Bên trong hàng rào sắt - trước cửa nhà - người phụ nữ đứng tuổi đang đăm chiêu. Trước mặt chị, tô cơm còn đầy. Trời đã trưa, cái nóng của miền Nam đang bốc lên hừng hực. Chị vẫn ngồi và chợt nhìn thấy tôi, chị mỉm cười. Rồi chị cuối xuống múc một muỗng cơm cho vào miệng nhai ngấu nghiến ...


Gia cảnh của con trai đại phú gia

Không phải chờ đợi lâu, từ trong nhà, một người đàn ông lớn tuổi bước ra mở cổng mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi vào phòng khách. Chiếc bàn thờ trang nghiêm đập vào mắt chúng tôi. Hai bức ảnh trên cùng chụp lại hai pho tượng. Bên dưới, ở giữa là ảnh người đàn ông. Hai bên, hai người phụ nữ. Tất cả ảnh đã cũ xưa ...

Người tiếp chúng tôi, ông Trần Trinh Đức (69 tuổi). Ông là con thứ trong chuỗi các người con của công tử Bạc Liêu gồm: Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ.

Ông Đức cho biết ông trở về Bạc Liêu, ngụ cư trong căn nhà này đã 3 năm nay. Hàng ngày, ông có mặt tại nhà trưng bày "Công tử Bạc Liêu" để bán sách của nhiều nhà văn viết về cha mình và chụp ảnh với khách tham quan để mưu sinh... Công việc cũng nhàn và có thu nhập khá hơn, không phải bươn chải vất vả như thời còn chạy xe ôm.

 

{keywords}
Ông bà Trần Trinh Đức và con gái Trần Thị Phượng trước bàn thờ ông bà tại nhà riêng.

Tôi chợt liếc mắt lên bàn thờ. Như hiểu ý, ông nói: "Ông bà nội và cha mẹ tôi đó. Từ khi về nhà này, tôi đã lập bàn thờ để thờ phụng ông bà". Thì ra, 2 người trên cùng là ông bà hội đồng Trạch. Bên dưới là ông Trần Trinh Huy còn gọi là cậu Ba Huy, công tử Bạc Liêu (Hắc công tử) cùng 2 người vợ.

Ông Đức kể cho chúng tôi nghe về gia sản đồ sộ của dòng họ Trần Trinh. Thuở xưa, ông nội ông là ông hội đồng Trạch là người giàu có nức tiếng trong vùng. Sở hữu 145.000 mẫu ruộng lúa, 50.000 mẫu ruộng muối, hội đồng Trạch thuộc hàng đại diền chủ giàu có nhất miền Nam.

Sau khi ông nội ông mất đi, gia sản đó thuộc về tay cha ông là Trần Trinh Huy - công tử Bạc Liêu. Nhưng đến đời ông thì không còn gì và các con cháu của hội đồng Trạch, của công tử Bạc Liêu đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Nói tới đây, ông chợt nhớ tới người anh ruột, ông Trần Trinh Nhơn. Ông nói: "anh Nhơn hiện nay đang bị bệnh rất nặng. Anh thuê nhà ở trên đường Nguyễn Cửu Vân (TP.HCM). Hàng năm tới ngày Thanh minh chạp mả ông bà anh đều về nhưng năm nay đến giờ này vẫn chưa thấy bóng dáng anh.

Như có một chút gì nghèn nghẹn, giọng nói ông chùng xuống. Ông đưa mắt ra ngoài cũng vừa lúc người phụ nữ lúc nãy ăn cơm lết vào. Một chân chị giơ lên cao. Tay chị chống xuống đất đưa cả thân hình trĩu nặng chậm chậm vào bên trong.

{keywords}
Chị Trần Thị Phương, 39 tuổi con ông Đức -  cháu nội công tử Bạc Liêu bị tâm thần nhẹ

"Chào chú, Sài Gòn lúc này chắc vui lắm hả chú ?". Chị hỏi tôi. Tôi chưa kịp trả lời, ông Đức nói ngay : "Con gái tôi đó. Nó bị tâm thần nhẹ." Tôi trả lời cho qua chuyện và cũng không xoáy sâu vào nỗi đau của ông.

