Bà Lanh cho hay, chi phí cho mỗi mâm cỗ dao động từ 1 triệu đến 3 triệu tùy theo nhu cầu của gia đình. Riêng những mâm cỗ VIP có giá lên tới 6 triệu đồng.
Còn 2 ngày nữa mới đến 23 tháng Chạp nhưng một số địa chỉ chuyên nấu cỗ thuê luôn trong tình trạng quá tải vì khách gọi đến đặt hàng.
Bà Nguyễn Thị Lanh - nhân viên một cơ sở nấu cỗ trên phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Dịch vụ nấu cỗ thuê đã có từ lâu, bình thường, chỉ dịp giỗ hoặc đám hiếu hỉ họ mới thuê. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây nhiều gia đình bắt đầu tìm đến chỗ chúng tôi đặt mâm cỗ cúng ông Công ông Táo để tiết kiệm thời gian nấu nướng mà cũng đỡ vất vả”.
Cơ sở nấu cỗ trên phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh |
Bà Lanh cho hay, cơ sở chỗ bà nhận nấu từ 1 món đến nhiều món, nhân viên mang đến phục vụ tận nơi. Chi phí cho mỗi mâm cỗ dao động từ 1 triệu đến 3 triệu tùy theo nhu cầu của gia đình. Riêng những mâm cỗ VIP có giá lên tới 6 triệu, chủ yếu là theo yêu cầu của gia chủ.
Ngoài nhận đặt nấu cỗ, cơ sở nhà bà Lanh có dịch vụ sắm đồ đầy đủ. Ảnh: Nhật Linh |
Mỗi mâm cỗ cơ bản gồm có: 1 con gà cánh tiên, 1 đĩa chim quay, 1 đĩa nộm, 1 đĩa tôm, 1 đĩa nem rán, 1 đĩa rau củ quả luộc, 1 đĩa xôi gấc đỏ, 1 bát canh bóng mọc. Các gia chủ có thể tự chọn riêng lẻ trong thực đơn hơn 100 món ăn của cửa hàng.
Mâm cỗ VIP thường có cả cua biển. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Gà buộc cánh tiên, cắm hoa hồng bà Lanh chuẩn bị cho khách. Ảnh: Nhật Linh |
“Mâm cỗ VIP 6 triệu đồng ngoài gà và xôi thì các món khác bao gồm chim công rán, thỏ hấp xả ớt, tôm he luộc, cá hồi, nộm hoa chuối, cua biển…Ngoài ra, cơ sở của tôi cũng phục vụ các dịch vụ kèm theo như sắm vàng mã, mũ ngựa, trái cây, cá chép, hoa.
Phần lớn khách đến đặt cỗ thường là dân văn phòng. Nhiều chị em do bận rộn nên nhờ chúng tôi sắm hết từ a - z, làm sao đảm bảo một lễ cúng 23 tháng Chạp đầy đủ, tươm tất nhất. Sau đó, hẹn ngày giờ, nhân viên bên tôi sẽ vận chuyển đến tận nơi và bày biện, họ chỉ việc cúng bái là xong” - bà Lanh nói.
Mâm lễ cơ bản bên bà Lanh có giá dao động từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ảnh: Nhật Linh |
Trong khi đó, anh Minh Hải - một đầu mối chuyên nhận đặt cỗ ở quận Thanh Xuân cho biết: “Bên tôi nhận đặt cỗ cúng ông Công ông Táo từ ngày 18 tháng Chạp nhưng ngày 21 tháng Chạp là phải chốt sổ rồi vì số lượng khách đặt nhiều, sợ làm không xuể.
Từ hôm 18 âm đến giờ tôi nhận khoảng 35 mâm cỗ, chủ yếu là mâm cỗ giá 1 triệu đồng - 2,5 triệu đồng”.
Mâm cỗ thông thường cơ sở anh Hải làm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vẫn theo lời anh Hải, nhu cầu đặt cỗ cúng của các gia đình ngày càng cao, lúc cao điểm, anh nhận 20 mâm cỗ/ngày. Những ngày này, cơ sở của anh phải hoạt động từ 2 giờ sáng để chế biến thực phẩm và nấu nướng mới kịp thời gian giao cho khách.
