- Anh mời tôi lên lầu. Căn phòng rộng khoảng 40m2 chứa toàn xe đạp cũ. Chiếc này chồng lên chiếc kia, không thể đếm được nhưng ước lượng cũng gần 100 chiếc...
Giấc mộng ấu thơ
Theo lời anh kể, nhưng chiếc xe này được anh mua từ các vựa phế liệu trong thành phố. Cũng có khi các chị mua bán ve chai đem tới.
Nhưng gần đây, anh không còn mua nhiều nữa bởi việc làm của anh đã khiến cho nhiều nơi quan tâm và họ đã chung tay cùng anh đem niềm vui đến cho các trẻ em nghèo cơ nhỡ.
Sửa xe gắn máy cho khách, công việc mưu sinh hàng ngày của anh Thái. |
Anh là Lê Văn Thái (42 tuổi), chủ tiệm sửa xe Lê Vĩnh trên đường Hồng Lạc (phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM).
Khi chúng tôi đến, anh đang cặm cụi sửa chiếc xe gắn máy cho khách hàng. Tiệm của anh nhỏ, bên trong chỉ vừa đủ để chiếc tủ trưng bày phụ tùng, đồ nghề và vài chiếc ghế. Anh dành khoảng trống phía trước làm nơi sửa xe. Toàn bộ gia đình 6 người gồm hai vợ chồng và 4 đứa con sống trên căn gác chật hẹp ...
"Tôi vốn xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi", anh bắt đầu câu chuyện. "Thuở nhỏ tôi vừa đi học vừa làm phụ giúp gia đình. Không như những đứa trẻ khác, cuộc sống của chúng tôi rất thiếu thốn và khó khăn.
Kho xe cũ. Hàng trăm chiếc được mua về chất đầy trong kho |
Hàng ngày tôi phải đi bộ đến trường cách nhà nhiều cây số. Nhìn những bạn đi học trên những chiếc xe đạp tôi ao ước mãi. Tôi thèm chiếc xe đến nỗi ngủ cũng mơ thấy.
Cha tôi biết chuyện nhưng làm gì có tiền mà mua xe cho con. Ông giao cho tôi đàn vịt và dặn phải chăm chúng cho tốt. Có lẽ trong dự tính của ông, sau khi bán đàn vịt sẽ mua cho tôi chiếc xe. Nhưng "người tính không bằng trời tính", một trận dịch quét ngang, đàn vịt chết sạch. Kinh tế gia đình kiệt quệ kéo theo giấc mộng chiếc xe đạp của tôi tan tành theo mây khói".
Anh kể tiếp: "Sau sự cố này, năm 1990, vừa tròn 15 tuổi, tôi rời quê nhà vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Hai bàn tay trắng, không bằng cấp, không nghề nghiệp, tôi vật lộn để tồn tại ở đất Sài Gòn. Tôi làm đủ nghề từ bưng bê ở quán ăn đến giữ xe..., miễn sao sống qua ngày.
Sau 2 năm, một hôm tôi gặp được một người thợ sửa xe đạp, ông nhận tôi làm học trò cho học thí công. Sau đó tôi xin vào học ở một tiệm sửa xe gắn máy. Vừa làm vừa học nên thời gian kéo dài đến 6 năm. Để trả ơn thầy, tôi làm lại cho thầy một năm nữa rồi tách ra mở tiệm".
Mở được tiệm, anh là chợ chính và có khá nhiều khách hàng. Hàng ngày anh Thái tiếp nhận các loại xe gặp sự cố. Buổi trưa hôm ấy, trong lúc đang tháo bộ chế hòa khí của một chiếc xe wave, anh bất chợt nhìn ra đường.
Anh thấy một học sinh cấp 2 quần xanh áo trắng, khăn quàng đỏ trên cổ, tay xách cặp mồ hôi nhễ nhại đến trường. Anh gọi em lại, trò chuyện mới biết gia đình em quá nghèo không thể sắm được chiếc xe đạp. Ý tưởng giúp học sinh nghèo của người thợ sửa xe phát xuất từ đó ...
Cho đi không mong nhận lại
Anh kể tiếp: "Tôi âm thầm tìm mua từ người bán ve chai một chiếc xe đạp cũ. Tôi tháo ra vô lại dầu mỡ, thay những phụ tùng đã hư hỏng rồi quét qua một lớp sơn cho mới. Tôi đem xe tới trường của em đó học gặp Ban giám hiệu trình bày ý định tặng xe.
Nhận được chiếc xe, thằng bé rưng rưng nước mắt lắp bắp nói lời cảm ơn. Trong giây phút này, hình ảnh ngày xưa của tôi thèm muốn chiếc xe đạp hiện về.
Vậy là từ đó, ý tưởng giúp trẻ em nghèo chiếc xe đạp để đến trường, để mưu sinh thôi thúc tôi mãnh liệt".
