẫn theo lời anh Lý, anh có 8 năm học nhạc. Những năm cấp ba và thời sinh viên cứ có dịp là anh lại cùng bạn bè đi lưu diễn khắp các tỉnh thành trong cả nước. Âm nhạc đối với anh vừa là đam mê vừa là "cần câu cơm", giúp anh có thêm thu nhập phụ giúp cho vợ. Về phần chị Dung, ngày ngày chị bán hàng ăn sáng và phụ mẹ trông trẻ tại nhà.

Cưới nhau hơn một năm mà hai vợ chồng anh Lý vẫn chưa có tin vui. Nỗi buồn đau một lần nữa lại ập xuống gia đình của cặp vợ chồng khiếm thị khi bác sĩ thông báo, cơ hội chị Dung mang thai là rất nhỏ.

Tuy nhiên, điều đó không làm anh chị nản chí. “Kể cả những lúc khó khăn, túng quẫn nhất chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ buông tay nhau. Vì trong hàng nghìn mối nhân duyên ở cuộc đời này, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm thấy nhau”, chị Dung tâm sự.

May mắn, hai năm sau, vợ chồng anh Lý vui mừng đón nhận tin vui khi chị Dung mang bầu con gái đầu lòng. Nhưng đi cùng với đó là nỗi lo cho tương lai của con. Anh chị sợ, con sẽ mang gen di truyền, bị khiếm thị bẩm sinh giống bố và ông nội.

Đến ngày “khai hoa, nở nhụy”, sau cơn vượt cạn vất vả, chị Dung hạnh phúc khi nghe tiếng con khóc chào đời. Con gái anh chị vô cùng kháu khỉnh và có đôi mắt bình thường.

“Lúc nghe tin như vậy, tim tôi muốn vỡ òa vì quá sung sướng, không có ngôn từ gì để tả xiết nữa. Vì nỗi lo con bị khiếm thị như một gánh nặng đè nặng lên hai vợ chồng từ ngày biết tin tôi mang thai” - chị Dung nghẹn ngào nói.

Kết quả sau 12 năm, gia đình họ đã có thêm thành viên thứ 4, con gái thứ 2 của anh chị năm nay lên 6 tuổi. Giống như chị gái, cô bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị khiếm thị bẩm sinh. Kể về hai cô con gái đáng yêu của mình, anh Lý hồ hởi chia sẻ: “Các con rất ngoan, học giỏi. Ngay từ nhỏ, các con đã ý thức được sự khiếm khuyết của bố mẹ nên thương bố mẹ vô cùng.

Các con như đôi mắt của chúng tôi, bất kể là dẫn đường hay ăn cơm các con đều tự giác gắp đồ ăn, hỗ trợ việc sinh hoạt cho bố mẹ”.

Trong căn nhà nhỏ của anh chị, dẫu cuộc sống phía trước còn nhiều gian nan nhưng ngày ngày vẫn vang lên những tiếng cười  của con trẻ. Họ không chỉ dệt lên một thiên tình sử lãng mạn mà còn tô điểm cho bức tranh cuộc đời một màu sắc tươi mới, ngập tràn hạnh phúc.

Anh Hoàng Văn Lý hiện làm ở văn phòng cho Hội người mù, từng cộng tác cho kênh VOV giao thông và một số tờ báo.

Vừa qua, vợ chồng anh Hoàng Văn Lý đã vinh dự được bình chọn là gia đình tiêu biểu, tham gia chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình người khuyết tật” năm 2017 do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Cát Tường 'giận dữ' từ chối mai mối cho chàng trai Nghệ An

Cát Tường 'giận dữ' từ chối mai mối cho chàng trai Nghệ An

MC Cát Tường đã "giận dữ" từ chối mai mối cho chàng trai Nghệ An vì anh chàng cho rằng: "Mua nhà có ngân hàng lo, sinh con có trời lo... ".

'Đẳng cấp' hai tay chơi khét tiếng ở Sài Gòn và cái kết khó ngờ

'Đẳng cấp' hai tay chơi khét tiếng ở Sài Gòn và cái kết khó ngờ

Vì thiếu những đặc tính hảo hán của một dân chơi thứ thiệt, dân chơi cầu Ba Cẳng không được xếp hạng đẳng cấp như dân chơi Sài Gòn.  

Bí mật sau cánh cửa căn chung cư cao cấp của nam trưởng phòng

Bí mật sau cánh cửa căn chung cư cao cấp của nam trưởng phòng

Đối với công việc thám tử tư, anh Phạm Việt Hưng (SN 1982, Hà Nội) cho biết, 70% khách hàng ký hợp đồng để theo dõi chuyện ngoại tình. Nhưng có những vụ, anh vẫn bị ám ảnh bởi nỗi đau của người phụ nữ.

Nhật Linh