- Có lần, những người trong gia đình bà Huyền vừa bê bát cơm lên đã phải đặt xuống. Theo đó, có người vào nhà vệ sinh nhưng thiếu ý thức nên dội nước tràn cả vào phòng bà…

Đi qua lối chật hẹp, hai bên là đồ đạc lỉnh kỉnh của những người bán hàng hoa, chúng tôi tìm đến căn biệt thự số 49 Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi nhà đã xuống cấp, những mảng tường bong tróc loang lổ và đầy rêu phong.

Khoảng sân trước căn nhà khá rộng. Tuy nhiên vì diện tích trong nhà chật hẹp nên những hộ dân sinh sống ở đây đã tận dụng khoảng sân này để làm kho chứa đồ. Một vài hộ gia đình còn đặt chuồng và nuôi chim bồ câu. Khi chúng tôi bước vào, cả đàn chim thấy động nên bay tứ phía. 

Phía cuối sân, một người phụ nữ đã luống tuổi, mái tóc bạc trắng nhìn chúng tôi cười hiền từ. Bà là Nguyễn Thị Huyền (77 tuổi).

Chia sẻ với chúng tôi, bà Huyền cho biết, đàn chim bồ câu là do bà nuôi chính. Hàng ngày, bà coi đó là thú vui của tuổi già nên rất chăm chút và coi chúng như vật báu của mình.  

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Huyền cho biết, bà coi việc chăm sóc đàn chim là thú vui lúc tuổi già. Ảnh: Minh Anh

Ngôi biệt thự này là nơi bà đã sống và gắn bó suốt 60 năm qua. Trong thời gian đó, bà đã từng chứng kiến tất cả những thăng trầm của cuộc sống và cả sự xuống cấp theo thời gian của căn biệt thự.

Ở tuổi gần 80, nhiều ký ức bà không còn nhớ rõ. Tuy nhiên, những kỷ niệm thời mới dọn đến căn biệt thự này thì bà vẫn nhớ như in.

Bà Huyền cho biết, căn biệt thự được xây từ thời Pháp thuộc. Thiết kế rất đẹp và kiên cố. Diện tích căn biệt thự rộng tới 600m2. Khoảng sân trước cửa biệt thự rộng chứ không như bây giờ. Tuy nhiên nhược điểm của căn biệt thự là chỉ có một nhà vệ sinh.

“Không may cho gia đình tôi là nhà vệ sinh lại nằm ngay cạnh phòng. Cửa nhà vệ sinh vuông góc với cửa ra vào của chúng tôi. Đã thế, nền nhà vệ sinh lại bằng nền nhà tôi nên cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nặng nề”, bà Huyền nói.

{keywords}
Căn biệt thự từng có thiết kế rất đẹp và kiên cố. Ảnh: Minh Anh

Theo bà Huyền, tổng diện tích sử dụng của gia đình bà là căn phòng 20m2. Tuy nhiên vì ở tầng 1 lại nằm sát mép cầu thang nên căn phòng chỉ có một cửa ra vào. Cánh cửa này luôn trong tình trạng phải đóng im ỉm.

“Thời tôi mới về, căn biệt thự có 12 hộ dân, nhân khẩu lên đến mấy chục người. Tất cả đều sử dụng nhà vệ sinh này. Thế nên chỉ cần mở cửa ra là mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi”, người đàn bà 77 tuổi nói tiếp.

Bà chia sẻ tiếp, có những ngày mọi người trong nhà vừa bưng được bát cơm lên thì lại phải đặt xuống vì có người vào nhà vệ sinh nhưng thiếu ý thức nên dội nước tràn cả ra nền nhà. Nước chảy cả vào phòng của bà kèm theo mùi khó chịu khiến cả nhà không ai nuốt nổi cơm.

Sau này, thấy cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi nhà vệ sinh đặt chưa hợp lý, gia đình bà đã làm đơn đề nghị và xin cải tạo, mở cửa nhà vệ sinh phía sau nhà. Từ đó cuộc sống gia đình bà đỡ bị ảnh hưởng hơn.

Đến nay tuy không bị ảnh hưởng bởi nhà vệ sinh nhưng cuộc sống trong căn nhà chật hẹp cũng khiến mọi sinh hoạt trong gia đình bà vất vả không kém.

{keywords}
Ngôi nhà đã xuống cấp, những mảng tường đã bong tróc loang lổ và đầy rêu phong. Ảnh mặt sau biệt thự 

Khi chúng tôi đến, bà Huyền cho biết, bà đang phải nhờ người dọn dẹp nhà cửa, mang hết đồ đạc ra sân để lấy chỗ làm giỗ chồng.

“Ông nhà tôi mất sớm, một mình tôi nuôi 2 con. Đến nay, các con đã khôn lớn trưởng thành. Ngày giỗ ông nhà tôi, các con cháu tụ họp rất đông nên không đủ chỗ ngồi. Tôi phải dọn dẹp hết đồ đạc trong nhà, cái nào cồng kềnh quá thì bỏ tạm ra sân, xong việc lại dọn vào”, bà Huyền nói tiếp.

Nói rồi, bà chỉ tay về phía khoảng sân mà bà đã từng sử dụng làm khu bếp tạm. Bà bảo, ngày trước, mỗi lần có giỗ chạp bà thường phải sử dụng khu bếp ở đó để làm cỗ. Sau khi cỗ bàn hoàn tất, bà mới đưa mâm vào nhà cúng bái.

Thế nhưng có lần, trời mưa to, khu bếp tạm đặt ngoài sân nên không thể sử dụng được. Thực phẩm nấu nướng phải đặt hết trong nhà khiến căn phòng trở nên nhếch nhác và chật chội vô cùng.

“Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ”, bà Huyền lắc đầu nhớ về chuyện cũ.

{keywords}
Cầu thang lên biệt thự. Ảnh: Thanh Hải

Hiện tại, các con cháu bà Huyền đã có nhà cửa đoàng hoàng. Căn phòng 20 m2 chỉ còn mình bà sinh sống nên bình thường cũng không quá chật chội. Tuy nhiên ở thời điểm này, bà lại lo một nỗi lo khác. Đó là sự xuống cấp trầm trọng của ngôi nhà.

“Sau vụ sập nhà ở 108 Trần Hưng Đạo, mỗi khi thấy mưa bão, sấm chớp, các con các cháu vẫn nửa đùa nửa thật nhắc tôi phải chạy về nhà chúng (ở gần đó) để tránh bất an. Tôi chỉ cười, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy các con nói cũng có lý" - Bà Huyền cười nói.

Phòng tân hôn đặc biệt trong căn biệt thự có 7 người đàn ông

Phòng tân hôn đặc biệt trong căn biệt thự có 7 người đàn ông

Đã từng rất tự hào khi biết nơi ở của bạn trai là căn biệt thự to nhất nhì con phố ở Hà Nội, thế nhưng chỉ một ngày sống tại đây bà Hoa đã nhận định: Hai chữ “biệt thự” chỉ là cái danh…

Cảnh sinh hoạt bất ngờ bên trong biệt thự cổ triệu đô ở Hà Nội

Cảnh sinh hoạt bất ngờ bên trong biệt thự cổ triệu đô ở Hà Nội

“Lúc chuẩn bị về sống trong ngôi biệt thự, tôi rất vui. Tôi cứ nghĩ bên trong rất xa hoa, sang trọng nhưng không phải. Căn nhà có tới hàng chục hộ dân sinh sống nên chật chội và thiếu thốn đủ thứ”, bà Loan nói.

Minh Anh - Thanh Hải