Cuộc chiến tranh giành tài sản ngay trong đám tang vị đại gia bất động sản đến nay vẫn ám ảnh tâm trí người thợ ảnh.

Gần 30 năm làm thợ ảnh dạo, ngoài chụp ảnh cho khách du lịch ở Hồ Gươm, ông Vũ Hữu Túy (SN 1949 - Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn nhận lời chụp cho các đám cưới, đám ma.

Ông cho biết, cuộc sống hiện đại, yêu cầu chụp ảnh cưới ngày càng đòi hỏi công nghệ cao, kèm theo nhiều dịch vụ ưu đãi như váy cưới, trang điểm...

Các studio chụp ảnh cưới "mọc lên như nấm", chi phí đầu tư cao nhưng giá thành lại rẻ nên ông lựa chọn đi chụp đám ma là chủ yếu.

{keywords}
Để kiếm thêm thu nhập, ông Vũ Hữu Túy nhận lời chụp ảnh cho các đám cưới, đám ma. Ảnh: Diên Vỹ

“Chụp hình đám tang là công việc lưu giữ lại những khoảnh khắc quan trọng cuối cùng của người mất.

Người chụp phải làm sao để bức ảnh không gây phản cảm, thể hiện được sự trang trọng và tình cảm của gia đình với người quá cố” - thợ ảnh sinh năm 1949 bộc bạch.

Cũng theo ông Túy, công việc này khá vất vả, giờ giấc không ổn định tuy nhiên mang lại cho ông khoản thu nhập đáng kể. Trung bình một gói chụp đám ma có chi phí dao động từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Phó nháy này cho hay, khâu lựa chọn ngày giờ tổ chức của tang gia cũng khiến cho thợ chụp hình phải đi sớm về muộn.

Theo đó, nhiều gia chủ phát tang, khâm liệm cho người thân từ 2 - 3 giờ sáng. Ông Túy cũng phải thu xếp thời gian, đảm bảo có mặt ở nhà đám trước giờ làm lễ ít nhất 30 phút.

Vẫn theo lời thợ ảnh Túy, gia đình nào tổ chức tại nhà tang lễ thì giờ giấc cũng dễ thở hơn, thời gian tổ chức nhanh gọn. Nhưng nếu họ tổ chức ngay tại nhà, lễ viếng có khi kéo dài đến nửa đêm.

Lúc đó, thợ ảnh không còn cách nào khác cũng phải túc trực cùng họ để chụp ảnh các đoàn đến viếng.

“Tôi nhớ một lần xuống chụp cho đám tang ở huyện ngoại thành Hà Nội. Ngày đó chưa có quy định cấm thổi kèn, đánh trống sau 11 giờ đêm như hiện nay. 

Người nhà thuê thợ ảnh chụp từ khâu khâm liệm, nhập quan cho đến khi đưa quan tài ra mộ vào sáng hôm sau", ông Túy kể lại.

8 giờ tối, sau khi chụp lễ viếng gần như hoàn thiện, thợ ảnh mới được ăn uống. Gia chủ chu đáo sắp xếp một chiếc giường cho ông nghỉ ngơi, để sáng sớm hôm sau tác nghiệp tiếp.

Sau một ngày nắng nóng, vất vả, ông mệt mỏi lăn ra ngủ. Lúc đang thiu thiu thì ông giật mình tỉnh giấc khi người nhà đó vào gọi.

Họ thông báo đang có đoàn khách quan trọng khoảng 20 người từ miền Nam bay ra viếng rồi về ngay. Gia chủ giục ông lấy máy ảnh chụp giúp.

Ông nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ đêm, phía ngoài nhà rạp, loa đài, kèn trống vẫn nổi inh ỏi. 

Khi vị trưởng ban tang lễ trịnh trọng đọc tên đoàn người vào viếng, đám người khóc thuê bắt đầu gào khóc bi ai, người thợ ảnh ôm máy ra chụp… Đêm đó ông gần như mất ngủ.

{keywords}
Cổng đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi ông Túy và các đồng nghiệp hành nghề. Ảnh: Diên Vỹ

"Trong các đám ma tôi từng tham dự, tôi đã gặp không ít cảnh tượng trái khoáy. Những hình ảnh đó đã để lại trong lòng tôi nhiều day dứt khi nghĩ về cuộc đời", thợ ảnh già trầm ngâm nói tiếp.

Đám tang của người đàn ông giàu có ở quận Tây Hồ (Hà Nội) năm 2001 có lẽ là câu chuyện hi hữu khiến ông ám ảnh nhất.

Ông Túy nhớ lại: “Người quá cố gần 70 tuổi, gia đình kinh doanh vàng và đất đai. Bởi vậy đám tang được tổ chức rất lớn.

Anh con trai cả thuê tôi chụp trọn gói trong 2 ngày và dặn tôi chụp càng nhiều càng tốt, không quan trọng chi phí.

Đặc biệt, anh ta nhắc tôi chụp chủ yếu cho mình và vợ. Người này cho biết, anh ta muốn qua những bức ảnh đó, mẹ sẽ nhìn thấy vợ chồng mình là người có hiếu nhất…”.

