Rạng sáng 28 và 29/7 người Việt sẽ có cơ hội đón mưa sao băng Delta Aquarids cùng lúc với nguyệt thực dài nhất thế kỷ nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

Xem video:

Mưa sao băng và nguyệt thực dài nhất thế kỷ ok

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết, mưa sao băng Delta Aquarids là hiện tượng diễn ra từ ngày 12/7 đến 23/8 hàng năm.

Tại Việt Nam cực điểm của nó là rạng sáng 28 và 29/7 với khoảng 20 vệt mỗi giờ.

{keywords}
Một sao băng được ghi lại ngày 13/7/2018. Ảnh: Earthsky.

Để quan sát được tốt nhất hiện tượng này, người xem nên hướng về phía chòm Aquarius - tâm điểm của trận mưa sao băng ở bầu trời phía nam trong khoảng từ 2 giờ sáng đến trước bình minh ngày 28 và 29/7.

“Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, không có mây mù và mưa, người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên này.

Tuy nhiên những người ở khu vực miền núi, ven biển - nơi có góc nhìn rộng, ít ô nhiễm (bụi, ánh sáng) sẽ quan sát được tốt hơn. Ở thành thị, người xem nên lựa chọn những địa điểm như sân thượng, bãi đất trống… để chiêm ngưỡng”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, mưa sao băng Delta Aquarids có độ lớn trung bình, tuy nhiên trận mưa sao băng này lại xuất hiện trùng thời điểm với nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.

Nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút ngày 28/7, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2 giờ 30 phút đến 4 giờ 13 phút. Do vậy nếu điều kiện thời tiết lý tưởng, không có mưa và mây mù người Việt sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cùng lúc 2 hiện tượng thiên nhiên thú vị này.

“Trong trường hợp không có mây mù hoặc mưa, cách đơn giản nhất để quan sát 2 hiện tượng này là tìm mặt trăng và quan sát trong khu vực lân cận nó”, ông Sơn cho biết.

Được biết, mưa sao băng Delta Aquarids có nguồn gốc từ ngôi sao chổi nổi tiếng 1P/Halley. Trên đường đi, sao chổi để lại mảnh vụn, tạo thành những dải thiên thạch dài.

Hàng năm khi Trái Đất cắt ngang qua đường đi của sao chổi này, các thiên thạch lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng.

Người Việt sắp được xem nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ

Người Việt sắp được xem nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ

Ông Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào rạng sáng 28/7 và người dân ở các vùng miền Việt Nam đều có thể quan sát.

Minh Anh