Những ngày cao điểm, cơ sở của anh Hải nhận 20 mâm cỗ/ngày. Nhân viên phải làm từ 2 giờ sáng mới kịp giao cho khách. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Anh Hải chia sẻ, mỗi dịp như này, trừ đi các khoản chi phí anh cũng thu vài chục triệu đồng.
Chị Thùy Linh (SN 1988 - chung cư Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết thêm, sau 6 cuộc gọi cho các cơ sở nấu cỗ khác nhau chị mới đặt được mâm cỗ cho ngày ông Công ông Táo.
Chị tâm sự: “Chồng tôi là con một, năm nay tôi lần đầu đón Tết nhà chồng, phải tự tay chuẩn bị mọi thứ. Khổ nỗi, tôi rất vụng chuyện bếp núc, công việc bận tối ngày, đành tìm chỗ đặt cỗ cho tiện, đỡ vất vả mà mình cũng không mang tiếng là vụng về. Đặt mâm cỗ giá cũng chỉ hơn 1 triệu đồng, nếu mình tự nấu chưa chắc đã ngon như vậy.
Có thời gian chắc chắn tôi sẽ học thêm nấu nướng, tự tay làm cỗ cúng cho chỉn chu. Nhưng trước mắt, việc đặt cỗ bên ngoài đây cũng là giải pháp tốt không chỉ cho riêng tôi mà còn cho các chị em công sở vào dịp cuối năm”.
Theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - phong tục thờ cúng Táo Quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian, chứa đựng những truyền thống tốt đẹp. Theo tục lệ, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi nhà đều tất bật sửa soạn cúng Táo Quân (hay còn gọi là ông Công ông Táo) lên chầu trời. Vào ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Đồng thời sẽ làm một mâm cỗ mặn, ba bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống, cùng xôi, chè mật và hương hoa tiễn ông Táo về chầu trời. Nhưng ngày nay nhiều gia đình bày biện lễ lạt quá tốn kém. Họ bỏ tiền triệu mua nhiều vàng mã về đốt với niềm tin rằng, nếu họ dâng mâm cao cỗ đầy thì sẽ được Táo quân xí xóa những việc làm xấu, ban cho nhiều phước lộc. "Tư tưởng đó hoàn toàn sai lầm, có thời gian tôi thấy, cứ 23 tháng Chạp, một số tuyến phố, người dân đốt vàng mã đống lớn đống bé, có cả điện thoại iphone giấy, xe ô tô giấy… cho Táo quân. Như thế việc làm này không chỉ tốn kém tiền của, còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Bên cạnh đó, hình thức phóng sinh cá chép ra sông, hồ, ao, suối sau khi cúng là hành động nhân văn, thể hiện lòng nhân ái của người Việt Nam. Nhưng nhiều người họ mang cá đi thả theo kiểu thiếu ý thức. Họ bọc cá vào túi nilon rồi mang ra hồ ném cả bọc xuống nước. Cá vừa không sống được, lại vô hình chung xả rác ra nguồn nước", GS Trần Lâm Biền cho biết. |
Lễ cúng Táo Quân theo hướng dẫn của GS Lương Ngọc Huỳnh
23 tháng Chạp hàng năm là ngày làm cơm tiễn ông Công ông Táo về Trời. GS Lương Ngọc Huỳnh có một số lưu ý cho các gia đình khi chuẩn bị cho lễ cúng Táo quân...
Văn khấn Táo Quân và những điều lưu ý
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt thường làm lễ tiễn ông Công ông Táo về Trời. Ngoài việc chuẩn bị mẫm cỗ, lễ vật, văn khấn cũng là một khâu quan trọng.
'Nhiều người Việt đang hiểu sai về cúng Táo quân'
"Phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian, chứa đựng những truyền thống tốt đẹp. Nhưng ngày nay, truyền thống này đang bị hiểu sai hay nói đúng hơn là bị biến tướng"...
Nhật Linh