- Chị mở thùng lấy ra một hộp sữa. Cắm ông hút vào, chị đưa đến tận miệng thằng bé. Đứa bé nằm ngửa trên ghế bố, tay chân cứng và cong queo. Đôi mắt nó đờ đẫn nhìn chị. Chị trìu mến nhìn nó, dỗ dành "con uống sữa đi"...
Vượt lên từ những mất mát
Hình ảnh ấy chúng tôi ghi nhận được tại một địa điểm cách Miếu Ngũ Hành (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) khoảng vài chục bước chân vào một buổi sáng.
Ba mẹ con trong phòng trọ |
Chị là Lê Thị Bích Nguyệt (40 tuổi) và đứa bé là Lê Ngọc Quí (13 tuổi) con trai đầu lòng của chị. Chị mới dọn hàng. Những xấp vé số và giấy dò được chị để trên nắp thùng xốp cạnh chiếc ghế bố thằng bé đang nằm.
Chị quê ở xóm Cồn Giữa (TP. Nha Trang) có nhiều năm sống bằng nghề làm tóc nữ. Năm 2004, chị gá nghĩa với một người làm nghề đi biển. Năm sau, đứa con đầu lòng - bé Quí - chào đời.
Chân khập khiễng chị Nguyệt bế Quí ra nơi bán vé số |
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến tháng thứ 6, sau một lần bệnh, tay chân Quí bắt đầu teo tóp. Người Quí cứng ngắc. Chị Nguyệt đưa con đi khám nhiều nơi, chạy chữa nhiều chỗ nhưng vẫn không thuyên giảm.
Hai năm sau, đứa con thứ 2 ra đời, bé Lê Thành Đạt. Bé Đạt có khá hơn anh nhưng cũng không toàn vẹn. Hai chân Đạt yếu hẳn những đứa trẻ khác khiến cho bé không thể đứng hoặc đi. Trong nhà Đạt phải dùng hai tay chống để lết từ chỗ này sang chỗ khác.
Cậu bé Quí ngày ngày theo mẹ đi làm. |
Tuy hai con bị khuyết tật nhưng trong căn nhà nhỏ ven biển luôn đầy ắp tiếng cười. Những chuyến đi biển xa lúc về trên ghe đầy cá đã giúp cho gia đình bé nhỏ ấy đủ sức vượt qua những khó khăn. "Trời cho sao hưởng vậy. Các con không được lành lặn như những đứa trẻ khác đã khiến cho vợ chồng chúng tôi yêu thương cháu hơn", chị Nguyệt trải lòng với chúng tôi.
Quí đã uống hết hộp sữa. Chị Nguyệt ôm nó vào lòng. Nó nhoẻn miệng cười với mẹ. "Anh biết không, đưa nó đi nhiều nơi lắm mà không nơi nào có thể chữa được bệnh của nó. Các bác sĩ kết luận nó bị bại não. Tay chân nó càng ngày càng rút. Người nó bị liệt cứng...
"Uống sữa đi con" |
Chúng tôi vẫn vui vẻ nuôi con. Nhưng dường như số trời đã định như thế. Một ngày nọ, sau khi đi biển về rồi đưa cá ra chợ bán, ba bé Quí đi tắm. Nhưng sao lâu không thấy ra và nhà tắm lại im lặng quá, không một tiếng động. Sinh nghi, đập cửa thì hỡi ơi, anh ấy té úp mặt vào thùng nước và bị ngạt", kể đến đây, đôi mắt chị đỏ hoe.
Khách đầu tiên mở hàng trong ngày |
"Anh mất, ba mẹ con trở nên bơ vơ. Trụ cột chính trong gia đình không còn, một mình tôi với 2 đứa con bệnh tật như thế làm gì để sống? Tôi phải làm sao đây? Nhiều câu hỏi đã đặt ra cho tôi và cuối cùng tôi đi đến quyết định để bé Đạt ở lại nhà với ngoại, tôi ôm bé Quí vào Sài Gòn tìm cách mưu sinh", chị nói tiếp.
Vòng tay của tha nhân
Đặt chân lên đất Sài Gòn xa lạ chị Nguyệt chưa biết phải đi đâu về đâu. Cũng may, một anh xe ôm nhiệt tình đưa chị về quận 4, tìm cho chị một chỗ ở tạm. Hàng ngày chị đặt Quí lên chiếc xe đẩy, mẹ con lê lết khắp các nẻo đường ở quận 4 bán vé số.
