Con bị vấp cái ghế té, khóc thì đánh cái ghế "cái ghế hư" mà không dạy con cách bước qua chướng ngại vật, tự đứng dậy sau té ngã.

Làm cha, làm mẹ ai cũng yêu con, kỳ vọng con ngoan, học giỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết dạy con đúng cách. Những đứa trẻ hư, thụ động, sống ỷ lại chính là sản phẩm của những cách dạy dỗ sai lầm.

Dưới đây là những chia sẻ của bà mẹ hai con Hoàng Mỹ Uyên, hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh về những điều bất hợp lý trong cách dạy con của cha mẹ Việt. Chị Uyên cũng bộc bạch về quan điểm dạy con của bản thân và cách dạy con trở thành một đứa trẻ tự lập, biết trân trọng và yêu thương thế giới.

Làm cha mẹ khó, mệt nhưng thú vị

Chị có thể chia sẻ về cách dạy con của mình, đặc biệt là việc dạy con tự lập và các kỹ năng sống?

Tôi có hai con, một gái một trai và đều bắt đầu dạy cả 2 con từ 3 tuổi. Độ tuổi này, các con chưa rành về ngôn ngữ biểu đạt nhưng đã có nhận thức và dần ý thức về bản thân. Dạy con ở độ tuổi này cần nhất là sự kiên trì.

Về tự lập thì bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Ví dụ như khi khát, con hay gọi “nước” và người lớn sẽ cầm ly nước cho con uống nhưng tôi không làm thế, khi con gọi “nước”, tôi sẽ đưa ly nước nhỏ, bằng nhựa cho con tự cầm uống. Ban đầu có thể đổ ước áo, rơi rớt ly tách…nhưng tôi không coi đó là vấn đề. Dần dà thì khi khát mà có ly nước trước mặt thì con sẽ tự bưng uống luôn, chỉ khi không có mới gọi xin. Lớn hơn chút con sẽ tự đi lấy.

Dạy kỹ năng sống cũng vậy, những gì nguy hiểm đối với con tôi không cấm hay đe nạt mà chỉ cho con thấy hậu quả. Ví dụ để con không leo trèo cửa sổ, ban công, tôi nói với con về hậu quả của việc té xuống. 

Tôi cho con xem hình con vật nào đó ngã từ trên cây hay trên cao xuống như con chim non chẳng hạn, hình những em bé khóc, buồn bã…rồi nói với con, nếu con té xuống sẽ bị thương như con chim non này. Con muốn vậy hông? Con lắc đầu. “Con đừng leo trèo lên cửa sổ hay ban công nhé?” Con gật đầu đồng ý. Cứ vậy mình nhắc và lặp lại nhiều lần, cách thức khác nhau nhưng nội dung thì như nhau. Các con sẽ ý thức được và tự sợ, tự tránh dù có mặt người lớn ở đó hay không thậm chí nhắc nhau.

Trong cuộc sống hằng ngày, tôi hướng dẫn con từng thứ một. Đi trên đường thì sẽ chỉ con xem sự phân chia làn đường, các loại xe, đèn xanh đèn đỏ. Đi tàu lửa, máy bay…tôi đều chỉ cho con cách nhìn bảng hiệu, lối đi, những việc sẽ làm, cách sử dụng mọi thứ trên máy bay…lặp lại nhiều lần thì các lần đi sau, con bắt đầu quen và thuộc nhiều thứ hơn, tôi khen và động viên con.

{keywords}

Chị Hoàng Mỹ Uyên và các con.

Có bà mẹ chia sẻ rằng, muốn dạy con tốt, muốn con nghe lời thì trước hết cha mẹ phải là bạn của con, tôn trọng con như một người lớn. Ý kiến của chị thế nào?

Tôi nghĩ, cuộc sống vốn là một trường học đối với các con và cha mẹ, người xung quanh là những thầy cô tốt nhất. Nên cứ dạy con từng việc nhỏ nhất. Bằng cách truyền đạt khuyến khích, khen ngợi, tạo cảm hứng cho các con cũng là cách để mình tạo sợi dây liên kết với con, đối thoại tốt hơn, tin tưởng hơn. Từ đó mình tìm hiểu tính cách con cũng dễ dàng hơn.

