- Tại một công trường xây dựng ở phường Linh Đông người ta không thể không chú ý đến những vần thơ: "Đường 30 công trường 4S/ Xin cúi đầu van vái bốn phương/ Cầu xin phù hộ công trường/ Công nhân yên ổn tình thương vẹn toàn..."
Đề thơ trên vách
Tại công trường 4S trên đường 30 (P. Linh Đông Q. Thủ Đức TP.HCM) cạnh cổng ra vào là những tấm biển nhỏ. Trên những tấm biển đó, có ghi những vần thơ mà khi đọc người ta có cảm giác như một lời dặn dò, nhắc nhở người công nhân phải xem trọng an toàn lao động.
Những bài thơ trên vách công trình. |
Không đao to búa lớn, không là những khẩu hiệu nhàm chán, ngược lại trên những tấm biển đó là tình cảm yêu thương của người vợ hiền kêu gọi chồng khi làm việc phải "cẩn thận" vì "em sợ" nên phải "nhắc anh".
Cẩn thận, em sợ và nhắc anh... |
Ghé vào một quán nước ven đường gần đó, người chủ quán cho biết nhiều công nhân trong công trình thuộc làu những vần thơ trên vách. Có lẽ cũng nhờ vậy mà từ khi khởi công đến giờ chưa có tai nạn lao động nào xảy ra.
Cũng phải thôi làm sao có thể làm ngơ được trước những thiết tha của người thân: "Xin anh thương vợ thương con/ Thương cha thương mẹ thương thân của mình/ Trèo cao chỗ đứng gập ghình/ An toàn lao động thương cả nhà mình nghe anh".
Bài thơ gây sốc trong toilet nam
Tương tự, những vần thơ tại một quán bê thui trên đường Phú Thọ Hòa (P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú) cũng gây chú ý nhiều thực khách. Những vần thơ ở đây lại được đăng ở những vị trí khá gây chú ý là... toilet (nhà vệ sinh).
Ở đây, cả một bức vách rộng treo 4 bài thơ với nét chữ trau chuốt. Bên cạnh mỗi bài thơ là các bức tranh minh họa.
"Chị giận rồi tối sang ngủ với em"... |
Nội dung cả 4 bài thơ này đều ca ngợi thú nhậu nhẹt. Ví dụ bài thơ: "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày mình trâu/ Cấy cày bổn phận của trâu/ Ta đang bận nhậu còn lâu mới về".
Hoặc: "Ai bảo nhậu lai rai là xỉn/ Tôi mơ màng men rượu bốc lên cao/ Có những chiều say xỉn té cầu ao/ Vợ bắt được chưa đánh roi nào tôi đã khóc/ Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích/ Chị giận rồi tối sang ngủ với em".
Thơ trên máng tiểu |
Đó chỉ là một vài chứng minh cụ thể. Thực tế tại quán còn nhiều bài thơ như thế nữa. Nhưng dù là thơ gì, của ai đều được biến tấu thành "thơ nhậu" và cuối cùng được đặt tại vị trí đặc biệt nhất của quán: Nhà vệ sinh nam.
Trần Chánh Nghĩa