Anh trai như thế, con gái nửa tỉnh nửa mê và cuộc sống của gia đình ông cũng chỉ có thể tính từng ngày. Còn một đứa con trai, nói là ở Sài Gòn chứ cũng không biết trôi dạt về đâu. Nụ cười trên môi ông dường như gượng gạo. Đúng thế, nhìn ông mấy ai biết ông là con cháu của một đại phú gia, một đại điền chủ tiền rừng bạc biển giàu có nhất Nam kỳ lục tỉnh.

Trao nhà không giấy

Ông Đức kể tiếp, ông theo cha lên Sài Gòn, ban đầu ở tại 117 Nguyễn Du. Sau đó gia đình chuyển về 26/6 Nhất Linh (nay là Nguyễn Huy Tưởng). Năm 1974, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy qua đời. Anh em ông bán căn nhà ở đường Nhất Linh chia cho mỗi người một ít rồi mạnh ai nấy sống.

{keywords}
Ông Trần Trinh Đức (ảnh chụp tại tư gia ngày 6/5/2016)

Năm 1997, ông chuyển về sống bên vợ ở đường Huỳnh Tịnh Của bằng nghề buôn bán. Lúc này, con gái ông Trần Thị Phượng đã lớn. Ở vào tuổi đang yêu Phượng theo bạn bè sa vào cờ bạc bị lừa cả tình lẫn tiền. Quẫn trí, Phượng suy sụp lâm vào tình trạng tâm thần phân liệt.

Sau sự cố này, vợ chồng ông cùng cô con gái bán hết tài sản để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ. Cả nhà đành phải đùm dúm lên tận xứ chùa Tháp để lánh nợ. Trên đất Miên, ông sống bằng nghề sửa giày dép nhưng rồi cũng chỉ được vài năm, năm 2000 cả gia đình ông lại dắt díu trở về.

Trở về Sài Gòn lần này, ông Đức đành phải sống bằng nghề xe ôm. Cuộc mưu sinh vô cùng vất vả. 5h sáng ông đã phải có mặt ở vị trí quen thuộc đón khách. Phải gần nửa đêm ông mới trở về nhà nhưng thu nhập vẫn không bù đắp được nhu cầu cần thiết. Cái vòng xoáy mưu sinh đó kéo dài đến 7- 8 năm chịu hết xiết, năm 2009 gia đình ông lại quay về Bạc Liêu.

{keywords}
Ông Trần Trinh Đức lúc chạy xe ôm (ảnh Internet)

Sở dĩ ông quay về Bạc Liêu - ông Đức kể tiếp - một doanh nghiệp ở đây nhận ông vào làm việc và có nhã ý cho một mượn một thửa đất rộng 300m2 nằm đối diện khu du lịch Hồ Nam trong thời hạn 50 năm để dựng nhà làm nơi tá túc. Cuối năm 2009, công trình được động thổ nhưng ... đến nay vẫn là miếng đất với lau sậy um tùm.

Mãi cho đến năm 2013, sở Xây dựng Bạc Liêu đưa ông về ngụ tại căn nhà này - 112 đường 15 khu dân cư phường 5 TP Bạc Liêu - nhưng chỉ bằng lời nói mà không có một mảnh giấy nào chứng minh sở hữu.

"Trước mắt có nơi chui ra chui vào, có nơi thờ tự ông bà là vui rồi". Ông Đức bày tỏ với chúng tôi như thế.

Trong 8 người con của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy chỉ còn mình ông Đức là quay về cố hương để lo phần thờ tự và chăm sóc mồ mả ông bà. Những người con khác, người còn người mất. Có người ở trong nước, người ở nước ngoài. Họ chỉ thỉnh thoảng gặp nhau qua điện thoại. Không một ai muốn trở về bởi nơi ấy có quá nhiều kỷ niệm đắng cay ...

Trần Chánh Nghĩa

(Còn nữa)