Theo quy định, mức lương thử việc của G.L tháng thứ nhất là 3 triệu và tăng 100 nghìn đồng cho những tháng tiếp theo. Nhưng cuối tháng anh chỉ nhận được 40% lương và bị trừ chỉ còn 245 nghìn đồng…

Quá bức xúc với cách tính lương của chủ cửa hàng, mới đây 1 chàng trai trẻ có nickname G. L đã đăng tải hình ảnh tờ biên lai tiền lương lên Facebook. Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. 

{keywords}
Mức lương tháng 9 của G.L với các khoản bị trừ

Theo bức ảnh mà G.L chia sẻ, nam thanh niên này phải thử việc trong thời gian 2 tháng. Với mức lương quy định là 3 triệu đồng cho tháng thứ nhất và tăng 100 nghìn đồng cho những tháng tiếp theo. 

Thế nhưng lương thử việc tháng 8 của G.L là 1,8 triệu (hưởng mức 60% mà theo chủ quán là do ý thức kém, nhắc nhở nhiều lần nhưng không tự chấn chỉnh). Vì G.L chỉ làm 19 buổi/tháng nên mức lương nhận về chỉ còn 1,2 triệu đồng.

Khoản lương này tiếp tục bị trừ đi 490 nghìn đồng tiền đồng phục, mua tài liệu... Ngoài ra, số lương ít ỏi còn lại tiếp tục bị phạt thêm gần 400 nghìn đồng do làm thiếu giờ, đi muộn, ra ngoài không xin phép.

Những tưởng sau 1 tháng làm quen với công việc, mọi chuyện sẽ khá khẩm hơn, nào ngờ cuối tháng 9, số tiền G.L nhận về càng bị trừ thảm hại hơn. Mặc dù đi làm 27 buổi nhưng mức lương mà L. nhận về chỉ là 1,2 triệu do tính mức 40% lương chính thức (thấp hơn tháng đầu tiên).

Khoản lương này tiếp tục bị trừ bởi chi chít lỗi như đi muộn, chấm công không đúng giờ, làm đổ đĩa và mì. Điều đáng bàn là các lỗi này đều tái phạm nhiều lần và số tiền phạt cứ theo số lần vi phạm, tăng lên theo cấp số nhân. 

Kết quả là số tiền G.L nhận về chỉ còn 245 nghìn đồng.

{keywords}
Số lương mà G. L nhận được ở tháng thử việc thứ nhất là gần 400 nghìn đồng

Theo chia sẻ của L. trên trang cá nhân, quán ăn này có rất nhiều quy định hà khắc. 

Chẳng hạn như chủ quán bắt nhân viên bê hơn 10 đĩa mì cùng lúc nhưng nếu rơi vỡ chỉ 1 chiếc đĩa thôi thì coi như cả ngày hôm đó đi làm không công. 

"Không phải chạy 1-2 vòng đâu mà chúng tôi chạy rất nhiều lên tầng 3 tầng 4 bằng 10 đĩa. Chúng tôi rất mệt còn bỏng cả tay. Không bê như thế họ sẽ đuổi việc ngay", G.L viết.

Bên cạnh đó, anh cho biết, mình còn bị nhân viên cũ bắt nạt, soi mói và bị quản lý vắt kiệt sức lao động. Đã vậy quán còn giữ tiền tiết kiệm hộ nhân viên, mỗi tháng đều trích ra 100 nghìn đồng. Sau rất nhiều nỗi bức xúc, G.L kiên quyết lên tiếng để mọi người hiểu và không nên đi làm ở đây.

Liên hệ với G.L, chàng trai này khá bức xúc: "Đúng là quy định về tiền phạt có từ trước nhưng quán cũng bắt nhân viên làm rất nhiều việc không ghi trong hợp đồng. Ví dụ như hợp đồng chỉ nói mình làm vị trí chạy bàn, dọn dẹp nhưng rồi bắt đi cọ cả xô rác, khay mỡ bẩn, kéo bột mỳ...". G.L kể.