Địa bàn dần mở rộng, chị qua tận phố Tây, vào các con hẻm ở quận 1. Thu nhập mỗi ngày từ bán vé số giúp chị tạm qua ngày. Thế nhưng chị nói: "Chắc anh không để ý. Tôi cũng là người khuyết tật. Tôi bị chân cao chân thấp nên đẩy con đi như thế tối về hai chân rã rời. Cuộc sống rất cơ cực nhưng vì con phải cố gắng thôi.
Có một lần tôi lên chuyến xe buýt về Nhà Bè. Nhiều người nói vào khu vực miếu Ngũ Hành hay còn gọi là chùa Châu Đốc 2 bán được lắm nên tôi mạnh dạn vào. Hôm ấy ngày mồng 1, khách ra vào miếu nườm nượp. Xấp vé số tôi mang theo chẳng mấy chốc hết sạch. Tôi mừng lắm, tìm hiểu thêm để rồi sau đó quyết định thuê nhà ở hẳn nơi đây".
Đạt ra với mẹ với anh. |
Chị Nguyệt về khu vực miếu Ngũ Hành ở đã được vài năm. Chị không còn rong ruổi, lê lết khắp nơi mà giờ chỉ ngồi một chỗ vừa bán vừa chăm con. Một người ở gần cho biết so với hồi mới về cuộc sống hiện nay của chị có phần khởi sắc hơn. Ngày thường ở đây vắng nhưng ngày mồng một và rằm hàng tháng cũng như suốt tháng giêng âm lịch, khách ra vào như trẩy hội. Những dịp như thế chị bán được kha khá.
"Thằng Đạt ra kìa", chị chỉ tay về phía xa. Một bé trai 2 chân khẳng khiu phải tựa vào chiếc xe đẩy. Đôi chân dứng không vững nhưng nhờ có chiếc xe, thằng bé từng bước đi về phía mẹ. Đạt leo lên ghế ngồi cạnh em. "Con có đi học không ?", tôi hỏi. "Dạ có. Con học lớp 1 trường Vĩnh Hội. Hàng ngày mẹ chở con đi", Đạt nói.
Chị Nguyệt kể tiếp: "Về đây ở ổn định, bà ngoại đưa Đạt vào. Các nhà hảo tâm khắp nơi giúp đỡ, cuộc sống của 3 mẹ con đỡ vất vả hơn. Đạt được chữa bệnh. Đôi chân nhờ tập vật lý trị liệu nên cháu cũng đã đứng được mặc dù chưa vững. Hiện nay, hàng ngày trên chiếc xe gắn máy có gắn thêm bánh phụ cho người khuyết tật, chị đưa Đạt đến trường rồi tranh thủ về bán...".
Từ giã chị chúng tôi ra về với tâm trạng thật vui. Bằng nghị lực, bằng tình thương con kèm theo sự quan tâm giúp đở của cộng đồng, những người kém may mắn như chị và 2 cháu đã qua được cơn bĩ cực. Tôi chúc chị và 2 cháu ăn Tết vui vẻ. Chị cám ơn và nói: "Không ăn Tết đâu anh. Mấy năm nay, ngày Tết bán được nhiều hơn. Tranh thủ kiếm tiền bù cho ngày ế chứ anh".
Bị nhà nội chối bỏ, bé gái 3 tuổi ở Sài Gòn sống lay lắt trong thương tật
Bé không biết lạ, quen. Gặp bất kỳ ai bé cũng sà vào lòng như cố tìm chút hơi ấm của tình thương.
Đoàn lân sư nghĩa tình của những đứa trẻ đường phố ở Sài Gòn
Tuổi thơ của những đứa trẻ bất hạnh là những ngày lang thang đầu đường xó chợ. Chúng mồ côi có, cha mẹ bỏ rơi cũng có. Tương lai chúng tưởng như mịt mù, vô định, cho đến ngày chúng được vào đoàn lân sư.
5 lần mất con, cặp vợ chồng khô nước mắt giữa Sài Gòn hoa lệ
"Chúng tôi mà có Tết sao? Lâu lắm rồi mơ ước có một chỗ trang nghiêm để mời ông bà và 5 đứa con về sum họp ngày Tết nhưng rồi cũng chỉ là ước mơ".
Xót xa hai ông cháu lầm lũi mưu sinh những đêm cuối năm Sài Gòn
Trời đã vào đêm. Mưa lất phất. Một mình ông đẩy chiếc xe đẩy tay với nhiều đồ vật lỉnh kỉnh. Ông đi không vững. Bước chân ông nặng nề và xiêu vẹo. Vậy mà ông vẫn lầm lũi trong đêm...
Trần Chánh Nghĩa