- Dù đã đọc nhiều, nghe nhiều về các câu chuyện kỳ lạ ở nước Mỹ nhưng khi tự trải nghiệm, mắt thấy tai nghe tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Tôi là du học sinh, 27 tuổi, bắt đầu đặt chân đến Mỹ và theo học cao học tại trường Murray State University (bang Kentucky) từ tháng 1 năm 2017.
Mỹ có phải thiên đường hay không tôi chưa có câu trả lời. Nhưng trải nghiệm những ngày qua của tôi ở cường quốc số một thế giới rất đúng với câu thành ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Trước khi lên đường, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với các khó khăn. Một người bạn của tôi còn rào trước rằng: “Ở đây phải tự lực cánh sinh, không nhờ vả ai giúp đỡ được đâu, ai cũng bận rộn hết”.
Vậy mà tôi đã được giúp đỡ nhiều hơn tưởng tượng. Sự tử tế ở khắp mọi nơi.
Người Mỹ luôn sẵn lòng giúp đỡ chứ không lạnh lùng như người ta tưởng. |
Sau khi nhập cảnh vào Mỹ, tôi phải chuyển một chuyến bay nội địa khác mới đến điểm cuối cùng. Sân bay rộng thênh thang, có biển chỉ dẫn nhưng vì nhiều ngã rẽ nên tôi đi vòng vòng mà chưa tìm được cửa lên máy bay.
Dừng lại hỏi một người đang xếp hàng chờ vào cửa lên máy bay, họ chỉ rất tận tình. Thấy tôi gật đầu lia lịa nhưng vẻ mặt vẫn nhiều thắc mắc, họ liền nhường chỗ của mình cho người khác lên trước và dẫn tôi ra tận cửa chờ lên máy bay. Dù lúc đó, tôi đã một mực nói rằng tôi có thể tự tìm ra nó.
Ngày đầu đi nhập học cũng vậy, trường quá rộng nên xem bản đồ tôi vẫn bị lạc hướng. Tôi phải dừng lại hỏi một công nhân đang dọn cành cây gãy trong sân trường. Anh đang đứng trên thùng xe tải để xếp những thanh gỗ nhưng khi nghe tôi hỏi đường, anh sẵn sàng nhảy xuống đất, dẫn tôi ra gần toà nhà cần tìm mới an tâm quay lại.
Tiếp theo, tôi có trải nghiệm đầu tiên khi đi siêu thị tự chọn. Đó là một đại siêu thị lớn nhưng không có bóng dáng một bảo vệ nào ở cửa ra vào. Mọi người thoải mái đưa túi xách, balo đồ đạc của mình vào siêu thị. Lúc tính tiền khách cũng tự cân, tự nhập mã sản phẩm, tự tính, tự quẹt thẻ với máy.
Lần đầu tiên tiếp xúc với hệ thống tính tiền hiện đại như vậy, tôi loay hoay không biết làm thế nào liền hỏi một khách hàng khác. Họ vui vẻ chỉ cho tôi từng bước, cũng không tỏ ra cáu giận vì tôi loay hoay mất nhiều thời gian hơn người khác.
Hàng đặt mua được “vứt” ở cửa nhà nhưng không sợ mất cắp |
Điều tôi ấn tượng nhất ở đây là họ luôn chủ động nhường đường. Trong siêu thị thấy bạn đang đẩy xe, họ sẵn sàng dừng lại nhường đường cho bạn đi trước hoặc ở ngã rẽ giao nhau, họ luôn nhường cho người khác đi trước.
Đường phố ở đây rất ít đèn xanh, đèn đỏ, chủ yếu là vạch kẻ đường. Lần đầu tiên sang đường, nhìn thấy xe từ xa, tôi đứng đợi để xe đi qua trước. Nhưng đến gần vạch kẻ đường thì xe ô tô lại dừng nhường đường cho tôi đi trước. Nhiều lần khác nhìn thấy tôi gần đến vạch kẻ đường là xe đã dừng lại chứ không cố vượt trước. Tôi vừa sang đường vừa buồn cười với sự “ngố tàu” của mình.
Một trải nghiệm hay ho khác của tôi là mua đồ online. Ở đây mọi thứ bạn có thể mua online, họ đưa đến tận cửa nhà. Nhưng khác với Việt Nam, bạn phải canh cửa đợi người giao hàng đến để nhận hàng thì ở đây bạn thoải mái đi học, đi làm cả ngày, tối về món hàng đã ở cửa nhà.
Người giao hàng ở đây ít khi gọi điện cho khách, trừ những món hàng có giá trị thật lớn, còn hầu hết họ đều giao đến cửa nhà và để lại ở đó, dù bạn ở nhà họ cũng không gõ cửa. Họ sẽ gửi một email báo cho bạn là món hàng của bạn đã giao xong, nó đang đặt ở cửa nhà hoặc hòm thư nhà bạn.
Để hàng như thế có sợ trộm không ư? Hiếm khi xảy ra lắm vì luật ở đây rất nghiêm, bạn trộm một món đồ dù nhỏ đến mấy cũng sẽ gặp rắc rối to trong suốt quãng đời còn lại.
Sự khác biệt thú vị giữa học sinh Việt xưa và nayVới những tình huống so sánh vui nhộn, đoạn video của teen Nghệ An khiến dân mạng thích thú khi cho thấy sự khác biệt giữa học sinh xưa và nay. |
Lê Na (Từ Kentucky, Hoa Kỳ)