- Có cặp vợ chồng về quê thăm gia đình thì gặp bão. Đúng lúc bão to, người vợ trở dạ. Bệnh xá ở xa, lúc này trời lại mưa gió, cây cối đổ rạp nên chị phải tự đẻ ở nhà…

Chia sẻ về thời bao cấp, nhà thơ - cây bút viết hài Vũ Huy Tưởng (SN 1948, ở phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đó là thời kỳ khó khăn. Có những thiếu thốn, con người ta có thể khắc phục và vượt qua, nhưng có những thiếu thốn phải trả giá bằng cả tính mạng…

Ông Vũ Huy Tưởng cho biết, thời đó, có một chuyện rất tế nhị nhưng nhắc đến nhiều người sẽ rơi nước mắt. Đó là chuyện sinh nở của chị em phụ nữ.

Ông Tưởng nói: “Thời kỳ bao cấp và cả thời kỳ trước đó, chuyện sinh nở rất cực khổ. Phụ nữ mang thai nhưng không có điều kiện ăn uống, tẩm bổ và chăm sóc như bây giờ. Ngoài ra, việc siêu âm thai chưa phát triển, nhiều đứa trẻ bị đẻ ngược hoặc dị tật, bệnh tim… nhưng lúc sinh ra mới phát hiện”.

“Tôi cũng biết có những trường hợp phải mổ cấp cứu, khi mổ, đa phần các bác sĩ đều hỏi cứu mẹ hay con. Nhiều bà mẹ yêu cầu cứu con, chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình để giữ lấy đứa trẻ. Khi đứa trẻ được cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc người mẹ ra đi mãi mãi… ”, ông Tưởng xúc động nói.

{keywords}

Nhà thơ - cây bút viết hài Vũ Huy Tưởng 

Ông Tưởng cũng cho biết, thời kỳ bao cấp, việc đi lại không thuận tiện như thời nay. Nhiều chị em đi đẻ trên chiếc võng được những người khác thay nhau khiêng, một số người khác lại được chồng chở trên chiếc xe đạp.

Tuy nhiên, cũng vì phương tiện đi lại thiếu thốn nên nhiều chị em không kịp đến trạm xá, bệnh viện mà đẻ rơi dọc đường. Nhiều người đến ngày trở dạ, không đến kịp bệnh viện cũng tự đẻ ở nhà.

“Có cặp vợ chồng về quê thăm gia đình thì gặp bão. Đúng lúc bão to, người vợ trở dạ. Bệnh xá ở xa, lúc này trời mưa gió, cây cối đổ rạp nên chị phải tự đẻ ở nhà. Đứa trẻ ra đời, bà nội cầm cái liềm cắt luôn rốn cho cháu”, ông Tưởng kể.

Vẫn theo lời ông Tưởng, có nhiều trường hợp tự cắt rốn nhưng không biết sát trùng, giữ vệ sinh dẫn đến đứa trẻ bị uốn ván và tử vong. Nhiều đứa trẻ khác cũng mất vì các căn bệnh như viêm đường ruột, đi ngoài… và thiếu sữa.

Ông Tưởng cho biết, thời kỳ này, rất nhiều đứa trẻ, vừa đẻ xong đã thiếu sữa. Mẹ không được ăn đầy đủ để có sữa cho con. Sữa ngoài cho con chỉ là sữa ông Thọ. Tuy nhiên, sữa ông Thọ thời đó cũng hiếm. 

Những đứa trẻ mới sinh, nếu có giấy chứng nhận của xã, phường thì sẽ được 8 hộp sữa, những đứa trẻ không có giấy chứng nhận thì chỉ được nhận 4 hộp sữa nên em bé rất đói.

{keywords}
Nữ hộ sinh đang chăm các bé sơ sinh thiếu tháng. Ảnh tư liệu

Riêng với chị em phụ nữ, ông Tưởng nhấn mạnh, không có từ ngữ nào có thể tả được sự khổ cực của họ trong thời kỳ sinh nở.

“Chiếu và giường ở một số bệnh viện hoặc trạm xá bị mốc, rận rệp nhiều kinh khủng. Ngay cả đồ dùng vệ sinh cũng không có, chị em phải sử dụng những tấm vải xô… Đẻ xong, không người phụ nữ nào dám mơ những giấc mơ xa xỉ ngoài giấc mơ được ăn no để có sữa nuôi con… ”, ông Vũ Huy Tưởng nhớ lại.

Ông cũng nhớ về kỷ niệm đưa người hàng xóm của mình đi đẻ năm 1972. Ông kể: "Ngày đó tôi công tác tại nhà máy Z111 (Yên Bái), đang trên đường đi làm về đến bến Âu Lâu (cách TP. Yên Bái 1km) thì bất ngờ gặp người hàng xóm. 

Anh này đèo vợ đang mang bầu trên chiếc xe đạp. Nhìn thấy tôi, anh ta gào lên như gặp một vị cứu tinh. Thì ra vợ anh ta bị vỡ ối.

Lúc đó, tôi đang đi chiếc xe cup 67 (mượn của bạn), thấy tình hình như vậy, tôi dừng xe lại. Người hàng xóm gửi vội chiếc xe đạp vào quán nước bên đường rồi bế vợ lên xe máy của tôi. 

Tôi phóng xe với tốc độ cao nhất có thể để đi quãng đường 20 km đến bệnh viện sơ tán ở Km số 5 của Yên Bái. Đến đến nơi, cả tôi và người chồng đều sợ toát mồ hôi. May sao vụ đó cả người mẹ và đứa trẻ đều được cứu”.

Những trường hợp cứu người như thế, nếu là thời nay, nhiều người sẽ nhận đứa trẻ làm con nuôi hoặc ít nhất hai gia đình cũng sẽ đi lại để bày tỏ sự cảm ơn lẫn nhau. 

Tuy nhiên ông Tưởng cho biết, thời đó, việc giúp đỡ nhau là chuyện thường. "Người ta giúp nhau, không ai lại nghĩ đến việc được trả ơn…", ông khẳng định.

Mượn quần áo, xe máy đến chơi nhà bạn gái, bị từ chối phũ phàng

Mượn quần áo, xe máy đến chơi nhà bạn gái, bị từ chối phũ phàng

Chia sẻ về thời bao cấp, nhà thơ Vũ Huy Tưởng (1948) ở Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, đó là thời kỳ khó khăn, vất vả nhưng đầy kỷ niệm. Kỷ niệm khiến ông ấn tượng nhất là về chuyện tình yêu...

Minh Anh - Diệu Bình