Số thanh niên đi xuất khẩu lao động ở buôn Kotam (xã Eatu - Buôn Ma Thuột) ngày một tăng. Họ đang cố tìm cho mình con đường thoát nghèo khi mà cây trồng cà phê không thể giúp họ lo nổi cái ăn, cái mặc.

Bà con trồng cà phê tìm cách xoay xở cuộc sống

Buôn Kotam có hơn 560 hộ, trong đó có 500 hộ trồng cà phê. Tuy nhiên, đa phần các hộ trồng cà phê đều rơi vào… diện nghèo. Đất đai bạc màu, cây cà phê ngày càng già cỗi nhưng bà con thiếu vốn, thiếu kỹ thuật để tái canh, cải thiện năng suất, chất lượng cà phê... là nguyên nhân khiến đời sống người trồng cà phê khốn khó. Cố gắng bám trụ với cây cà phê suốt hàng chục năm nhưng vẫn chẳng thề tự “cứu” mình, người dân đành tìm cách khác để xoay xở cuộc sống.

Ở buôn, người ta tranh thủ cho con học tiếng nước ngoài đi xuất khẩu lao động, năm vừa rồi đi 8 người, đi Hàn Quốc, Nhật Bản đủ cả; còn lại cũng vào TP.HCM, Bình Dương lập nghiệp.

{keywords}

Ông Y Nguê Mlô nói về cái khó của bà con trồng cà phê ở buôn Kotam trong cuộc gặp gỡ với đoàn khảo sát chương trình Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột

Nhưng câu chuyện bỏ “mảnh đất vàng cà phê” đi tìm “giấc mơ đổi đời” nơi xứ người của người dân buôn Kotam cũng lắm nhọc nhằn. Ông Y Nguê Mlô - Già làng buôn Kotam trăn trở:

“Nếu không vì cái nghèo, vì hoàn cảnh, không ai ở xứ cà phê này muốn con cái lập nghiệp xa nhà, vất vả nơi xứ người. Mà đi thì cũng có đứa được đứa không. Có đứa đi bẵng 10 năm trở về cũng có tiền đâu. Thôi thì đất còn, người còn, cứ kiếm vốn tái canh, cải tạo đất, tăng năng suất cà phê rồi tương lai cũng khá thôi.”

“4 nhà” cùng gỡ khó cho người nông dân

Có thể nói, chuyện đi xuất khẩu lao động hay làm thuê làm mướn cũng là bước “chẳng đặng đừng” của bà con buôn Kotam. Điều mà người dân thật sự cần bây giờ là sự giúp đỡ để họ duy trì và phát triển cây cà phê, cải thiện cuộc sống.

Ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận định: “Buôn Kotam là 1 trong những buôn trồng cà phê lâu đời ở Buôn Ma Thuột nhưng bà con chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm dân gian nên năng suất rất thấp. Do đó, để duy trì và phát triển cây cà phê, ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập, bà con cần phải tổ chức sản xuất lại, đúng quy trình, đúng kỹ thuật.”

Ông Thích cũng cho rằng, nếu để tự người dân xoay xở thì sẽ rất khó. Vì vậy, rất cần sự tiếp sức của các doanh nghiệp, nhà khoa học cũng như các ban ngành có liên quan để hỗ trợ người dân đến nơi đến chốn.

Thực tế, từng có nhiều đề án hỗ trợ người dân trồng cà phê trước đó nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, vừa qua, 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, đại diện là Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Tỉnh Đắk Lắk, Trung Tâm Khuyến Nông, Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, công ty Vinacafé Biên Hoà và công ty phân bón Bình Điền đã cùng bắt tay quyết tâm thực hiện thành công chương trình “Hỗ trợ phát triển cà phê Buôn Ma Thuột”, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất cà phê chất lượng tại các hộ đang canh tác nhỏ lẻ tại buôn Kotam.

{keywords}

Các hộ dân ở buôn Kotam nhận cây giống chất lượng từ ông Phạm Quang Vũ (áo trắng ở giữa) - Chủ tịch HĐQT Vinacafé Biên Hòa

Chương trình đã tổ chức buổi tập huấn đầu tiên, bước đầu hướng dẫn bà con buôn Kotam tái canh cây cà phê đúng kỹ thuật thông qua việc cung cấp cây giống, giúp bà con chuẩn bị đất trồng, kỹ thuật trồng... Tại buổi tập huấn, chính các cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến nông đã trực tiếp làm mẫu trên rẫy cà phê để bà con dễ dàng ghi nhớ và thực hành.

Anh Y Tháp Ê Ban, một trong những hộ được hỗ trợ trong đợt này vui mừng cho biết: “Bố chia cho anh em mình mấy sào cà phê mà cũng cỗi hết rồi. Trước giờ cứ muốn cải tạo đất, tái canh đủ thứ nhưng tiền đâu mà làm, ai chỉ đâu mà làm. Giờ thì được hỗ trợ cây giống, phân bón, được cán bộ hướng dẫn tận tình rồi nên mừng lắm.”

{keywords}

Anh Y Tháp Ê Ban thực hành trồng cà phê ghép đúng kỹ thuật trên rẫy nhà

Có thể nói, chương trình tập huấn thực hiện mô hình sản xuất cà phê và thực hiện tái canh cà phê bền vững đã đặt viên gạch đầu tiên trong hành trình cải thiện đời sống người trồng cà phê ở buôn Kotam cũng như góp phần giữ vững và nâng tầm vị thế cây cà phê trên mảnh đất vàng Buôn Ma Thuột.

Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa

Bắt đầu hoạt động từ năm 1968, Vinacafé Biên Hòa là một công ty kinh doanh đồ uống hàng đầu ở Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng bao gồm cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng và đồ uống đóng chai. Với các sản phẩm chất lượng và hệ thống phân phối sâu rộng, Vinacafé Biên Hòa đang nắm giữ thị phần số 1 trong ngành cà phê hoà tan với các thương hiệu mạnh được người tiêu dùng công nhận và tin tưởng như Vinacafé, Wake-Up, Phinn.

Tấn Tài