Chương trình Thu Vọng Nguyệt diễn ra trong không gian văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội được kỳ vọng tạo ra ký ức khó quên với các em nhỏ Hà thành và du khách.

Tết Trung thu là dịp các em nhỏ luôn háo hức vì được nhận những phần quà mang đậm giá trị tinh thần. Vì vậy chọn địa điểm đi chơi Trung thu sao cho vừa vui vẻ vừa ý nghĩa là điều được nhiều gia đình quan tâm.

Không khí lễ hội ngập tràn cảm xúc được tổ chức lần đầu tiên tại khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một quần thể di tích đa dạng của Thủ đô mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

{keywords}
Mỗi năm dịp Tết Trung thu, các bạn nhỏ luôn háo hức

Một Hà Nội trông trăng trên những khoảng sân gạch, những nếp tường cổ kính rêu phong, mái ngói… là dịp hiếm hoi để người lớn tìm về ký ức tuổi thơ và trẻ con được thoả thích nô đùa, vui vẻ trong giây phút sum vầy.

Mâm cỗ trông trăng cổ truyền của người Hà Nội tại Thu Vọng Nguyệt được nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết và nghệ sỹ Trịnh Bách kỳ công phục dựng, chăm chút từ các nguyên liệu đầy màu sắc, đủ cả cốm xanh, hồng đỏ, chuối vàng cùng vô vàn những thức bánh trái đặc trưng của thu Hà Nội.

Người dân và du khách tham gia sẽ có cơ hội hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống xưa và những thay đổi hiện đại của Tết Trung thu nay.

{keywords}

Mâm cỗ Trung Thu cổ truyền được phục dựng bởi các nghệ nhân

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết, mâm cỗ Trung Thu bây giờ đơn giản hơn ngày xưa rất nhiều. Mùa Tết Trung Thu cũng là mùa hoa quả chín rộ, mâm cỗ Trung Thu vì thế cũng trở thành bản hòa tấu của hương vị tháng Tám. Mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ khác nhau, dù thế nào cũng phải có nải chuối trứng cuốc chín vàng, trái hồng đỏ mang hy vọng. Trái na mang ước nguyện sinh sôi, trái bưởi mang những điều tốt lành, trái lựu chứa ngọt ngào may mắn…

{keywords}

Mâm cỗ đủ vị và sắc

Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen. Và còn phải có bánh con lợn, con cá nho nhỏ cho trẻ con. Để có một mâm cỗ Trung thu ý nghĩa, mâm quả phải có xanh có chín, như quan niệm của người xưa, màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương. Mâm ngũ quả tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.

{keywords}

Các loại bánh gia truyền

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng chia sẻ thêm, tết Trung thu là dành cho trẻ em, tuy nhiên, trên mâm cỗ Trung thu của người Hà Nội xưa (khoảng thế kỷ XVII - XVIII) ngoài những món ăn trẻ nhỏ thích để phá cỗ, người lớn cũng có 1-2 món mặn để vừa nhắm rượu vừa trông trăng. 

Đĩa giò ốc nhồi lá gừng là món nấu độc nhất của cỗ Trung Thu. Ngoài ra, người lớn còn có món gỏi cá trắm hay cá mè, với nước chấm làm từ tương pha chế rất công phu, để thưởng trăng. Nhưng các món này chỉ được dọn ra hạn chế, tùy gia đình, vì chủ nhân của đêm nay là các bạn nhỏ.

Có ba phẩm vật của Tết Trung Thu đươc trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh Trung thu, con giống bột (bánh chim cò), và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. 

{keywords}

Các con giống bột quen thuộc với nhiều thế hệ

Các con giống được nặn thường có chủ đề gần gũi, thân thuộc với con người như trâu, ngựa, dê, chó … Khi trăng đã tỏ, thường là khoảng tám giờ tối, sau khi cúng Rằm xong, lũ trẻ bắt đầu phá cỗ. Ngày xưa, cho đến lúc cỗ được bầy ra mới biết trên mâm con giống có những gì, và việc phá cỗ đối với trẻ em đồng nghĩa với việc tranh giành những con giống ưa thích mà mình đã ngắm, nghé từ trước. Khác với tò he bây giờ làm bằng bột nếp dẻo, con giống làm bằng bột tẻ ngày xưa cứng cáp và có thể giữ được nhiều năm.

{keywords}

Mâm cỗ trung thu không thể thiếu trầu têm cánh phượng

{keywords}

…hay rọ heo nướng

Mỗi mùa Trung thu đến, không khí vẫn nhộn nhịp, nhưng Trung thu xưa và nay đã thay đổi rất nhiều. Cuộc sống của người Hà Nội hôm nay tất bật hơn, đầy đủ hơn và thậm chí có thừa những điều kiện về vật chất. Nhưng những giá trị văn hóa truyền thống vẫn là mạch ngầm đầy sức sống. 

Sự kiện Thu Vọng Nguyệt sẽ diễn ra từ 18h - 22h từ ngày 29 - 1/10/2017 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

T.Lê