- "Giới trẻ ngày nay không mặn mà với việc phấn đấu để mua nhà, mua xe như những thế hệ trước, tôi cho là một quan điểm tiến bộ, có tính hội nhập với thế giới" - MC Lê Anh nói.
Tại sao giới trẻ không còn thiết tha mua nhà, mua xe? Nhà cửa và xe hơi không còn là thước đo thành công với giới trẻ ngày nay. Ngày càng nhiều người trẻ trên thế giới không muốn tiết kiệm tiền để sở hữu những tài sản giá trị này. |
MC Trịnh Lê Anh, giảng viên trường ĐH KHXH và NV Hà Nội đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ của Việt Nam mới đây có cuộc chia sẻ thú vị xung quanh những vấn đề của giới trẻ hiện nay.
MC Lê Anh: 'Giới trẻ không mặn mà với nhà đẹp, xe sang là tiến bộ đấy chứ'. |
Trong một bài báo gần đây có viết về xu hướng bạn trẻ hiện nay không còn mặn mà với việc phấn đấu để mua nhà, mua xe như những thế hệ trước, anh đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Không mặn mà với việc phấn đấu để mua nhà, mua xe như những thế hệ trước, tôi cho là một quan điểm tiến bộ, có tính hội nhập với thế giới. Rõ ràng, thời cuộc đã đổi thay, điều kiện vật chất để có một cuộc sống tốt đã đơn giản hơn.
Các bạn trẻ có thể tham khảo nhiều cách sống khác nhau khắp thế giới, và họ thấy rằng tích lũy để sở hữu những món tài sản lớn ngay khi còn trẻ sẽ làm mất cơ hội trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống theo cách mà họ muốn, khi còn thanh xuân. Do đó, lựa chọn của họ là dễ hiểu và tôi cũng thấy thoải mái về sự khác biệt thế hệ đó của giới trẻ Việt Nam hiện tại.
Theo anh, đâu là điều giúp các bạn trẻ tự tin hội nhập hơn nữa với thế giới?
- Với thế giới phẳng nhưng không dễ đi lại như hiện nay, thanh niên cần tự xóa bỏ những rào cản của chính mình như năng lực ngôn ngữ, hiểu biết chung để kết nối và chia sẻ các thông điệp, văn hóa của bản thân, gia đình và đất nước…
Trong tất cả các yếu tố đó, tôi muốn nhấn mạnh đến tri thức, là điểm yếu đánh bại sự tự tin của các bạn trẻ nếu không đạt được mức độ cơ bản. Nếu trau dồi được điều này, đây sẽ thế mạnh để thanh niên hội nhập bất cứ ở đâu trên toàn cầu. Có tri thức, bạn sẽ được chào đón nhiều hơn!
|
||
|
Được biết, tại sự kiện giao lưu quốc tế Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) năm nay, anh được giao trọng trách là Lãnh đạo Quốc gia của Đoàn Thanh niên Việt Nam, anh có suy nghĩ như thế nào về nhiệm vụ mới này?
- Lãnh đạo quốc gia là một vị trí quan trọng trong chương trình SSEAYP, mỗi nước cử một đoàn đại biểu gồm 28 thanh niên và một lãnh đạo quốc gia - người chịu trách nhiệm cao nhất hoạt động của đoàn trong thời gian tham gia hành trình.
Ở Việt Nam, nhiệm vụ cũng tương tự, nhận lời mời của Trung ương Đoàn tham gia hành trình, Lãnh đạo quốc gia chịu trách nhiệm tổng thể về hình ảnh, uy tín, hoạt động của đoàn.
Qua mỗi năm phía Nhật Bản lại yêu cầu các Lãnh đạo quốc gia phải gia tăng thêm “quyền lực” để đưa chương trình lên một tầm cao mới về chất lượng. Tuy nhiên, cá nhân tôi thì muốn mình là “giáo viên chủ nhiệm” hơn là “lớp trưởng”. Năm 2008, tôi cũng tham gia chương trình và giữ vai trò “lớp trưởng” rồi mà! (cười).
MC Lê Anh từng làm “Lớp trưởng” của SSEAYP 2008. |
Mặc dù chương trình SSEAYP là một hoạt động giao lưu quốc tế bổ ích và thú vị từ nhiều năm nay nhưng dường như vẫn chưa được nhiều bạn trẻ biết đến. Theo anh lý do là vì sao?
- Rõ ràng SSEAYP không phải và không thể nổi tiếng như Liên hoan âm nhạc quốc tế hay một sự kiện giải trí thu hút công chúng trẻ rộng rãi. Nó là một chương trình thách thức với sự tuyển chọn gắt gao.
Chỉ riêng tiêu chuẩn tiếng Anh để tham gia hành trình đã loại bỏ khá nhiều bạn trẻ tiềm năng nhưng chưa giỏi tiếng! Do đó, nó đang tiếp tục được biết đến rộng rãi hơn với những bạn trẻ có sự quan tâm.
Tuy nhiên, tôi hy vọng là qua báo chí, truyền thông, công chúng rộng rãi tuy không phải đối tượng tham gia chương trình cũng sẽ được biết đên và cổ vũ mạnh mẽ cho hoat động ý nghĩa này của thanh niên Việt Nam.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Huy Tùng