Con lớn của tôi đi học về, kể tôi nghe về “âm mưu” trả đũa nhau của con và các bạn. Tôi nghe và không vội vàng quy kết, cấm đoán. Mình là bạn nó nên sẽ nghe và góp ý kiến. Mình bàn luận như một đồng minh của con và đưa ra các giả định, dự đoán về thất bại, hậu quả…rồi khéo léo cho con thấy là kế hoạch của các con không hay lắm. 

Khi con bị thuyết phục thì mình đưa ra ý kiến tiếp theo là liệu có thực sự nên làm những việc đó không, trong khi hoàn toàn có những lựa chọn khác tốt hơn, vui hơn…Thế là con hoàn toàn bị dẫn dắt một cách có nhận thức, ý thức về việc không tốt con và các bạn định làm rồi tự quyết định không làm nữa nhưng không cảm thấy bị cấm đoán, không được chia sẻ ngược lại sẽ cảm thấy tin tưởng mình hơn. Khi làm bạn và có được sự tin tưởng của các con mình dễ dàng hạn chế các việc không hay và hiểu về tính cách của con rõ hơn để có phương pháp giáo dục tối ưu cho từng đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ một tính cách nên khó có thể tìm được một cách dạy con hoàn hảo ứng dụng chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên tắc chung mà mọi phương pháp dạy con đều nên lấy đó làm nền tảng. Theo chị, các nguyên tắc chung cha mẹ nên áp dụng là gì?

Tôi quan niệm, làm cha mẹ là việc rất khó, rất mệt nhưng cũng đầy thú vị. Không chỉ chúng ta dạy con mà rất nhiều khi ta học được từ các con rất nhiều thứ, các con cho mình nhiều kinh nghiệm để làm cha mẹ hơn cả mình nghĩ nữa. 

Vì vậy, nguyên tắc của tôi là mối quan hệ cha mẹ - con cái phải là mối quan hệ đáng tin nhất. Cha mẹ phải là nơi đầu tiên được con cái tin cậy và chúng ta cũng phải tin con nữa. Sự tin tưởng này nên được thể hiện bằng giao tiếp, mình nói con nghe thì cũng nên nghe con nói, khuyến khích con nói, nói thật. 

Sự tin tưởng phải được bồi đắp trên cơ sở cảm thông, hiểu, chứ không phải là bảo bọc tuyệt đối hay áp đặt tuyệt đối. Với mỗi đứa trẻ sẽ có cách thức riêng mà chỉ cha mẹ, người gần gũi với con nhất mới hiểu được và uyển chuyển được trong phương pháp dạy con. 

Tuy nhiên, về cơ bản, tôi quan niệm là hãy để con tự đi, tôi chỉ nên quan sát chung trên con đường con đi thôi. Cầm tay con khi cần thiết chứ không cầm tay con dẫn dắt luôn luôn. Đừng hy vọng tạo ra những đứa trẻ kiểu mẫu như mình mong đợi, kỳ vọng hay để bù đắp cho những gì mình chưa làm được ở đời mình,…Trẻ con không có nghĩa vụ đó.

Có ý kiến cho rằng, trước khi dạy trẻ kiến thức thì điều quan trọng nhất là dạy trẻ lòng nhân ái, tình yêu con người và thiên nhiên. Chị nghĩ sao? Chị trú trọng dạy con những gì trước khi con vào lớp 1?

Tôi không chú trọng gì cả, mỗi đứa mỗi khác. Như tôi nói, mình không đi trước con, mình chỉ đi cạnh, đi sau con thôi. Quan sát và để con phát triển tự nhiên, can thiệp, chỉnh nắn tùy thời điểm, tùy việc chứ không khuôn mẫu.

{keywords}

Chị Hoàng Mỹ Uyên cho rằng làm cha mẹ khó và rất vất vả nhưng cũng rất nhiều điều thú vị.

9 sai lầm trong cách dạy con của mẹ Việt

Dưới đây là những sai lầm trong cách dạy con mà chị Uyên đúc rút ra qua quá trình dạy con và quan sát từ những bà mẹ xung quanh mình:

Con bị vấp cái ghế té, khóc thì đánh cái ghế "cái ghế hư" mà không dạy con cách bước qua chướng ngại vật, tự đứng dậy sau té ngã mà chỉ lấy đổ thừa cho điều gì khác để an ủi bản thân.

