- Hôm 9/1, tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, tổ chức Hagar Quốc tế Việt Nam lần đầu tiên tổ chức triển lãm về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em với tên gọi “Nảy mầm từ tro tàn”.
Mở đầu sự kiện nhóm tình nguyện viên của Hagar đã trình diễn một vở kịch liên quan đến chủ đề nạn nhân bị bạo hành, lạm dụng tình dục, mua bán người.
Mời quý độc giả xem Clip:
Trong triển lãm, 21 bức tranh chân dung tự họa của phụ nữ và trẻ em bị mua bán, bạo lực gia đình và xâm hại tình dục được Hagar hỗ trợ trong nhiều năm qua đã được trưng bày.
Lời tựa một bức tranh |
Trong các tác phẩm, hình ảnh về bản thân được họ tái hiện một cách chân thực thông qua những nét vẽ, màu sắc và cảm xúc về chính cuộc đời mình.
Một bức tranh do nạn nhân vẽ |
Người xem tranh sẽ có cơ hội kết nối với những cá nhân vẽ tranh và lắng nghe câu chuyện của họ thông qua cách họ vẽ chính bản thân mình.
Bức tranh của cháu bé 5 tuổi từng che chắn cho mẹ khi mẹ bị bố bạo hành |
Nhiều bạn trẻ đến tham dự buổi triển lãm |
Ngoài mục đích chia sẻ nỗ lực vươn lên của những phụ nữ và trẻ em bị mua bán, bạo lực và xâm hại tình dục, buổi triển lãm tranh "Nảy mầm từ tàn tro" còn có ý nghĩa kêu gọi cộng đồng, xã hội chung tay phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Chia sẻ với PV VietNamNet, Ths. Đoàn Hương, Chuyên gia tâm lý hỗ trợ, điều trị tâm lý cho các nạn nhân bị bạo hành gia đình, xâm hại tình dục và mua bán, cho biết: “Mục đích đầu tiên, chúng tôi đưa ra thông điệp về những góc khuất trong việc trợ giúp phụ nữ bị xâm hại tình dục, bị mua bán và bị bạo hành.
Họ phải chịu những tổn thương tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần. Nạn nhân bị sang chấn tâm lý thường xuyên bị ám ảnh, gặp ác mộng. Để điều trị sang chấn đó cần rất nhiều thời gian mới có thể chữa lành tổn thương tâm lý.
Thông điệp thứ hai, chúng tôi hi vọng mọi người sẽ có những cái nhìn cảm thông, chia sẻ với nạn nhân.
Thứ ba, đây cũng là kênh để họ có thể chia sẻ, bộc lộ về những trải nghiệm, cảm xúc cá nhân của các nạn nhân. Những chủ nhân tham gia vẽ tranh triển lãm họ sẽ có giai đoạn phục hồi, phát triển khác nhau.
Vẽ tranh là một hoạt động bổ trợ trong quá trình điều trị tâm lý, nhiều bạn sau hoạt động này đã khám phá ra bản thân mình thích vẽ. Các bạn có dự định sẽ ôn luyện để thi vào một trường đại học có liên quan đến mỹ thuật.
Những nỗi đau mà họ trải qua, nhiều khi không thể nói bằng lời nhưng qua những hoạt động nghệ thuật như thế này sẽ giúp họ bộc lộ dễ dàng hơn”.
Diệu Bình