- Chăm chỉ khoe những hình ảnh lung linh của con lên mạng xã hội nhưng chính những bà mẹ này lại bất an khi thấy “con nhà người ta” vượt trội hơn con mình. Họ rơi vào căng thẳng, bất an trong hành trình nuôi dạy con do chính mình tạo ra.

“Con hàng xóm là siêu nhân”

Các bà mẹ trẻ ngày nay có sở thích chung là khoe con trên mạng xã hội. Nhưng cũng chính những người mẹ này khi nhìn sang facebook của nhà hàng xóm lại dễ bị căng thẳng, bất an khi thấy “con mình không bằng con người ta”.

Có mặt tại Hội thảo Nuôi con trong thời đại mạng xã hội, một bà mẹ trẻ đang công tác tại Ngân hàng Quân đội chia sẻ: “Con tôi 11 tháng chưa biết đi nhưng các bạn cùng lứa tuổi cháu ở cạnh nhà đều đi, chạy được. Từ đấy mọi người xung quanh so sánh tại sao cùng tháng sinh mà con tôi không được như thế? Ông bà cháu còn nói: “Bố nó ngày xưa 8 tháng đã biết đi rồi”.

Trên mạng xã hội, các mẹ khác cũng thi nhau khoe con mình biết đi sớm, biết nói sớm. Có bé mới 8 tháng khi được hỏi “Bố đi đâu con?” thì bé đã biết trẻ lời “Bố đi công tác” trong khi con tôi chỉ mới ê, a chưa rõ chữ. Bản thân tôi rất căng thẳng khi rơi vào trường hợp này”.

{keywords}
Nữ tác giả Uyên Bùi

Trước chia sẻ của bà mẹ trẻ, chị Uyên Bùi, đồng tác giả cuốn “Để con được ốm” cho rằng, người mẹ nào cũng thích khoe con mình, từ lúc con biết bò, biết đi, khi con nói từ đầu tiên trong đời…Đấy là tâm lý rất bình thường. Nhưng từ đây sẽ có những mẹ khác sẽ ngầm so sánh: “Tại sao con mình vẫn chưa làm được điều đó?”. 

Khi các mẹ không so sánh thì ông bà, chú bác…sẽ nhiệt tình so sánh hộ. Đứa trẻ ra ngoài đường, các bà hàng xóm cũng tham gia tích cực vào chủ đề này, bạn bè của bố mẹ đến chơi cũng nhận xét…Lúc đấy, người mẹ bị “tấn công” từ mọi phía, mẹ sẽ có cảm giác cả xã hội này đang áp đặt mình phải làm cái này cái kia, mình có lỗi không nuôi con được tốt và con mình quá kém cỏi. 

Nhưng lúc này các mẹ nên nghĩ mình đang đứng giữa 2 bên, một bên là dư luận bên còn lại là con mình và con mình mới chính là nạn nhân. Nó quá yếu ớt và nếu mình không bảo vệ con thì sẽ không ai làm điều đó cả. Theo tôi mẹ hãy xem mình là tấm bia để mọi người ném tất cả các lời nhận xét về ngoại hình, cân nặng, kỹ năng… của con vào đấy còn bên kia con bạn vẫn có thể hồn nhiên vô tư phát triển như một cá thể độc lập, vốn có của nó.

Đồng quan điểm trên, TS tâm lý Trần Nam, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, một khi đưa thông tin con lên mạng xã hội có mẹ nào đưa tin con mình chỉ ở mức trung bình thậm chí là con mình chậm hơn các bạn không? Mẹ nào đưa con lên mạng xã hội cũng chỉ toàn là những vĩ nhân, thậm chí một số mẹ còn “tô hồng” hình ảnh con. Ví dụ, con gần 9 tháng (kém 2 ngày) mới đi được thì các mẹ nhanh nhảu khoe “8 tháng chàng/nàng đã có những bước đi đầu đời”.

Chưa kể những đứa trẻ nằm trong bụng mẹ 42 tuần có em bé 36 tuần đã đòi chui ra nên sự phát triển nhanh hay chậm của các bé không nói lên điều gì cả. Các mẹ hãy tạo tâm lý vui vẻ cho bản thân mình khi không so sánh con mình với con hàng xóm bởi đó luôn là các “siêu nhân”.

Câu chuyện em bé mãi mãi chỉ “hơn 1 tuổi”

Các chuyên gia trong buổi hội thảo cũng đồng tình rằng, người Việt có sự quan tâm thái quá, thiếu tế nhị đến người khác thông qua việc chào hỏi ngoài đường. Gặp ai đang bế con thì một số người bắt đầu hỏi: “Em bé bao nhiêu kg rồi? Em biết làm cái này/cái kia chưa?” hoặc nhận xét: “Con xinh thế sau này khối anh theo”, "Con gầy thế mẹ ăn hết phần con hả?”…

{keywords}
TS Tâm lý Trần Nam 

Những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng nếu như trẻ em ở những lứa tuổi nhất định có nhận thức rồi sẽ cho rằng là những thông tin chất lượng mà người lớn cung cấp. Các bé sẽ có những suy nghĩ, những phản ứng riêng và nó tác động không tốt đến tâm lý của các em.

Chúng ta là người trưởng thành có mốc phát triển trí tuệ, nghề nghiệp, ngoại hình khác hẳn nhau chúng ta không thể đòi hỏi các con lại phải giống hệt nhau.

Cũng tự nhận con mình là nạn nhân của không ít lời bình phẩm, chị Uyên Bùi vui vẻ cho biết: “Mình dắt con đi từ đầu đường đến cuối đường ai cũng bảo: “Ôi sao nó còi thế”. Trước tình huống này mình đã học được chiêu thức hễ ai hỏi: “Bé mấy tuổi rồi?” mình sẽ trả lời: “Bé hơn 1 tuổi rồi”.

Đây là một câu trả lời an toàn của mẹ con mình bởi có thể lúc đấy bé đã 3 tuổi, 4 tuổi…đều là hơn 1 tuổi. Với câu trả lời này người ta sẽ không bình phẩm ngoại hình con mình: “Sao nó còi thế, sao nó gầy thế!” hay “Sao bé lùn thế”.

Chị cũng nhấn mạnh, các mẹ bớt việc lên facebook nhòm sang tường nhà hàng xóm rồi so sánh với con mình bởi không có bất cứ một “chuẩn đạt chuẩn” nào dành cho sự phát triển của các bé. Mỗi bé là một cá thể riêng biệt hãy để con phát triển một cách hồn nhiên như chúng đang lớn lên từng ngày.

Ng. Trang