Bên cạnh đó, G.L cũng "tố" quán có thêm một số khoản phạt truyền miệng không ghi trong hợp đồng. "Ví dụ nghỉ phép 2-3 ngày bạn sẽ bị giữ lương từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng và gọi là tiền tiết kiệm sẽ hoàn lại".

Trước những ồn ào trên, chúng tôi đã liên hệ với chị Nguyễn Linh Hương, (Đại diện truyền thông phía Spaghettibox). Chị Hương cho biết: “Những lời L nói về mức lương của nhân viên chạy bàn và chuyện bạn ấy bị phạt là có thật”.

Theo chị Hương, quy định của công ty đúng là có chút nghiêm ngặt. Tuy nhiên, G. L đã đi làm thì phải tuân thủ. "Hơn nữa quy định là thế nhưng chúng tôi vẫn luôn châm trước cho nhân viên nếu như họ luôn cố gắng hoàn thành công việc".

Chị Hương cũng cho hay, việc L khẳng định việc quán không có thông báo trước nhưng giữ 500 nghìn tiền nghỉ không phép 2-3 ngày/tháng thì không đúng sự thật. 

“Trước khi ký cam kết thử việc, quán chúng tôi có tổ chức cho nhân viên tham gia một buổi hội nhập nhằm giải thích lại những quy định hay quyền lợi của nhân viên được hưởng khi làm việc tại quán. Sau buổi hội nhập, nếu bạn nào cảm thấy không phù hợp cũng như không thỏa mãn với những yêu cầu và quy định quán đưa ra thì có thể xin rút hồ sơ”.

Theo lời chị Hương, tháng 8, G.L đã nhiều lần vi phạm quy định nhưng chỉ bị phạt nhẹ với tính chất nhắc nhở vì là nhân viên mới. 

"Tuy nhiên, L không tiến bộ và đến ngày 28/8 còn tự ý nghỉ việc không phép. Theo quy định của công ty, nếu nhân viên không giải trình được lý do chính đáng thì có thể cho nghỉ và không tính lương tháng đó. Nếu nhân viên giải trình được thì vẫn bị cho nghỉ việc và trả đủ lương vì thực tế G.L là một nhân viên liên tục mắc lỗi".

{keywords}

Câu chuyện G.L tố chủ quán thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng 

Về chi tiết nhiều bạn tỏ ra thắc mắc rằng, tại sao bạn L đã vi phạm từ tháng đầu tiên mà quán không cho nghỉ việc mà phải đợi đến tháng thứ 2.

Chị Hương lý giải : “Vì G.L còn trẻ mà đã có gia đình nên phía quản lý cửa hàng đã rất thông cảm. Chị T. (quản lý của quán) đã đứng ra bảo lãnh cho G.L tiếp tục được làm việc. 

Đồng thời, khi đó chị T. đã nói rõ nếu tiếp tục ở lại, G.L sẽ bị tính lương thử việc thấp hơn mức lương thử việc tháng đầu tiên nếu vẫn tiếp tục vi phạm nội quy. G.L đã chấp nhận, hứa sẽ tuân thủ quy định và làm việc chăm chỉ vì đây là công việc bạn rất yêu thích".

Mặc dù đã khẳng định như vậy nhưng tháng tiếp theo làm việc tại đây, G.L lại tiếp tục mắc lỗi. 

"Theo quy định, nếu trong tháng có 2 lần đi muộn, mỗi lần dưới 10 phút sẽ không bị phạt. Nếu không sẽ bị phạt mức 1.000 đồng/ 1 phút. Sau nhiều lần tái phạm, nhắc nhở không được thì mới bị nhân 2 và khi bị nhân 3, công ty sẽ xem xét cho thôi việc nếu đó là một nhân viên không có ý thức tự giác".

Minh Giang