Mẹ tôi thường nhắn nhủ, tìm chồng phải chọn người như bố tôi: không hút thuốc, không bia rượu, không trăng hoa, hết việc thì về với vợ con, thi thoảng còn chui vào bếp nhặt rau giúp vợ.
Từ khi cưới nhau đến lúc có mấy mặt con, ít khi nào bố mẹ cãi nhau. Thường, mẹ tôi là người kết thúc vấn đề nếu phải tranh luận. Con gái nào chẳng thần tượng bố. Và tôi cũng đã đi tìm một nửa bên kia na ná bố. Nhưng...
Ngày ra mắt, bố mẹ tôi quá hài lòng về chàng rể tương lai: anh không biết hút thuốc, rượu bia mới vài ly đã lăn ra ngủ như chết. Anh còn được cái đúng giờ, đi chơi với tôi vui cỡ nào anh cũng phải có mặt ở nhà trước mười giờ đêm. Một lần có lễ hội, hai đứa rủ nhau đi xem pháo bông. Lúc về đường tắc nghẽn, mà đồng hồ thì chỉ hơn mười một giờ rồi, thấy anh quáng quàng lo lắng phải về nhà cho kịp giờ nhà xe chung cư đóng cửa, tôi giả vờ: “Thì anh cứ về hướng của anh cho nhanh. Em đi xe ôm cũng được”. Ai ngờ anh ngừng xe, gọi xe ôm, trả tiền trước và động viên tôi: “Em thông cảm, về giờ này may ra còn kịp, chứ còn không biết ở đâu đêm nay”. Nghe chồng tương lai nói vậy, tôi như trên mây rớt xuống. Thế là tôi giận đến chục hôm, anh cũng nhìn ra vấn đề và xin lỗi rối rít: “Từ nhỏ đến giờ anh đã quen cái nguyên tắc kia rồi, đi chơi về nhà quá mười một giờ thấy mình sa đà thế nào ấy”. Có lần tôi giả vờ rủ anh qua đêm ở đâu đó, anh quát lên như gặp phải quái vật: “Em sao thế? Chưa cưới xin mà vậy à!” Ối giời, có khi anh khiến tôi hư thật cũng nên! Đi ra đường, có nhiều cô đẹp đến tôi còn phải quay lại nhìn, nhưng người yêu tôi thì tuyệt đối không với lý do, “đã có người yêu thì không nên nhìn ngó xung quanh”. Có phải anh nói thế để tôi yên lòng? Chứ theo những kiểm chứng từ người thân và bạn bè anh, thì từ thời sinh viên đến giờ, tôi là người yêu đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của anh.
Cớ sao có người chồng tương lai hiền, tốt, chung thuỷ như vậy mà tôi lại hoang mang? Tâm sự với mẹ, tôi chỉ nhận được lời mắng của bà: “Không biết giữ, có ngày mất thì hối không kịp. Đào ra đâu một đứa như vậy”. Còn thủ thỉ với lũ bạn thân, tụi nó phản ứng: “Kiểu người như vậy chán thật, phải hư một chút thì nửa kia mới thấy thú vị chứ”. Tôi không thiên về ý kiến bên nào, nhưng quả thật, gần đây tôi cảm thấy hơi nhàm mỗi lần đối diện với anh. Nhất là cái khoản đi ăn chỉ uống nước suối, đúng mười giờ phải về nhà; làm điều gì, về nhà mấy giờ, thậm chí ho lên một tiếng anh cũng nhắn tin cho tôi. Ngày nào cũng từng ấy nội dung thì chán quá còn gì.
Phải chăng tôi đòi hỏi anh quá nhiều, hay anh phải đổi thay một chút, “hư” một chút để còn hấp dẫn được mình?
Mai Loan (TP.HCM)
TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM: Thêm muối nếu thấy nhạt Lê Ngọc Hiền, 30 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM: Hiền quá hoá khờ Trịnh Tiến Sĩ, 27 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM: Hư là một trải nghiệm |
(Theo SGTT)