“Người xưa thường quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong tháng cô hồn, tuy nhiên cũng đừng vì sợ ma quỷ mà gò bó mình. Điều này là không nên bởi cũng có người có thể gặp tai họa vì kiêng quá mức”, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ.

Kiêng để giải quyết vấn đề tâm linh

Dân gian gọi tháng bảy âm lịch là tháng của ma quỷ hay “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Quan niệm dân gian cho rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn và phải kiêng kỵ như: Không treo chuông gió đầu giường, không đi chơi đêm, không nhổ lông chân, không phơi quần áo, không bơi lội… Ngoài ra, tùy theo vùng miền còn có các kiêng kỵ như không khởi công, khánh thành nhà mới, xây dựng gia đình, không mở cửa hàng kinh doanh trong tháng cô hồn...

{keywords}

Nhiều người quan niệm tháng cô hồn không đốt vàng mã. Ảnh minh họa

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, những kiêng kỵ nêu trên trong tháng cô hồn chỉ để giải quyết vấn đề tâm linh. Nếu kiêng được, tâm lý sẽ vui vẻ hơn.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho hay, “Người xưa thường quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong tháng cô hồn, tuy nhiên cũng đừng vì sợ ma quỷ mà gò bó mình. Điều này là không nên bởi cũng có người có thể gặp tai họa vì kiêng quá mức.

Hơn nữa, trong khoa học, chưa ai chứng minh nếu không kiêng được những điều cấm kỵ trong tháng 7 âm lịch thì sẽ bị gặp họa do ma quỷ gây ra. Ngay cả những việc cần kiêng kỵ trên cũng chỉ mang tính chất tương đối theo quan điểm của từng vùng miền hay cá nhân mà thôi.trong khoa học, chưa ai chứng minh nếu không kiêng được những điều cấm kỵ trong tháng 7 sẽ gặp họa. Ngược lại, chưa ai chứng minh nếu kiêng được những điều cấm kỵ sẽ gặp an lành”.

Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Cung Hà cũng cho rằng, kiêng kỵ vào tháng bảy tùy vào từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải cái gì cũng kiêng.

Ông Nguyễn Cung Hà chia sẻ: “Trước hết, tháng Bảy là tháng mưa ngâu. Các cụ ta xưa thường cho rằng, không nên xây nhà, đổ mái, cưới xin vì để tránh mưa ngâu. Thứ hai, theo quan niệm dân gian gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn”, Diêm Vương mở cửa ngục, hoặc tết Vu Lan báo hiếu. Tất cả địa ngục được mở, vong linh, cô hồn, những người chết không được thờ tự, mất dấu, không tên, sống lang bạt, vong linh đi lại tự do. Chính vì quan niệm trên, mà dân gian rất kiêng kỵ, tránh tiến hành những việc đại sự của bản thân, gia đình trong tháng này để không bị vong quấy, vong nhập, vong xúi quẩy để tránh điều không may mắn.

“Cái gì thuộc về kinh nghiệm dân gian, nhất là khía cạnh tâm linh người ta đã kiêng kỵ rồi thì mình nên theo, còn trong những trường hợp bất đắc dĩ phải làm thì sẽ có cách để hóa giải, không nên cứng nhắc. Thực ra, những cái ông bà ta kiêng kỵ nó thường liên quan đến thời tiết, thiên địa nhân, như động thổ, xây nhà, cưới xin. Còn bàn về kiêng kỵ có rất nhiều điều kiêng, xét về mỗi cá nhân trong tháng nào cũng có điều, có ngày người ta phải kiêng. Do đó, cứ hễ tháng Bảy là dừng lại mọi hoạt động thì đó là điều hoàn toàn phi lý. Đặc biệt, các giao dịch như chứng khoán, ô tô, hay các hoạt động mua sắm khác không liên quan gì”, ông Nguyễn Cung Hà quan niệm,

Trong khi đó, GS.TS Phạm Đức Dương, chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á lại cho rằng: "Ai cũng có thể có đức tin của mình song không nên sa đà vào mê tín. Nhiều khi chính sự sa đà quá mức sẽ khiến họ vuột mất cơ hội tốt, vận may một đi không trở lại".

Kiêng kỵ là phản khoa học

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc cho rằng, theo quan niệm của đạo Phật, trong tháng 7, người dân không phải kiêng những điều như quan niệm dân gian vẫn đồn đoán.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã cho biết, đạo Phật không tin có tháng cô hồn. Nhà Phật chỉ dạy, con người không sát sinh vào ngày rằm, mồng 1, không làm điều trái, sống có phúc đức.

“Nếu làm được như vậy, ai cũng được điều lành, điều tốt, tâm lý bình an”, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nói.

{keywords}

Nhiều người quan niệm tháng cô hồn không nên nhặt tiền rơi vãi. Ảnh minh họa

Do đó, Hòa thượng Thích Thanh Nhã khuyên người dân không phải kiêng kỵ bất cứ điều gì trong tháng 7. “Những điều kiêng đều do dân gian tự đặt ra chứ không có thuyết nào dạy như thế. Những ngày xấu, ngày tốt là do quan niệm chứ đạo Phật không dạy con người kiêng kỵ trong tháng 7. Đạo Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu. Trong mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước, thì ma quỷ cũng phải sợ. Thay vì làm những điều kiêng kị không có cơ sở, mọi người nên làm điều thiện, tích đức, báo hiếu cha mẹ”.

Thượng toạ Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chia sẻ: "Dân gian quan niệm tháng Bảy là tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt. Thực tế, ngày xấu hay ngày tốt đến do quan niệm mà ra, hơn nữa Phật đã khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu. Kiêng kỵ là phản khoa học".

H. Thúy