“Nếu con sốt mà không quấy thì bố mẹ đừng có quấy” - Bác sỹ Nhi khoa Trí Đoàn đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bậc phụ huynh về cách chăm sóc trẻ nhỏ.
Đối với hầu hết các bậc phụ huynh, có lẽ không gì khiến họ lo lắng và cuống quýt hơn là việc con ốm, đổ bệnh. Và sốt sắng tìm mua ngay thuốc cho con uống khi thấy con ốm là thói quen của rất nhiều ông bố bà mẹ.
Những chia sẻ và giải đáp hữu ích xoay quanh vấn đề này của Chuyên gia – bác sỹ Nhi khoa Nguyễn Trí Đoàn trong buổi giao lưu cùng độc giả tại khuôn khổ Lễ hội sách mùa Xuân TP.HCM, 2016 có thể sẽ khiến nhiều bố mẹ “giật mình” và xem lại cách chăm sóc trẻ nhỏ:
Chuyên gia – bác sỹ Nhi khoa Nguyễn Trí Đoàn |
Hỏi: Em đọc thấy rằng nếu con sốt thì không nên cho con uống thuốc giảm sốt. Tuy nhiên con em cứ bị sốt, rồi ho có đờm, khiến em rất sốt ruột. Vậy cách tốt nhất để xử lý mỗi khi con sốt là gì?
Bác sỹ trả lời: Vấn đề là nếu con sốt mà không quấy thì bố mẹ đừng có quấy, cũng như nếu con sốt mà vẫn có thể ngủ được thì bố mẹ cũng nên tranh thủ ngủ đi, đừng gọi con dậy bắt con uống thuốc hạ sốt. Nếu con khó chịu quá thì có thể cho con uống thuốc giảm sốt. Tốt nhất là nên khuyến khích con uống thật nhiều nước, điều này giúp bổ sung nước cho cơ thể vì con sẽ bị mất nước “ngầm” do sốt mà bố mẹ không biết.
Hỏi: Em có theo khám bác sỹ và biết rằng cho dù con bé bị bệnh viêm phổi mà do siêu vi thì vẫn để con tự khỏi thay vì uống thuốc. Tuy nhiên, nhiều người nhìn vào bảo em “không bình thường” vì như thế rất nguy hiểm, rằng điều đó chỉ phù hợp với những em bé ở nước ngoài bởi môi trường sống trong lành hơn, ít ô nhiễm hơn, gen cũng khỏe mạnh hơn. Điều này có đúng?
Bác sỹ trả lời: Bệnh do siêu vi thì cho dù có uống thuốc kháng sinh cũng không trị được bệnh, kháng sinh chỉ trị được bệnh do vi khuẩn mà thôi. Để chẩn đoán đúng bệnh, bác sỹ cần có thời gian để hỏi bệnh, theo dõi bệnh và làm các xét nghiệm cần thiết (nếu cần kê đơn). Còn môi trường ô nhiễm, khói bụi chỉ gây bệnh về dị ứng. Ngoài ra, trẻ đến tuổi đi học, theo thống kê thì mỗi năm đều cảm từ 10 – 14 trận (thậm chí nhiều hơn), đó là con số của các nước tiên tiến, ở Việt Nam, con số này cũng tương đương. Do đó, không thể cho rằng trẻ ở nước ngoài do gen mạnh hơn nên ít ốm hơn được. Cách tốt nhất để tránh lây nhiễm bệnh vẫn là rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, không đưa tay bẩn lên các cửa ngõ như: mắt, mũi, miệng. Người lớn không nên hôn hít vào mặt trẻ vì có thể lây bệnh cho trẻ.
Hỏi: Bác sỹ cũng biết việc không cho trẻ uống thuốc khi bị ốm là một điều rất khó khăn, nhất là áp lực từ những người trong gia đình. Vậy có cách nào để thay đổi điều đó không?
Bác sỹ Trí Đoàn: Đây là câu chuyện thường gặp ở nước mình, ngay cả trong gia đình tôi cũng thế. Bố tôi cũng từng có ý kiến về việc tôi không cho các cháu uống thuốc mỗi khi ốm bởi bản thân ông cũng là dược sỹ. Nhưng lâu dần rồi tôi cũng chứng minh được cho bố tôi thấy là các cháu không cần uống thuốc vẫn khỏi bệnh, thậm chí còn khỏi bệnh nhanh hơn. Thế nên, để có thể tác động đến những người thân trong gia đình chỉ có cách là nên thực hiện từ từ một cách thật kiên trì.