Con làm bể đồ, đang hoảng thì lại la toáng lên. Thay vì cần đưa con ra khỏi chỗ miểng chai, mảnh vỡ nhọn , trấn an và kiểm tra tay chân. Khi cần xử lý vấn đề thực tại, hạn chế tổn thương, thiệt hại thì cứ nhăm nhăm xử lý nguyên nhân, răn đe, ngăn chặn tái diễn. Cái thứ chả bao giờ nghe nổi vô đầu khi đang hoảng. Giáo dục sai hoàn cảnh. Thiếu cảm thông, chia sẻ cần thiết đúng lúc.

Con làm gì nguy hiểm cho bản thân thì quát nạt, ngăn cấm chứ không chỉ rõ vì sao. Sợ chỉ cặn kẽ về những mối nguy hiểm sẽ thành hướng dẫn con vào con đường nguy hiểm. Rốt cuộc thì một đứa bé hai tuổi sẽ vẫn lao qua đường vì thích xe khi ba mẹ lơ là, mấy đứa lớn hơn vẫn thích đu lên ban công hay thò đầu ra cửa sổ dòm xuống mấy chục tầng lầu khi có dịp. Mấy đứa mới dậy thì thì lén lút hò hẹn, yêu đương và biết nhiều cách phòng tránh cha mẹ, thầy cô hơn là phòng tránh thai và bịnh.

Muốn con trân trọng chén cơm, manh áo, thành quả lao động của cha mẹ thì lại không chỉ được cho con niềm vui của thành quả để trân trọng niềm vui mà toàn dọa bằng cái nghèo, cái đói của kẻ khác. Kể công kể sức kể hy sinh trong khi làm cha mẹ rõ ràng là tự nguyện. Làng mình có lẽ vì vậy mà thích vênh váo vì gia tài của phụ huynh hơn là tự có đam mê rồi gầy dựng của cải tự thân. Thế hệ trước thì say mê kể công , đòi hỏi được biết ơn và làm biếng dạy con cháu tạo dựng cái mới, chỉ nhăm nhăm bảo toàn cái đã có.

Dạy con chia sẻ, từ thiện vì "thấy các bạn tội nghiệp" thay vì "con xem nè, các bạn nhận được vui chưa nè". Rốt cuộc làm gì đó vì nhu cầu được "tội nghiệp" người khác luôn cao hơn nhu cầu nhìn thấy người khác vui để vui lây.

Ra đường thấy người ta hôn nhau thì bắt con quay đi không được nhìn, về nhà ba mẹ cãi nhau thì con cái như thể vô hình trong khi bắt nó thuộc lòng câu sống phải biết yêu thương, từ chối bạo lực...

Những đứa trẻ với nhau cứ bắt đứa lớn phải nhường đứa nhỏ hơn trong khi có những kiểu ưu tiên như con trai phải nhường con gái mặc dù con gái có lớn hơn thì dường như ít được để ý nên dân Việt vẫn hay cậy tuổi áp đặt mặc đúng sai, cứ lớn là đúng. Phụ nữ Việt ít mặc nhiên hưởng thụ những quyền lợi theo lẽ thường mà sẽ trở nên cảm động, biết ơn, rung rinh với những điều rất đỗi thường tình được nhận từ đàn ông dẫn đến sai lầm về nhìn nhận con người lẫn tình yêu.

Chuyện con nít gây nhau, cha mẹ hay can thiệp giải quyết trước chứ ít khi kiên nhẫn chờ xem để biết xu hướng tính tình con cái. Giải quyết cho đẹp mặt phụ huynh với nhau, cho hả hê phần cục vàng cục ngọc của mình trước chứ ít quan tâm cảm xúc trẻ con vô tình nuôi dưỡng những mầm mống tâm lý ức chế, hành vi bất công lẫn sĩ diện, cậy tiếng, nhờ thế.

Không xem con nít là đối tượng để đối thoại mà chỉ truyền đạt một chiều. Mô hình lớp học của làng mình thì thầy cô đứng trên bục, giảng xuống. Học trò biên và thuộc, cấm trò chuyện, trao đổi trong lớp. Con cái thì toàn "để về xin phép ba mẹ" chứ hông phải "để về nói chuyện với ba mẹ" tạo ra một thế hệ tư duy thụ động, ngại phản biện, tranh luận cùn, kém tự tin mà chỉ giỏi tự cao, tự hào.

Kim Minh