Hôm đó, xe ô tô ra vào nhà đám tấp nập, từng đoàn dài vào viếng với vòng hoa phải xếp hàng dài.

Nhưng ông Túy thấy khá lạ khi 4 người con của ông ta không hề rơi một giọt nước mắt.

Đôi lần ông giơ máy ảnh lên để ghi lại khoảnh khắc xúc động của các con mà chỉ thấy gương mặt họ lộ vẻ mặt giận dữ. Dường như họ đang có mâu thuẫn rất gay gắt.

Thi thoảng, người con trai cả không quên chạy ra kéo thợ ảnh về phía quan tài, nhờ ông chụp cho mấy kiểu ảnh anh ta cùng vợ quỳ sụp bên di ảnh bố...

Đám tang diễn ra khá suôn sẻ đến khi bà quả phụ bỗng ôm quan tài, khóc thảm thiết, liên tục đòi chết theo chồng. Hóa ra, chồng bà mất đột ngột, không kịp để lại di chúc phân chia tài sản.

Các con của họ dù đã được bố mẹ cho nhà cửa và số vốn lớn làm ăn nhưng với bản tính tham lam, họ vẫn ngày đêm nhòm ngó cửa hàng vàng bạc trên khu phố cổ của bố mẹ.

Hai vợ chồng vị đại gia này ở cùng nhà với vợ chồng người con cả. Vì vậy ba người em trai sợ mẹ ưu tiên, giấu diếm tài sản cho anh lớn nên nảy sinh lòng đố kỵ, luôn tìm cách gây sự với anh ngay trong lễ tang bố.

Ngoài ra, ba người này còn bắt mẹ mình phải đưa hết sổ đỏ, tài khoản ngân hàng cho họ giữ. Bao giờ xong tang lễ họ sẽ đưa ra tòa phân chia theo thừa kế.

Trong khi đó, người anh cả kiên quyết phản đối, lớn tiếng quát mắng các em. Anh ta cho rằng mình phụng dưỡng bố mẹ, lại là con trưởng vì thế sẽ có quyền định đoạt mọi chuyện, kể cả về tài sản.

Nhiều người thấy họ to tiếng với nhau trước mặt khách viếng đã lên tiếng can ngăn. Sau đó, bốn anh em kéo nhau vào phòng riêng tiếp tục tranh cãi.

Phía bên ngoài tiếng kèn trống và tiếng khóc than của các cô con dâu vẫn vang lên. Chẳng ai ngờ, phía bên trong là trận chiến khốc liệt tranh giành tài sản của 4 người con trai.

Bà quả phụ uất ức, đau khổ nhìn cảnh các con sát phạt lẫn nhau, bất ngờ lên cơn đột quỵ. May bà được người thân đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch.

Thấy đám tang ồn ào, để tránh phiền phức, ông Túy chụp một số nghi lễ cơ bản rồi lấy cớ thoái lui.

“Nhìn cảnh đó bản thân tôi thấy xót xa vô cùng. Họ là anh em ruột thịt, lẽ ra phải cùng nhau hỗ trợ, tổ chức tang lễ bố cho trọn vẹn. Đằng này vì một chút tài sản mà đánh mất cả tình thân", ông Túy nói.

Theo thợ ảnh sinh năm 1949 cho hay, các gia đình thuê thợ ảnh chụp trong đám tang chủ yếu là khá giả, có điều kiện. 

Với nhà kinh tế trung bình, khi tổ chức họ thường bỏ qua dịch vụ này, để giảm bớt chi phí. Cũng một phần do tâm lý của gia chủ, họ cho rằng chụp ảnh trong tang lễ là không tôn trọng người mất.

"Những năm gần đây, nhiều người cũng bắt đầu tìm đến dịch vụ này hơn khi trong nhà chẳng may có người qua đời.

Họ thường đặt trọn gói với các công ty tang lễ bao gồm cả quay phim và chụp ảnh. Phía công ty sẽ ký hợp đồng với thợ ảnh. 

Nhưng tôi chủ yếu vẫn làm qua các mối khách quen. Mỗi lần đến chụp bao giờ tôi cũng cẩn thận chuẩn bị một phong bì phúng viếng người mất.

Dẫu mình không quen biết họ nhưng coi như cũng có lời chia buồn đến gia chủ", ông Túy tâm sự.

'Nhà vệ sinh lộ thiên' ở Việt Nam dưới ống kính nhiếp ảnh gia Mỹ

'Nhà vệ sinh lộ thiên' ở Việt Nam dưới ống kính nhiếp ảnh gia Mỹ

Những bức hình của nhiếp ảnh gia Andrea Bruce ghi lại vấn đề vệ sinh tại Ấn Độ, Haiti và Việt Nam khiến người xem không khỏi giật mình.

Lời đề nghị trong đêm của hot girl khiến nhiếp ảnh gia bối rối

Lời đề nghị trong đêm của hot girl khiến nhiếp ảnh gia bối rối

“Không thể chịu đựng nổi những tin nhắn thường xuyên gửi lúc nửa đêm của một cô gái, tôi phải lên kế hoạch để “tẩu thoát” “- vị nhiếp ảnh gia trẻ tuổi chia sẻ.

Diên Vỹ - Minh Anh