Hỏi: Con em 1 tuổi nhưng chiều cao chỉ có 71cm, bác sỹ dinh dưỡng bảo rằng thiếu đến 4cm so với chiều cao chuẩn là quá nhiều. Em có nên cho con em uống sữa và nên uống sữa gì để tăng chiều cao vì bác sỹ dinh dưỡng bảo rằng đến 5 tuổi là trẻ hết phát triển chiều cao?
Bác sỹ Trí Đoàn: Chiều cao của trẻ quyết định vào thời điểm trẻ dậy thì, có trẻ cao sớm, có trẻ cao muộn, có trẻ ngoài hai mươi tuổi vẫn còn cao, nên điều bác sỹ dinh dưỡng nói là không chính xác. Em không nên so sánh con em với con số “chuẩn” nào mà hãy chỉ so sánh với chính sự phát triển của con em. Con số mà các bác sỹ dinh dưỡng hay sử dụng nó là “con số trung bình” nhưng đó cũng chỉ là trung bình của các đối tượng được mang ra để nghiên cứu ở thời điểm đó, chứ không phải là “chuẩn” chung cho tất cả các em bé. Nếu như bạn nhỏ nào cũng áp vào một cái chuẩn nào đó nhất định thì chúng ta đã trở thành “Iphone 6S” hết cả rồi, là máy chứ không phải là con người. Bạn thấy đấy, trong số chúng ta ngồi đây có người gầy, có người béo, có người cao, có người chưa cao… và điều đó là hoàn toàn bình thường, mọi người vẫn sống vui, sống khỏe và đến đây giao lưu đấy thôi.
Hỏi: Xin chào bác sỹ! Con em hơn 38 tháng tuổi, mỗi ngày bé bú mẹ 200ml, đi học ở trường có ăn trưa, nhưng đã 10 tháng nay bé bỏ không ăn bữa tối. Có một đợt bé bị nhiệt miệng nên bỏ ăn mấy ngày, sau đó thì bé có ăn lại nhưng vài hôm sau lại bỏ ăn tối. Vậy em có nên giảm lượng sữa xuống nữa để con ăn nhiều lên không?
Bác sỹ Trí Đoàn: Trẻ không ăn là vì trẻ không có cơ hội để đói. Ở trường trẻ đã ăn đủ nhu cầu cần thiết cho cả ngày nên tối không ăn nữa. Đi học từ thứ 2 đến thứ 6, trẻ ăn đủ cho cả tuần rồi nên thứ 7, chủ nhật, trẻ sẽ không ăn nữa. Và rõ ràng là lần duy nhất bé thật sự đói chính là lúc bé bị nhiệt miệng, lở miệng thì không ăn được nên sau đó bé ăn bù, ăn trả bữa. Rồi sau đó bé lại quay về ăn theo nhu cầu như trước đó, nghĩa là sẽ lại bỏ bữa tối như hiện nay. Do đó, điều này không có gì đáng để lo lắng cả. Mẹ cứ duy trì cho trẻ uống sữa 200ml là được.
Hỏi: Em có đọc trong sách nhắc đến việc bổ sung vitamin D cho bé mỗi ngày 400 IU và nếu mẹ bổ sung mỗi ngày 6000 IU thì bé không phải bổ sung trực tiếp nữa nếu bé bú mẹ hoàn toàn. Nhưng hiện nay em bắt đầu đi làm và lượng sữa bé bú cũng ít đi, vậy liệu em có nên bổ sung vitamin D trực tiếp cho bé không?
Bác sỹ Trí Đoàn: Bé bú ít đi thì lượng vitamin D có trong sữa mẹ (cho dù mẹ có uống đủ 6000 IU/mỗi ngày) có thể sẽ không cung cấp đủ cho nhu cầu của bé. Do đó, bạn nên cho bé uống vitamin D trực tiếp. Cách bổ sung này rất đơn giản, mỗi ngày chỉ có một giọt thôi!
Hỏi: Bé nhà em bú mẹ hoàn toàn, nhưng nhiều người cho rằng sữa mẹ sau 15 tháng sẽ bị “lạnh”, không còn đủ chất, không tốt cho bé. Vậy em có nên cho bé bú mẹ nữa không?
Bác sỹ Trí Đoàn: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ và không có nghiên cứu nào cho thấy sữa mẹ bị “lạnh” sau 15 tháng. Do đó, em hãy cho trẻ bú mẹ cho đến khi nào trẻ con thích bú mẹ và em còn có thời gian để cho trẻ bú.
(Theo Khám phá)