Để giải bài toán nợ đọng trong đầu tư xây dựng nông thôn mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nợ đọng. Đồng thời, các địa phương cũng ra những quy chế chính sách riêng giải quyết vấn đề này.

Ra hướng dẫn xác định nợ đọng xây dựng cơ bản

Ngày 01/11/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) trong Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo đó, tiêu chí xác định nợ đọng XDCB trong Chương trình MTQG xây dựng NTM bao gồm có các dự án thuộc đối tượng của Chương trình MTQG xây dựng NTM quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; những dự án thuộc đối tượng chương trình đã được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các dự án thuộc Đề án xây dựng NTM, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định.

Nợ đọng XDCB trong Chương trình MTQG xây dựng NTM bao gồm các công trình đã được hoàn thành nghiệm thu tính đến hết ngày 31/12/2014 và nợ đọng phát sinh sau ngày 31/12/2014.

Về nợ đọng ngân sách Trung ương, các địa phương phải bố trí nguồn vốn trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 để thanh toán dứt điểm số nợ đọng, sau đó mới tiếp tục bố trí cho các dự án chuyển tiếp, khởi công mới theo quy định. Đối với nợ đọng ngân sách địa phương, các địa phương chịu trách nhiệm bố trí từ ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020. Đối với các nguồn vốn khác, địa phương chủ động huy động đảm bảo theo cam kết mà các quyết định đầu tư dự án đã phê duyệt.

Địa phương chủ động ‘gỡ’ nợ đọng xây dựng NTM

Cùng với hướng dẫn của Bộ kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chủ động tìm các phương án giải quyết bài toán khó mang tên nợ đọng xây dựng NTM.

Chẳng hạn như tại Nghệ An, năm 2017, toàn tỉnh có 20 xã kí cam kết về đích nông thôn mới. Điều đáng mừng là cả 12 xã này không có tình trạng nợ đọng vốn trong xây dựng NTM.

{keywords}
Chợ Đại Xuân xã Diễn Xuân (Diễn Châu) được xây dựng bằng nguồn vốn 100% của doanh nghiệp. Ảnh: Theo Báo Nghệ An

Có được điều này là nhờ cách làm riêng sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng xã. Đó là không chạy theo thành tích, chạy theo sự hoành tráng của các công trình mà có đến đâu làm chắc đến đó, triệt để tiết kiệm.

Để tìm sự ủng hộ của người dân, nhiều xã ở Nghệ An đã chủ động họp bàn xin ý kiến người dân, thống nhất các khoản đóng góp để trả nợ. Chỉ khi nhân dân đồng tình mới bắt tay vào triển khai các công trình.

Đại diện lãnh đạo Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Nghệ An cho biết: Để hạn chế nợ đọng trong xây dựng NTM, mỗi địa phương không nặng về đích NTM bằng mọi hình thức.

Với những xã có nợ đọng nông thôn mới nhiều từ trước đó, Nghệ An chỉ đạo các xã dừng các công trình không có khả năng quyết toán, tập trung vào quyết toán các công trình đã hoàn thành; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và nguồn thu ngân sách địa phương để giải quyết các nợ đọng cũ. Bên cạnh đó, khai thác quỹ đất để bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại Thừa Thiên Huế, dù nằm trong nhóm địa phương có số nợ đọng không cao, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh vẫn chủ động xây phương án Quy định cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016-2020, trình HĐND xem xét. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp các địa phương giảm bớt gánh nặng trong đầu tư xây dựng nông thôn mới.

D.Minh - Thu Trà