Những xe đã tân trang hoàn chỉnh, chờ đi trao tặng |
Anh Thái tìm đến vựa phế liệu mua khá nhiều xe cũ. Hàng ngày, giờ rảnh anh lao vào tân trang xe đạp. Nhà anh chật quá không để được dù chỉ một chiếc. May mắn bên cạnh tiệm của anh có trụ sở của chi hội từ thiện Bình Phú Đông cho gửi nhờ.
20 chiếc xe đã sửa chữa, làm mới xong vừa kịp lúc chi hội từ thiện có đợt phát quà cho trẻ em nghèo. Anh đề nghị các chị cho tham gia với số xe đạp vừa hoàn chỉnh.
Anh chia sẻ: "Tôi còn nhớ hôm ấy - khi trao xe cho các em có hoàn cảnh khó khăn, em nào cũng đỏ hoe đôi mắt. Thương lắm anh ơi.
Công việc tôi làm một cách thầm lặng cả vợ con đều không biết. Một thời gian sau, vợ tôi biết chuyện. Cô ấy trách chồng: "Làm việc thiện giúp đời là việc làm tốt sao anh không nói với gia đình? Em và các con không phản đối việc làm của anh đâu".
Kể chuyện tới đây, anh Thái dừng lại. Anh mời tôi đi tham quan kho xe của anh. Căn nhà chung vách với nhà anh là trụ sở của chi hội từ thiện.
Căn phòng rộng khoảng 40m2 chứa toàn xe đạp cũ. Chiếc này chồng lên chiếc kia, không thể đếm được nhưng ước lượng cũng gần 100 chiếc... Ở tầng dưới là những chiếc xe đã hoàn chỉnh chờ ngày đi trao.
"Có lần - anh Thái kể tiếp - đứa con trai tôi thỏ thẻ: "Ba ơi lớp con có một bạn nhà xa ngày nào cũng đi bộ tới trường. Nhiều hôm bạn ấy đi học trễ nữa". Tôi nghe thấy không khỏi xót xa. Thế là trong thời gian nhanh nhất, tôi đưa chiếc xe tới trường tặng cho em học sinh đó...
Một trường hợp khác, có một thương binh ở Bình Dương tìm đến tôi. Tiếp chuyện với anh tôi được biết anh rất khó khăn trong việc mưu sinh. Hàng ngày, anh làm bảo vệ nhưng chân không khỏe đi bộ rất bất tiện.
Anh cần một chiếc xe để đi làm nhưng không có tiền để mua. Tôi giúp anh một chiếc. Anh nhận xe với sự xúc động và biết ơn".
Công việc làm từ thiện bằng cách tân trang xe đạp giúp những mảnh đời khó khăn của anh Thái có kết quả rất tốt. Tình đến nay anh đã giúp được hơn 100 người. Trước đây, anh bỏ tiền ra mua nhưng ngày càng nhiều người biết việc làm thiện nguyện của anh, nên đã cùng chung tay giúp sức.
Gia đình anh không giàu, thậm chí còn nghèo. Nhưng khi hỏi về việc làm của mình, anh vui vẻ chia sẻ: "Chuyện từ thiện nếu có tâm ai cũng có thể làm được. Sống là để cho đi chứ đừng có ý nghĩ sẽ nhận lại...".
Và tôi nhận ra, anh không nghèo, anh là một đại gia - đại gia của tình thương yêu và lòng nhân hậu.
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Ngọc Xuân, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 11, quận Tân Bình cho biết, mặc dù gia đình cũng rất khó khăn nhưng anh Thái đã có nghĩa cử tốt đẹp giúp nhiều người có phương tiện đi lại. Các em học sinh nghèo, các mảnh đời cơ nhỡ nhờ đó có điều kiện cải thiện được cuộc sống. Việc làm của anh Thái đã được địa phương ghi nhận. Anh cũng được biểu dương gương người tốt việc tốt cấp thành phố. |
Cuộc đời bi thương và 3 bức thư dưới gối của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
Mẹ mất khi còn bé thơ, cuộc đời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp dường như luôn lẩn quất những nỗi buồn. Ông sớm ra đi vì bệnh tật. Mãi gần nửa thế kỷ sau ngày mất, người thân mới đưa được ông về nằm trong khu mộ của gia tộc.
Người vợ thuở nghèo khó phía sau tỷ phú ô tô ở Sài Gòn
Công cuộc làm ăn của ông bà Hảo ngày càng phát đạt. Ông cho mở thêm một cửa hàng tại Trà Vinh. Lợi nhuận cũng từ đó tăng dần biến ông trở thành một tỉ phú lúc nào không hay.
Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn
Năm 1960, tỷ phú Nguyễn Văn Hảo tròn 70 tuổi. Khi công việc kinh doanh vẫn đang thuận buồm, xuôi gió, ông Hảo bất ngờ giao hết lại cho vợ con, về quê nhà ở Càng Long, Trà Vinh mua đất xây chùa.
Trần Chánh Nghĩa